Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh dịch vụ kiểm định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cạnh tranh dịch vụ kiểm định

Phi Tuấn

Hoạt động kiểm định hàng hóa tại một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Sau một thời gian dài là sự độc diễn của một vài doanh nghiệp nhà nước, thị trường dịch vụ kiểm định Việt Nam đang đón những làn gió mới với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ độc quyền đến cạnh tranh

Về hoạt động của ngành kiểm định, có thế lấy dấu mốc năm 1957, khi Cục Kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu trực thuộc Bộ Thương nghiệp, tiền thân của Vinacontrol, ra đời. Hiện Vinacontrol đã trở thành công ty cổ phần, hoạt động không chỉ giới hạn trong khuôn khổ dịch vụ giám định, mà đã mở rộng ra các hoạt động khác, từ việc cấp chứng nhận các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, thẩm định giá, kiểm toán, đến đánh giá tác động môi trường, đào tạo kiểm định viên cho các công ty khách hàng.

Câu chuyện của Vinacontrol đã phản ánh những bước thăng trầm của ngành dịch vụ kiểm định Việt Nam. Tình trạng độc quyền trong lĩnh vực kiểm định cũng không còn khi hàng loạt tổ chức, trung tâm hoạt động trong lĩnh vực này, cả của tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, lẫn các bộ ngành được thành lập.

Thế nhưng, thị trường dịch vụ này chưa hẳn đã mở, khi mà các doanh nghiệp nhà nước, hay các doanh nghiệp sân sau của các ngành vẫn còn nhận được sự chỉ định từ các cơ quan, tổng công ty. Thị trường chỉ thực sự mở đối với những ngành mà kỹ thuật Việt Nam chưa thể đạt tới, hay kiểm định theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài.

Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp mạnh trong ngành dịch vụ kiểm định ở Việt Nam hiện nay như ở mặt hàng nông sản có Cafecontrol; về khử trùng có FCC; thủy sản có Nafiqaved của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; về mặt hàng tiêu dùng có QUATEST 3 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị gần đây đã trở thành một đối trọng của các tổ chức kiểm định quốc tế… Những tên tuổi lớn của nước ngoài cũng đã hiện diện ở Việt Nam, như SGS có trụ sở chính ở Thụy Sỹ, TUV SUD của Đức, Intertek của Anh, UL của Mỹ…

Tuy phong phú như vậy, nhưng theo một chuyên gia, lợi nhuận từ lĩnh vực kiểm định đủ lớn để khiến cuộc đua chưa thể dừng lại. Chi phí kiểm định chiếm một phần khá lớn trong tổng chi phí của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, gia công. Vì thế các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong nước đang tiếp tục xây dựng các trung tâm kiểm định của riêng mình để giành thị phần.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài, cuộc đua ấy không hề công bằng. Dù có đội ngũ nhân lực chuyên môn hùng hậu, uy tín quốc tế, nguồn tài chính mạnh, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chưa thể sống khỏe bởi cái họ thiếu là thị trường, vốn đang là sân nhà của các doanh nghiệp nhà nước, các trung tâm kiểm định của các tổ chức ngành nghề, tổ chức sân sau các doanh nghiệp lớn.

Thị trường dịch vụ kiểm định đang có cuộc cạnh tranh khốc liệt. Thời điểm năm 2002, hàng loạt công ty kiểm định tư nhân được thành lập. Nhiều chuyên gia cho rằng với hơn 200 công ty, tổ chức khi ấy, Việt Nam có số lượng các công ty kiểm định lớn hơn cả châu Âu và châu Á cộng lại, nhưng chất lượng lại ở chiều ngược lại. Nhiều chuyện dở khóc dở cười diễn ra khi các doanh nghiệp nhỏ tìm kiếm khách hàng bằng cách hạ giá, phá giá. Không ít chuyện mua bán các loại chứng nhận chất lượng diễn ra. Không ít lô hàng vơi được chứng nhận thành đầy, thiếu thành đủ, kém thành tốt. Khi hàng hóa bị khách hàng chê, hợp đồng bị hủy, phải bồi thường, nhà sản xuất phải tự chịu thiệt thòi.

Ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc QUATEST 3, trong một lần trò chuyện với TBKTSG, cho biết nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn còn theo nếp cũ, vẫn nặng cơ chế xin cho, chi các khoản tiền lót tay để được du di về chất lượng của lô hàng. Có những trường hợp vì sự chủ quan của doanh nghiệp, sự cẩu thả của một số tổ chức giám định, mà những lô hàng giày dép xuất khẩu vào Mỹ bị trả về chỉ vì một mẩu vải nhỏ ghi kích cỡ không được kiểm định rõ ràng về hóa chất.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện không còn cảnh doanh nghiệp nộp đơn chầu chực để được kiểm định, thay vào đó là hình ảnh các công ty kiểm định săn đón, mời mọc doanh nghiệp bằng nhiều cách, từ việc tổ chức hội nghị khách hàng đến các chương trình ưu đãi, tư vấn. Nói cách khác, gió đã đổi chiều khi những doanh nghiệp trước đây ngồi chờ khách hàng đến nộp đơn, nay lại tất tả đi tìm khách hàng với một thái độ tôn trọng và phục vụ đúng nghĩa.

Những làn gió mới

Các tổ chức kiểm định lớn nước ngoài vào Việt Nam khá âm thầm. Trước tiên họ lập văn phòng đại diện, liên doanh với doanh nghiệp trong nước, sau đó thành lập các công ty kiểm định ở Việt Nam.

Chẳng hạn SGS, khi vào Việt Nam cuối những năm 1980, đã bắt tay với Vinacontrol, tạo thành một liên doanh giữa một bên có tiềm lực tài chính và công nghệ, một bên có thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, đến năm 1995, sau sự cố về một chuyến tàu chở gạo đến Trung Đông, hai bên quyết định đường ai nấy đi. Hai năm sau, Công ty TNHH SGS Việt Nam được thành lập, trở thành tổ chức giám định 100% vốn nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam.

SGS có thế mạnh về giám định năng lượng, cụ thể là dầu thô, nhưng sau khi liên doanh với Vinacontrol tan vỡ, bộ phận năng lượng chuyển về công ty của Việt Nam. Sau đó có một công ty kiểm định năng lượng của chính ngành dầu khí được thành lập, và nghiễm nhiên, thị trường năng lượng phần lớn được giao cho doanh nghiệp này. Với ưu thế trong ngành, chi phí rẻ hơn, lại là sân sau của ngành, các hợp đồng trước đây đều chạy cả về công ty này. Chúng tôi không thiếu vốn, không thiếu kỹ thuật, cái chúng tôi thiếu là thị trường, vốn đang bị các doanh nghiệp trong nước hút hết”, một chuyên gia của SGS nói.

Ông Henry Bùi, giám đốc điều hành một công ty kiểm định quốc tế của Mỹ tại Việt Nam, cho biết khi đầu tư một phòng thí nghiệm hiện đại TPHCM, ông đã phải giảm mức phí xuống đến 93% so với mức phí quốc tế, để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong nước.

Liên kết là cách mà các tổ chức kiểm định nước ngoài thường làm khi vào thị trường Việt Nam, một thị trường mà theo ông Sekar, Giám đốc điều hành UL Đông Nam Á, là 70% sản lượng hàng hóa của Việt Nam dành để xuất khẩu, thì việc đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe, từ những quy định của Nhà nước, đến các khách hàng của nước nhập khẩu, là điều không thể tránh.

Ngoài việc liên doanh với QUATEST 3, đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, để sử dụng các thiết bị của trung tâm này chứng nhận đạt chuẩn UL, tổ chức này còn liên kết với các nhà sản xuất, như trường hợp Công ty cổ phần Cáp điện Việt Nam. Để có thể xuất sản phẩm dây và cáp điện vào Mỹ, công ty đã đầu tư khoảng 200.000 đô la Mỹ vào hệ thống phòng thí nghiệm của UL.

Còn với TUV SUD, ngoài việc đầu tư khoảng vài triệu đô la Mỹ xây dựng phòng thí nghiệm nhằm cung cấp các dịch vụ thử nghiệm, giám định và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm dệt may và da xuất khẩu, vào tháng 5-2010, tổ chức này cũng chọn cách liên doanh với QUATEST 3, để hợp tác, trao đổi thông tin kỹ thuật và chuyên môn trong các lĩnh vực kiểm định và cấp chứng chỉ sản phẩm, các quy chuẩn đối với sản phẩm được kiểm soát tại các quốc gia liên quan.

Trong khi đó các tổ chức, hiệp hội nhận thấy cơ hội từ lợi nhuận của việc kiểm định nên dự kiến sẽ xây dựng các trung tâm kiểm định của riêng mình. Như ngành giày da, với phần lớn hàng sản xuất là để xuất khẩu, vì thế, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam, chi phí kiểm định chiếm một phần khá lớn trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Dù hầu hết nhà kiểm định nước ngoài ở Việt Nam đều có các chương trình kiểm định, đánh giá sản phẩm của ngành này, nhưng hiệp hội vẫn sẽ đầu tư xây dựng hai trung tâm kiểm định hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến chi phí cho mỗi trung tâm từ 3-5 triệu đô la Mỹ. Tiếng là để giảm bớt các chi phí kiểm định cho doanh nghiệp trong ngành, nhưng thực chất là giành lấy thị trường mà từ trước đến nay luôn phải tốn nhiều chi phí kiểm định do khách hàng chỉ định, mà lắm lúc phải sang tận Hồng Kông hay Singapore để thực hiện.

Sự cạnh tranh trong ngành kiểm định vẫn chưa dừng lại khi các tiêu chuẩn kỹ thuật về các mặt hàng đang lần lượt được ban hành, bắt buộc các doanh nghiệp phải có các chứng nhận phù hợp. Ngoài ra, thị trường sẽ còn mở rộng hơn khi việc dán nhãn năng lượng cho các thiết bị phức tạp như máy photocopy, ti vi, tủ lạnh… đòi hỏi phải có những phòng thí nghiệm hiện đại, mà việc đầu tư cho các phòng thí nghiệm như thế, theo ông Lương Văn Phan, Phó giám đốc Viện Tiêu chuẩn Chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cũng ngốn ít nhất vài ba chục tỉ đồng mỗi phòng, chưa nói đến các yếu tố khác như mặt bằng và nhân lực

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới