Thứ Năm, 23/03/2023, 04:23
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cảng Hải Phòng lên sàn Hà Nội (HNX)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảng Hải Phòng lên sàn Hà Nội (HNX)

Lan Nhi

Cảng Hải Phòng lên sàn Hà Nội (HNX)

Cảng Hải Phòng sẽ chính thức niêm yết trên sàn HNX từ ngày 12/8 với giá khởi điểm 16.500 đồng/cổ phiếu .Ảnh:TL

(TBKTSG Online)- Cảng Hải Phòng – cái tên được báo giới nhắc đến suốt hơn một năm qua vì là tâm điểm trong các cuộc đề nghị chuyển nhượng, hoán đổi nợ của  Vietinbank, Vingroup, CTCP đầu tư Việt Nam- Oman (VOI) đã quyết định một lối đi riêng: niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để kêu gọi các nhà đầu tư.

Một tư thế khác

Ngày 12-8, CTCP Cảng Hải Phòng, đơn vị có bề dày lịch sử 128 năm kể từ khi người Pháp xây dựng đến nay, chính thức sang một bước ngoặt mới: niêm yết trên sàn HNX.

Trong điều kiện có hàng chục các công ty cổ phần (CTCP) cảng niêm yết trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TPHCM, lại làm ăn khá thành công thì sự góp mặt của CTCP Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán PHP), doanh nghiệp có vốn nhà nước đến 94,68%, liệu có gì hấp dẫn?

Phải nhắc lại một thực tế là tại thời điểm Cảng Hải Phòng IPO để chuyển mô hình hoạt động từ công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước sang CTCP hồi tháng 5 năm ngoái, việc chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện quá gấp gáp. Cộng với tỉ lệ cổ phần nhà nước quyết định giữ lại cảng này sau cổ phần hóa từ 65% đến 75% và không có cổ đông chiến lược nên các nhà đầu tư không mặn mà. Do đó, hai đợt bán vốn trên HNX đều thất bại, chỉ bán được hơn 5% vốn cần bán tại đây với mức giá bình quân 13.507 đồng/cổ phiếu.

Nhưng nay tình hình đã khác hẳn. Có quá nhiều sự thay đổi sau khi Cảng Hải Phòng trở thành CTCP.  Dù bán cổ phần bị “ế” nhưng Cảng Hải Phòng vẫn là mục tiêu “săn đuổi” đổi nợ lấy cổ phần của Ngân hàng Vietinbank vì ngân hàng này muốn trở thành cổ đông lớn tại đây. Quỹ đầu tư Việt Nam – Oman, nơi thừa nhận là có kinh nghiệm kinh doanh cảng tại nhiều quốc gia đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép họ mua tối đa số cổ phần bán ra. Và bước đầu, Chính phủ đã đồng ý bán cho họ từ 19,68% đến 29,68%. Rồi đến Tập đoàn Vingroup đề nghị mua đến 80% cổ phần, cho dù Chính phủ chưa có quyết định gì khác về việc Nhà nuớc giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới mức 65%.

Các đề nghị mua cổ phần Cảng Hải Phòng vẫn còn nguyên đó. Nó cho thấy, Cảng Hải Phòng nếu không có sức hấp dẫn nhất định thì các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước không dễ gì phải chạy đua với nhau; nhất là trong điều kiện mua cổ phiếu cảng biển đang “ăn nên làm ra” trên cả hai sàn chứng khoán quá dễ dàng.

Nỗi e ngại Cảng Hải Phòng là công ty con trực thuộc Vinalines – cái tên đình đám cùng với Vinashin suốt mấy năm qua vì ôm khối nợ hàng chục ngàn tỉ đồng – cũng đang vơi dần. Lý do là Vinalines từ ngày thực hiện tái cơ cấu quyết liệt công ty mẹ đến các công ty con từ năm 2013 đến nay đã có những bước thay đổi đáng kể về tình hình quản trị và tài chính. Từ lúc ôm khối nợ hơn 12.000 tỉ đồng mà không có khả năng trả nợ đến hạn, lỗ hàng ngàn tỉ đồng/năm, đến hết 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Vinalines đã báo lãi 124 tỉ. Tuy kết quả kinh doanh hợp nhất của toàn tổng công ty dự kiến vẫn lỗ 197 tỉ đồng nhưng so với mức lỗ 3100 tỉ đồng của năm 2013 thì đây là một bước tiến đáng kể.

Mặt khác, Vinalines nay đã tái cơ cấu nợ được trên 5000 tỉ đồng so với tổng nợ hơn 12.000 tỉ đồng. Các điều kiện tài chính cải thiện rõ rệt cộng với việc cổ phần hóa được 11 cảng biển trực thuộc đã khiến cho Vinalines dần hồi sinh ở một vị thế khác và cũng chuẩn bị IPO.

Cũng nhờ công ty mẹ “sức khỏe” tốt hơn, công ty con Cảng Hải Phòng nay lên sàn trong một tư thế khác hẳn.

Vẫn có lợi thế cạnh tranh

Cảng Hải Phòng đã công bố mức giá khởi điểm là 16.500 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (12-8). So với mức giá 13.507 đồng/cổ phiếu bán mãi trong đợt IPO năm ngoái không hết, liệu có phải giá cổ phiếu được định quá cao?

Trả lời câu hỏi này của TBKTSG Online, ông Bùi Chiến Thắng, Phó Tổng giám đốc CTCP Cảng Hải Phòng nói rằng, mức giá này đã được các bên tư vấn và doanh nghiệp tính toán kỹ dựa trên hai yếu tố: tính theo giá trị sổ sách của doanh nghiệp và đặt trong mức giá so sánh với các doanh nghiệp kinh doanh cảng trên địa bàn Hải Phòng và phía Bắc.

Theo ông Thắng, với mức vốn điều lệ 3269 tỉ đồng, tương đương với số chứng khoán niêm yết là 326,96 triệu cổ phiếu, Cảng Hải Phòng hiện có vốn điều lệ lớn hơn tất cả các doanh nghiệp cùng ngành trên hai sàn. Còn nếu tính theo vốn hóa thi trường của Cảng Hải Phòng tương ứng gần 5.395 tỉ đồng.

Ông Thắng nói rằng, việc đưa Cảng Hải Phòng lên sàn HNX đúng tiến độ đề ra là một cố gắng lớn của Vinalines và doanh nghiệp. Bởi lẽ trong thời điểm vẫn còn rất nhiều các doanh nghiệp thuộc Vinalines làm ăn thua lỗ mà Cảng Hải Phòng ba năm gần nhất làm ăn có lãi, tuy mức lãi chưa phải là lớn song tăng đều đặn qua các năm là một biểu hiện của sự ổn định và phát triển (mỗi năm lợi nhuận/doanh thu đều đạt trên 10%).

Sáu tháng cuối năm 2014, từ khi chuyển thành CTCP, Cảng Hải Phòng báo lãi trước thuế 198,6 tỉ đồng và dự kiến sẽ tăng mức chi trả cổ tức từ 2% lên 2,5%. Còn năm 2015, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến là 23,5 triệu tấn, tăng gần 20% so với 2014 thì Cảng Hải Phòng dự kiến đạt doanh thu 1.720 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 380 tỉ đồng, chia cổ tức 6%, tăng 20% so với phương án cổ phần hóa.

Ông Thắng cũng nói, kể cả khi cảng nước sâu Lạch Huyện đi vào hoạt động năm 2017 và 40 cảng lớn nhỏ khác ở khu vực Hải Phòng cạnh tranh quyết liệt, Cảng Hải Phòng vẫn định rõ những lợi thế của mình. Cảng Lạch Huyện dự kiến đón những tàu có công suất lớn hơn 100.000 tấn, Cảng Hải Phòng vẫn tiếp tục đóng các tàu nhỏ, các tàu dỡ tải từ cảng nước sâu vào các cảng nhỏ hơn nên hai cảng đều có những phân khúc khách hàng riêng. Nếu quản trị tốt, chính sách cạnh tranh thì Cảng Hải Phòng sẽ tăng được thị phần. Nếu năm 2015 đạt 23,5 triệu tấn hàng thông qua cảng thì công ty sẽ có đến 33% thị phần ở khu vực Hải Phòng, so với 30% thị phần hiện nay.

Mặt khác, Cảng Hải Phòng cũng đang hoàn thành các thủ tục pháp lý để đầu tư cho dự án tại Lạch Huyện với 6 bến container mới tiếp nhận các tàu có trọng tải tối đa 100.000 tấn.

Cảng Hải Phòng là doanh nghiệp cảng biển đầu tiên của Vinalines lên sàn HNX trong thời điểm công ty mẹ đã có những thay đổi đáng kể so với những năm trước. Trong điều kiện Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và sắp tới là các hiệp định thương mại tự do lớn hơn như TPP, xuất nhập khẩu nhộn nhịp hơn thì cơ hội tăng trưởng của ngành kinh doanh cảng biển sẽ ngày được cải thiện.

Và sau Cảng Hải Phòng, sẽ có nhiều CTCP cảng khác của Vinalines sẽ còn nhiều cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường cảng biển, giảm sự phụ thuộc vào vốn nhà nước.

Mời xem thêm:

Bán cảng Hải Phòng cho Oman: mũi tên trúng nhiều đích

Vinalines đã bớt lỗ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới