Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Càng khó khăn, càng mong thay đổi lớn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Càng khó khăn, càng mong thay đổi lớn

Nhân viên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM trong ngày đầu tiên thực hiện giao dịch trực tuyến – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Doanh nghiệp nhà nước vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài, nhưng lời chào mời bây giờ phải đủ lớn họ mới vào. Chứng khoán ngày càng thể hiện tính phong vũ biểu của nền kinh tế. Giao dịch trực tuyến là đột phá của chứng khoán năm nay.

Tất cả những thay đổi và mong chờ thay đổi đó được ông Lê Hải Trà, ủy viên hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), nêu ra trong cuộc trao đổi với TBKTSG.

TBKTSG: Một câu hỏi “truyền thống”. Thưa ông, năm mới hoạt động của sở có gì mới?

– Ông Lê Hải Trà: Giao dịch trực tuyến là tâm huyết của sở, là đột phá của năm nay, đánh dấu một bước chuyển lớn, làm thay đổi một cách căn bản mức độ cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán.

Cứ thử hình dung thế này. Trước đây để đưa được một lệnh giao dịch vào sàn, công ty chứng khoán mất 5 giây, nhanh cũng 3 giây, nay một giây có thể vào hàng trăm lệnh. Tốc độ dịch vụ được nâng tầm. Sẽ xuất hiện những công ty chứng khoán điện tử.

TBKTSG: Công ty chứng khoán điện tử cụ thể là sao, thưa ông?

– Đó là những công ty mà khách hàng giao dịch hoàn toàn qua mạng. Khách hàng chỉ cần truy cập vào trang web của công ty chứng khoán là giao dịch được.

Công ty chứng khoán không cần phải thuê mặt bằng tối thiểu 150 mét vuông sàn, không cần phải ở TPHCM. Thậm chí những công ty chuyên môn giỏi sẽ chỉ cần một vài nhân viên, trụ sở là một phòng nhỏ, ở bất kỳ địa phương nào, cũng kết nối được với sở, với khách hàng. Chi phí hoạt động của công ty chứng khoán như vậy sẽ giảm, giúp họ có thể giảm phí môi giới, và đưa ra chất lượng dịch vụ tốt hơn.Hơn nữa giao dịch trực tuyến được chuẩn hóa theo chuẩn mực quốc tế, sự hợp tác của các công ty chứng khoán Việt Nam với đối tác nước ngoài sẽ dễ dàng hơn.

TBKTSG: Ngoài giao dịch trực tuyến, hẳn sở còn các dự án mới khác?

– Gói thầu 04 hiện đại hóa toàn bộ hạ tầng của Hose, Hastc, trung tâm lưu ký đang được đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi đã phát hồ sơ cho ba nhà thầu là NYSE – Euronext, Nasdaq – OMS, KRX (Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc). Hiện giá trị đầu tư chưa được xác định cụ thể vì phụ thuộc vào giải pháp do nhà thầu trình bày. Chính phủ đã chỉ đạo quan trọng là chọn được công nghệ, giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất.

TBKTSG: Công nghệ chứng khoán đang phát triển. Nhưng để thị trường phát triển thì công nghệ thôi là chưa đủ, mà phải cần thêm hàng hóa. Sở đã chuẩn bị gì và sẽ làm gì tiếp theo để cung ứng hàng mới cho thị trường?

– Thu hút các công ty đủ tiêu chuẩn niêm yết là nhiệm vụ thường xuyên của Hose. Tiến trình cổ phần hóa đang chậm lại. Chúng tôi mong Chính phủ có chiến lược thích hợp hơn để thúc đẩy cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp nhà nước vẫn hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Các quốc gia quanh ta không còn “mỏ vàng” này nữa. Nếu khai thác khéo, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài.

TBKTSG: Ông có quá tự tin không khi đưa ra hình tượng “mỏ vàng hấp dẫn”? Mới đây đã không có tổ chức nước ngoài nào tham gia IPO Vietinbank, chỉ có vài cá nhân nước ngoài đăng ký mua hơn 100.000 cổ phiếu…

– Các đợt IPO doanh nghiệp tầm cỡ vừa qua đang nhắc nhở chúng ta xem xét lại cổ phần hóa, rút ra kinh nghiệm rằng cổ phần hóa doanh nghiệp lớn khác hẳn các đơn vị nhỏ.

Các bước đi về xác định giá trị (cách thức Nhà nước bơm thêm vốn vào doanh nghiệp trước khi IPO), bán cho ai trước, ai sau, cách thức bán như thế nào… đều có ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ kết quả cổ phần hóa một doanh nghiệp. Tận thu có phải là mục tiêu không? Nếu không, thì là gì? Cổ phần hóa đã gắn với chứng khoán chưa? Nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn chưa niêm yết, chưa tạo ra tác động có lợi cho thị trường.

TBKTSG: Phải chăng những doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa như Bảo Việt, Habeco, Sabeco chưa niêm yết vì chưa muốn tăng thêm nguồn cung quá mức cho thị trường lúc này? Ngay cả Vietcombank mới nộp hồ sơ lên sàn mới đây cũng chỉ đăng ký niêm yết 112 triệu cổ phiếu, một phần rất nhỏ.

– Cơ chế IPO và niêm yết của Việt Nam khác các nước. IPO của ta không gắn với lên sàn ngay lập tức. Khi tham gia IPO nhà đầu tư đã bỏ tiền vào cổ phiếu rồi. Khi niêm yết cổ phiếu đó không tạo sức hút dòng tiền mới. Như vậy niêm yết không phải là thị trường tạo vốn, chỉ đơn thuần là tạo thanh khoản.

TBKTSG: Động lực cho niêm yết, như vậy, đang yếu phải không ông? Và trong bối cảnh đó, doanh nghiệp nhà nước là một mỏ vàng hấp dẫn như ông nói, đang trở nên không hiện thực?

– Có nhiều quan điểm khác nhau khi nhìn nhận tiềm năng đầu tư vào Việt Nam. Giá tài sản (trong đó có chứng khoán) ở Mỹ và các nước phát triển đang giảm, nhưng khi có dấu hiệu phục hồi, kinh tế ở đâu tăng nhanh hơn? Tôi cho rằng tốc độ phục hồi kinh tế (sau đó là giá tài sản) ở Việt Nam nhanh hơn. Đấy là sự khác nhau giữa một thị trường đang phát triển và đã phát triển. Thị trường của ta đang ở vùng đáy rồi, giá chứng khoán đã được xác định ở một mặt bằng mới. Chính ở mặt bằng mới đó, chứng khoán trở nên hấp dẫn.

TBKTSG: Tuy nhiên những thị trường mới nổi bao giờ cũng chứa đựng rủi ro cao hơn. Nước ngoài khi cho Việt Nam vay vốn thường cộng thêm 2-3% rủi ro vào lãi suất. Có lẽ chứng khoán cũng không nằm ngoài luật bất thành văn này?

– Chúng ta vẫn đang chịu discount (chiết khấu) vì là thị trường mới nổi. Thị trường của ta chưa minh bạch được như họ, cơ chế quản trị công ty cũng chưa ở tầm như họ. Chính vì thế chiến lược cổ phần hóa đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp. Đầu tư vào tài sản an toàn thì lợi tức thấp, tài sản rủi ro thì lợi tức cao. Nhiều tổ chức nước ngoài vẫn chấp nhận đầu tư mạo hiểm.

TBKTSG: Chính phủ tổng kết năm 2008 khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam nhưng có tới 4,5 tỉ đô la Mỹ rút ra. Ông có thật sự tin rằng vẫn có những nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chờ đợi gõ cửa Việt Nam?

– Cá nhân tôi tin rằng có người rút ra, có người chạy tới. Sự quan tâm của giới đầu tư gián tiếp nước ngoài đến Việt Nam vẫn có. Càng trong khó khăn họ càng mong đợi sự thay đổi lớn. Lúc này nếu sự chào mời (offer) của ta không đủ lớn, họ sẽ không vào. Chiến lược IPO cần thay đổi chính là vì thế.

TBKTSG: Có phải vì IPO chưa gắn với niêm yết mà đã tám năm trôi qua, chứng khoán vẫn chỉ là một đặc trưng mờ của nền kinh tế? Hay còn vì lý do nào khác? Và thế thì có nên kỳ vọng nhiều vào chứng khoán năm nay?

– Nhìn vào con số doanh nghiệp niêm yết và tính đại diện, thị trường chứng khoán chưa phải là phong vũ biểu của nền kinh tế (tổng giá trị vốn hóa của thị trường hiện giờ chỉ còn bằng 11% GDP), nhưng càng ngày nó càng thể hiện tính phong vũ biểu của mình. Nền tảng gốc rễ của chứng khoán là nền kinh tế.

Sự điều chỉnh của chứng khoán phản ánh hết sức rõ ràng những bất ổn của nền kinh tế, những điều chỉnh của kinh tế vĩ mô. Nó là thực thể phản ánh các quyết định chính sách. Do đó chứng khoán đang dần trở thành tấm gương phản ánh nền kinh tế.

TBKTSG: Còn kỳ vọng về chứng khoán năm nay, thưa ông?

– Đầu tư chứng khoán là đầu tư vào niềm tin. Chứng khoán đã có những năm tưng bừng, nhưng nay chúng ta phải chấp nhận, và cần có cái nhìn hiện thực cũng như kỳ vọng hợp lý về tiềm năng thị trường.

TBKTSG: Ở trên ông nói rằng thị trường đang ở đáy. Vậy thì tiền mặt không còn là “vua” nữa phải không ông?

– Đang ở đáy và đáy rộng dài bao nhiêu, đáy lồi lõm thế nào và chừng nào ra khỏi đáy là khác nhau. Về chiến lược, sự tăng trưởng của thị trường trong ngắn hạn là không có, nên bỏ tiền vào chứng khoán và nhìn tiền “chết gí” ở đó, chưa thể sinh lời ngay, thì đó không phải là lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên cần lưu ý sự nhanh nhạy để đánh giá, phán đoán sự phục hồi của thị trường là yếu tố quyết định. Cái này không thể nói trước được. Đi tiên phong, hay “theo đóm ăn tàn”, theo “bầy đàn” cũng đồng nghĩa với những kỳ vọng lợi nhuận khác nhau. Điều này thì không ai quyết định thay bản thân nhà đầu tư được.

HẢI LÝ thực hiện

Từ ngày 12-1-2009 Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM thực hiện giao dịch trực tuyến. Hơn 60 công ty chứng khoán tham gia bước chuyển động mới này. Trong hai tuần đầu khi thực hiện, đại diện các công ty chứng khoán vẫn vào sàn và Hose vẫn cung cấp cho mỗi đơn vị hai màn hình, để đề phòng trục trặc kỹ thuật. Đối với các công ty chứng khoán còn lại, Hose không đưa ra lộ trình bắt buộc phải tiến hành giao dịch trực tuyến. Các công ty có quyền lựa chọn, tiếp tục theo giao dịch truyền thống nếu cần thiết. Áp dụng giao dịch trực tuyến sẽ dẫn đến thay đổi về điều kiện pháp lý đối với công ty chứng khoán và họ sẽ vẫn được tiếp tục cấp phép để hoạt động.Chi phí cho công nghệ lần này của các công ty chứng khoán rất khác nhau, phụ thuộc vào nhu cầu và chiến lược hoạt động của mỗi đơn vị. Đang và sẽ có những công ty lớn với hệ thống công nghệ, thiết bị đồ sộ, chi phí tốn kém, phục vụ cho các khách hàng riêng như tổ chức nước ngoài.

H.L

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới