Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cánh đồng mẫu lớn: cần liên kết từ doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cánh đồng mẫu lớn: cần liên kết từ doanh nghiệp

Trung Chánh

Cánh đồng mẫu lớn: cần liên kết từ doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng không chỉ có nông dân mà doanh nghiệp cũng góp phần quyết định đến thành công của việc mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn – Ảnh minh họa: Trung Chánh

TBKTSG Online) – Mô hình cánh đồng mẫu lớn (CDML) được xác định là tiền đề đưa ngành sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng lúa nhưng sau 2 năm triển khai, ngoại trừ có sự phát triển về diện tích thì chất lượng của mô hình CDML vẫn không như mong đợi, do thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.

Chất vẫn chưa tăng

Báo cáo tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn” được tổ chức tại An Giang ngày 13-7, ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình CDML tại ĐBSCL, diện tích tham gia không ngừng được nâng lên.

“Nếu như trong vụ hè thu năm 2011 diện tích tham gia mô hình chỉ trên 7.800 héc ta, đạt trên 93% kế hoạch (8.370 héc ta) thì sang vụ đông xuân 2011-2012 diện tích tăng lên trên 19.720 so với kế hoạch đề ra là 18.880 héc ta, đạt trên 104%. Thời gian tới, Cục trồng trọt sẽ phấn đấu đưa con số này lên 1 triệu héc ta”, ông Tùng nói.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết liên kết làm CDML hiện nay là một mô hình tối ưu. "Chúng ta đưa nông hộ nhỏ, sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng bộ, tiến tới xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho hạt gạo của Việt Nam”, ông nói.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Bảnh, dù diện tích tham gia mô hình CDML không ngừng tăng lên nhưng so với tiềm năng thì con số này vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. “Trên 20.000 héc ta diện tích tham gia mô hình so với con số 1,6 triệu héc ta lúa sản xuất mỗi vụ thì còn quá ít”, tiến sĩ Bảnh nói.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đặt vấn đề điều cần thì đã có nhưng cái có thì vẫn như không. Ông Năng giải thích cái có ở đây là Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách để thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, chẳng hạn như ưu đãi vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây kho tàng, nhà máy phục vụ cho lĩnh vực này, và cái có vẫn như không là cho đến nay việc thực hiện các mục tiêu vẫn chưa đáp ứng được.

“Chính vì lẽ đó, 'chất' của mô hình vẫn chưa phát huy hết, dù thực tế thu nhập của nông dân tham gia vào mô hình có tăng so với nông dân ngoài mô hình”, ông Năng cho biết.

Tiến sĩ Bảnh cho hay, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng, không thực hiện bao tiêu sản phẩm cho nông dân, dù trước đó 2 bên đã ký kết bao tiêu sản phẩm hẳn hoi.

Cần doanh nghiệp có năng lực

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, từng chia sẻ với Thời báo Kinh tế Sài Gòn rằng tham gia mô hình CDML cả nông dân và doanh nghiệp đều được lợi nhờ cải thiện chuỗi giá trị, làm giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm. "Nông dân yên tâm về đầu ra, doanh nghiệp biết trước được nguồn cung lúa gạo”, ông nói.

Lợi ích người nông dân được hưởng đã quá rõ nhưng vì sao mô hình CDML vẫn chưa thực sự hấp dẫn tuyệt đối với người nông dân? Lý giải vấn đề này, các chuyên gia của ngành nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra nhiều lý do tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp.

Tiến sĩ Bảnh từ Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng muốn mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong thực hiện mô hình CDML phát triển tốt thì doanh nghiệp là đầu tàu, phải có năng lực tài chính đủ mạnh.

Theo ông Bảnh, trên một cánh đồng mẫu lớn thì cần phải có sự đầu tư từ giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đến đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm nhà máy sấy, kho tàng… Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp tham gia vào CDML cũng chỉ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn tham gia nên hiệu quả chưa cao.

Tiến sĩ Nguyễn Thơ, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thực vật Việt Nam – Trưởng văn phòng đại diện tại TPHCM, cho biết, hiện nay liên kết với nông dân trong việc xây dựng CDML chỉ có những công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật như Công ty bảo vệ thực vật An Giang, công ty TNHH ADC… và họ không phải là những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo. Trong khi đó, những công ty chuyên kinh doanh lúa gạo thì lại thờ ơ với mối liên kết này.

“Nếu như các công ty chuyên kinh doanh lúa gạo không tham gia vào liên kết với nông dân, việc tổ chức cánh đồng mẫu lớn trong tương lai sẽ khó mở rộng và lúa gạo Việt Nam rất khó hướng tới phát triển bền vững được”, tiến sĩ Thơ nói.

Tiến sĩ Bảnh thì cho rằng để mang lại hiểu quả tốt trong việc thực hiện CDML cần phải có doanh nghiệp có năng lực liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đầu tư hệ thống máy sấy, kho dự trữ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới