Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cảnh báo về dịch cúm gia cầm H7N9

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cảnh báo về dịch cúm gia cầm H7N9

Phúc Minh

Cảnh báo về dịch cúm gia cầm H7N9
Nhân viên y tế kiểm tra phòng chống virus H7N9. Ảnh: Getty

(TBKTSG Online) – Tạp chí khoa học Nature ngày 11-3 công bố kết quả nghiên cứu mới cho biết virus H7N9 – một trong những chủng virus cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm sang người – có khả năng phát triển thành đại dịch ở người nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Trong nghiên cứu trên, nhóm nhà khoa học do Giáo sư Quản Dật của Đại học Hồng Kông dẫn đầu chỉ ra virus H7N9 vẫn tiếp tục tồn tại, biến đổi và lan rộng trong các đàn gà tại nhiều khu vực của Trung Quốc.

Các nhà khoa học đã thu thập và phân tích nhiều mẫu bệnh phẩm từ các đàn gà tại 15 thành phố khác nhau của Trung Quốc và nhận ra virus H7N9 thường xuyên biến đổi gien. Thực tế này làm dấy lên lo ngại virus H7N9 sẽ tiếp tục lây nhiễm sang người và làm gia tăng nguy cơ trở thành đại dịch.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao cảnh giác đối với virus H7N9 và hạn chế tiếp xúc giữa người với gia cầm sống bày bán ở chợ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần đóng cửa vĩnh viễn các chợ bán gia cầm sống, giết mổ gia cầm tập trung và ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm giữa các khu vực khi dịch bệnh bùng phát nhằm giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người.

Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO), kể từ khi virus H7N9 được phát hiện ở người từ tháng 3-2013 đến nay, đã có ít nhất 571 người tại Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Canada bị nhiễm bệnh, trong đó 212 người đã tử vong.

Trong báo cáo cập nhật về chủng virus H7N9, WHO cho biết "vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cúm H7N9" và tiến hành những đánh giá rủi ro. Theo WHO, nguy cơ liên quan trực tiếp tới virus H7N9 vẫn không thay đổi so với đánh giá trước đây.

* Trước đó trong tháng 2-2015, WHO đã cảnh báo về sự thay đổi của các virus cúm. Năm 2014 đã ghi nhận sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3 và H5N8…

WHO nhận định virus cúm gia cầm H5N1 độc lực cao gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 và vẫn đang gây dịch tại nhiều nước. Dịch bệnh này vẫn là mối lo ngại đối với sức khỏe con người. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1-2015, WHO đã ghi nhận 777 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 tại 16 nước, trong đó 428 trường hợp đã tử vong (chiếm 55%).

Trong hai năm qua, các chủng virus H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8 được phát hiện tại các khu vực khác nhau trên thế giới. Tại Trung Quốc, H5N1, H5N2, H5N6 và H5N8 đang lưu hành trên các loài chim cùng với H7N9 và H9N2.

Trong bốn tháng qua, WHO đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm H9N2 tại Trung Quốc. Cả hai trường hợp này đều có triệu chứng nhẹ và đã hồi phục hoàn toàn.

Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus cúm H5N6 đầu tiên và tử vong vào tháng 4-2014. Trường hợp tiếp theo được ghi nhận vào tháng 12-2014. Trường hợp thứ ba được ghi nhận vào ngày 9-2 và đã tử vong.

Các nhà virus học giải thích sự gia tăng gần đây của các virus như một dấu hiệu cho thấy các virus cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng virus mới. Sự xuất hiện của nhiều virus mới đã tạo ra nguồn gen đa dạng, tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng virus cúm khác nhau. Do vậy, hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước và rất đáng lo ngại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới