Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo từ Bangkok

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh báo từ Bangkok

Huỳnh Hoa

Cảnh báo từ Bangkok
Vùng ngoại ô Bangkok dự kiến sẽ bị ngập hơn một tháng nữa. Ảnh: WSJ.

(TBKTSG) – Trận lũ lụt lịch sử đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok hiện nay không chỉ đặt ra cho xã hội Thái Lan nhiều bài toán mà còn là một lời cảnh báo cho các đô thị lớn khác ở Đông Nam Á.

Sang đầu tuần này, nước lụt đã tràn vào sân bay Don Muang – một trong hai sân bay quốc tế của thủ đô Bangkok, và dự báo hàng tỉ mét khối nước sắp tràn về Bangkok do triều cường làm nước lụt chậm rút ra biển. Như vậy, trận lũ lụt lớn nhất trong nửa thế kỷ qua ở đất nước này đã kéo dài gần hai tháng và có khả năng kéo dài thêm một tháng nữa.

Lũ dữ vì đâu?

Theo giới phân tích, lũ dữ một phần do trời, nhưng phần lớn là do con người. Số liệu của Cục Khí tượng Thái Lan cho thấy, từ tháng 3 đến hết tháng 9-2011, lượng mưa đổ xuống nước này cao hơn mức bình quân nhiều năm từ 40-70%, đặc biệt độ chênh lệch trong tháng 3 là 334% và tháng 4 là 76%. Trước tháng 9, các hồ chứa nước ở phía Bắc Thái Lan tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng khi lượng mưa không giảm vào tháng 10 và tháng 11 như thông lệ thì các hồ này buộc phải xả lũ, đẩy hàng chục tỉ mét khối nước ra khu vực thấp trũng ở miền Trung và khối nước khổng lồ đó chầm chậm tiến về Bangkok trước khi đổ ra vịnh Thái Lan.

Trong khi đó, khả năng lưu giữ và hấp thụ nước mưa của vùng này đã bị thu hẹp đáng kể do công cuộc đô thị hóa phát triển mạnh trong vài chục năm qua. Trước khi kinh tế bắt đầu cất cánh vào giữa thế kỷ trước, Thái Lan chỉ có 10% dân số sống ở thành thị, thủ đô Bangkok có chưa tới 1 triệu người; nay thì riêng Bangkok đã có 12 triệu dân và hơn 30% dân số Thái Lan sống ở các đô thị.

Cũng như các nước khác ở châu Á, các thành phố Thái Lan được phát triển trên các vùng đất trũng gần kề các thương cảng và đồng lúa, có nơi chỉ cao hơn mực nước biển vài chục cen ti met. Khi dân số đô thị tăng lên, người ta phải xây dựng thêm nhiều nhà cửa, nhà máy, trường học, đường sá… và dần dần các ao hồ, kênh rạch… biến mất. Những vùng trũng thấp từng là nơi chứa nước mưa, nước lũ nay đã biến thành những khu công nghiệp, khu đô thị… làm cho dòng chảy tự nhiên của nước bị thay đổi, và ngăn nước lụt thoát nhanh ra biển.

Chính quyền Bangkok chẳng hạn, đã san lấp rất nhiều kênh rạch để làm đường và chống muỗi. Thêm vào đó, việc xây dựng nhà cao tầng và khai thác nước ngầm làm cho nền đất ở các thành phố như Bangkok ngày càng lún xuống, càng dễ bị ngập lụt. Những hiện tượng trên không chỉ diễn ra ở Thái Lan mà có ở hầu hết các nước châu Á khác, nơi dân số đô thị đã tăng nhanh từ mức 237 triệu người năm 1950 lên 1,8 tỉ người hiện nay.

Hậu quả nặng nề cho cả Thái Lan và thế giới

Cho đến nay, lũ lụt gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan khoảng 6 tỉ đô la Mỹ, theo ước tính của Ngân hàng Trung ương nước này, chưa kể 356 người bị thiệt mạng, 114.000 người mất nhà cửa phải sống trong 1.700 trung tâm tạm cư trên cả nước.

Ở vùng nông thôn miền Trung và miền Bắc nước này đã có 14 tỉnh bị chìm trong lũ, hơn 10% diện tích và 23% sản lượng vụ lúa chính, khoảng 6 triệu tấn, bị hư hỏng hoàn toàn. Đã có 7 khu công nghiệp chìm dưới mực nước sâu 3 mét trong đó có 14.000 nhà máy phải đóng cửa và chưa thống kê được thiệt hại. Hai khu công nghiệp lớn Lat Krabang và Bang Chan ở phía Đông Bangkok cũng đã bị nước lụt tràn vào từ đầu tuần.

Ngay cả lĩnh vực du lịch cũng bị thiệt hại nặng khi du khách không dám mạo hiểm đi tham quan Thái Lan trong những ngày này, nhiều công ty lữ hành của Việt Nam đã quyết định tạm ngưng đưa khách đến Thái Lan ít ra cho đến hết tuần đầu tháng 11-2011.

Tính chung, đợt lũ lớn này làm tăng trưởng kinh tế của Thái Lan mất đi từ 1-1,8 điểm phần trăm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul cho rằng, cố gắng lắm nước này chỉ có thể đạt mức tăng GDP 3,1% trong năm nay.

Ngành công nghiệp xe hơi và công nghiệp điện tử Thái Lan bị thiệt hại nặng nhất và ảnh hưởng xấu đến thị trường toàn cầu. Nhà máy của Công ty Honda Motor ở phía bắc Bangkok chẳng hạn đã hoàn toàn chìm trong nước lũ trong khi tập đoàn Toyota Motor phải kéo dài thời gian ngừng sản xuất do thiếu linh kiện, phụ tùng. Thái Lan cũng là nhà cung cấp lớn thứ hai thế giới các loại đĩa cứng dùng trong máy vi tính.

Các nhà máy của tập đoàn Western Digital Corp. ở Thái Lan đã đóng cửa trong khi các nhà máy của tập đoàn Seagate Technology vẫn hoạt động nhưng sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu hụt linh kiện. Công ty Tư vấn IHS iSuppli đã cảnh báo rằng, sản lượng ổ đĩa cứng trên toàn cầu có thể giảm tới 30% do lũ lụt ở Thái Lan. Giám đốc điều hành tập đoàn Apple Inc., ông Steve Cook, cũng dự báo nguồn cung ổ đĩa cứng sẽ thiết hụt trong những tháng tới.

Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc nhận định, lũ lụt ở Thái Lan và Đông Nam Á nói chung, có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở nhiều vùng. Còn trong lĩnh vực công nghiệp, lũ lụt Thái Lan đang gây gián đoạn nguồn cung cấp linh kiện xe hơi và thiết bị điện tử cho thị trường thế giới giống như trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản hồi tháng 3-2011.

Ngoài việc chống đỡ nước lũ ngày một cao, Thái Lan hiện rất lo lắng vì niềm tin của nhà đầu tư sút giảm. “Điều tôi lo lắng nhất là lũ lụt sẽ ảnh hưởng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, những người có thể chuyển cơ sở sản xuất từ Thái Lan sang các nước khác”, Thống đốc Prasarn nói và thêm rằng, sự ứng phó của Thái Lan trong dài hạn với thảm họa lũ lụt có thể quyết định liệu nước này có duy trì được sức hấp dẫn đối với một số nhà sản xuất công nghiệp lớn của thế giới hay không.

Tuy nhiên, cho đến nay, phản ứng của Chính phủ Thái Lan tỏ ra chậm chạp, thiếu hiệu quả. Một cuộc khảo sát ý kiến người dân của tạp chí Bangkok Pundit cho thấy người dân Bangkok đánh giá nỗ lực ứng phó với lũ lụt của chính phủ chỉ đạt điểm 3/10 và uy tín của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra xuống rất thấp.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới