Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh mua nguyên liệu: thua thiệt trên sân nhà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cạnh tranh mua nguyên liệu: thua thiệt trên sân nhà

Hồng Văn

Xe tải chở hàng xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị chạy qua cánh cổng cửa khẩu vào Trung Quốc ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn-Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) – “Thương nhân Trung Quốc tới tận ao mua tôm, tới tận cảng cá chờ tàu cá cập bến và hình như luôn luôn lúc nào họ cũng mua cao hơn một vài giá so với doanh nghiệp chúng ta”, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước ở Đà Nẵng than thở chuyện các doanh nghiệp thủy sản ở miền Trung đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng mà một phần là do cạnh tranh không lại với thương nhân Trung Quốc.

Không chỉ tôm cá ở vùng biển miền Trung mà 2 năm trở lại đây, các thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam, thông qua các thương nhân trong nước để cạnh tranh mua đủ các loại nguyên liệu, từ con cá cơm nhỏ bé tới tôm nuôi, cá biển, đồ gỗ, mủ cao su, cây cỏ làm nguyên liệu sản xuất thuốc Bắc, thậm chí các vựa ve chai cũng bị cạnh tranh khi họ đổ xô mua vỏ ruột (săm lốp) ô tô phế thải, hàng ve chai…

Mua ngay tại ao tôm, bến cá

Trước đây, các thương nhân Trung Quốc thường sang Việt Nam mua cá cơm khô thành phẩm về nước chế biến nhưng 2 năm trở lại đây, thay vì mua thành phẩm, các thương nhân nước này sang các địa phương ven biển như Kiên Giang, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận, Ninh Thuận mở xưởng sơ chế, chế biến cá cơm mua từ các chủ vựa, ghe tàu trong nước. Tuy nhiên, để né tránh các thủ tục pháp lý, các thương nhân Trung Quốc không tự mình đầu tư mà bỏ tiền ra và thông qua một thương nhân người Việt nào đó, sau đó xuất sang Trung Quốc cũng dưới danh nghĩa doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy sản DKPT ở TPHCM, một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá cơm, cho rằng các thương nhân Trung Quốc trực tiếp cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, trước mắt sẽ làm phá sản các chủ xưởng sấy hấp cá cơm có vốn nhỏ, không cạnh tranh nổi.

Đa phần các chủ vựa, chủ cơ sở sấy hấp cá cơm ở các tỉnh ven biển miền Trung, miền Tây Nam bộ có vốn nhỏ, vì đây là nghề làm theo mùa vụ nên không ai dám đầu tư nhiều, chủ yếu thuê mướn lao động tại chỗ trong việc phơi sấy cá cơm. Nên dần dà thị trường thu mua cá cơm đang thuộc về thương nhân Trung Quốc.

Không chỉ cá cơm, các mặt hàng thủy sản khô khác như cá chỉ vàng, mực khô hiện nay cũng đang trong tình trạng tương tự. Các thương nhân nước ngoài, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, đến các tỉnh ven biển thu mua trực tiếp và mở xưởng chế biến ngay tại chỗ trước khi đóng container xuất về nước. “Từ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu, nay chuyển qua cạnh tranh ngay tại vùng nguyên liệu”, ông Đức nhận xét.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty Hải Nam ở Bình Thuận và là Chủ tịch Ủy ban thủy sản khô thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết hiện nay khó khăn lớn nhất của xuất khẩu nhóm hàng thủy sản khô là không thu mua được đủ lượng hải sản để phục vụ xuất khẩu.

“Nhiều tàu của Trung Quốc không những tiếp cận với đoàn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân để thu mua thủy sản tại vùng biển quốc tế mà còn vào tận cảng cá để thu mua khiến doanh nghiệp trong nước khó mua được thủy sản đánh bắt có chất lượng”, bà Sắc cho biết.

Trước đây, hàng năm cứ vào mùa mưa khi lượng tôm nuôi trong nước khan hiếm, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải sang Trung Quốc mua tôm thẻ chân trắng về chế biến, tuy nhiên, điều đó nay đã ngược lại. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Thuận Phước ở Đà Nẵng cho biết do các nhà máy thủy sản của các tỉnh Trung Quốc giáp biên với Việt Nam đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, do vậy họ đổ xô sang Việt Nam mua gom tôm thẻ chân trắng, khiến các nhà máy thủy sản ở miền Trung, nơi thường dùng nguyên liệu tôm thẻ chân trắng khó cạnh tranh lại.

Trong khi đó, nông dân thì thích bán cho nguyên liệu thủy sản cho thương nhân Trung Quốc, một phần vì giá tốt, một phần vì chất lượng cỡ nào cũng bán được chứ không yêu cầu quy cách, chất lượng khá chặt chẽ như doanh nghiệp trong nước. Thậm chí họ mua ngay tại ao tôm, xắn quần lội xuống ao ngã giá mua ngay, thuê xe chở tại chỗ mà không đòi hỏi chủ ao tôm phải chở tới nậu vựa như thương nhân trong nước.

Ngay cả tôm sú nuôi ở ĐBSCL cứ ngỡ xa đường vận chuyển, nên thương nhân Trung Quốc ngại vào mua nhưng thực ra, thời gian gần đây, thương nhân nước này còn đến tận Bạc Liêu, Cà Mau cạnh tranh mua tôm sú với các nhà máy tôm đông lạnh trong vùng càng làm cho tình hình thiếu tôm sú nguyên liệu càng trầm trọng thêm.

Mủ cao su mua ngay cổng nhà máy

Các nhà máy chế biến mủ cao su tư nhân là nguồn cung mà các thương nhân nhắm tới với giá cả phù hợp, thanh toán nhanh gọn, yêu cầu chất lượng không cao là lý do khiến họ có thế mạnh trong mua gom nguyên liệu-Ảnh: Hồng Văn.

Trước đây các doanh nghiệp trong nước bán mủ cao su sang Trung Quốc phải chở tới tận cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh, nay nhiều doanh nghiệp chế biến mủ cao su tư nhân ở Tây Ninh, Bình Phước, cho biết thương nhân Trung Quốc tới tận nhà xưởng mua, đặt trước tiền cọc, thậm chí có cơ sở thiếu vốn, thương nhân nước này còn cho ứng vốn trước.

“Trước kia tôi bán mủ cao su khó khăn, lo ngại rủi ro nếu chở ra tận biên giới hoặc bán cho các nhà máy săm lốp trong nước thì yêu cầu chất lượng cao, nay ngồi tại nhà mà có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không lo thiếu vốn hay thuê mướn xe chở mủ cao su như trước”, một doanh nghiệp chế biến mủ cao su ở Tây Ninh cho hay.

Không chỉ mủ cao su mà thân cây cao su già cỗi, gãy đổ do lốc xoáy hay chủ trang trại thanh lý vườn cây cao su, lâu nay là nguồn nguyên liệu gỗ đáng kể cho các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu trong nước thì nay, nó cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các thương nhân Trung Quốc. Một doanh nghiệp cưa xẻ gỗ cao su cung cấp cho các nhà máy gỗ, cho biết 2 tháng qua, trong kho của doanh nghiệp có bao nhiêu là thương nhân Trung Quốc hỏi mua bấy nhiêu, thậm chí không quan tâm đến kích cỡ, chất lượng cưa xẻ và tỷ lệ hao hụt gỗ như các nhà máy chế biến gỗ trong nước.

Các thương nhân Trung Quốc mua gỗ nguyên liệu không kỳ kèo về giá cả, chỉ cần liên lạc qua điện thoại, chuyển tiền vào tài khoản trước cho người bán rồi đến hẹn đưa xe tải lấy hàng, đóng container chuyển đi ngay. Với cách mua bán như vậy, hầu hết chủ cơ sở sơ chế gỗ đều thích bán hàng cho các khách hàng nước ngoài này.

Ngoài gỗ cao su, gỗ tràm bông vàng trồng phổ biến hiện nay ở vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ cũng bị thương nhân Trung Quốc lùng mua, đã đẩy giá gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước tăng ít nhất 20% trong vòng vài tháng qua.

Trăm đường thua thiệt

“Họ (ý nói thương nhân Trung Quốc) thu gom nguyên liệu thủy sản, đồ gỗ, nông sản không chỉ Việt Nam mà cả Lào, Thái Lan, Campuchia rồi mượn đường Việt Nam, đứng tên dưới danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam để xuất sang Trung Quốc”, một thương nhân người Việt Nam chuyên bán hàng qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn cho hay.

Sở dĩ thương nhân Trung Quốc, phần lớn đến từ hai tỉnh giáp biên với Việt Nam là Vân Nam và Quảng Tây, mua gom hàng ở Việt Nam chở về Trung Quốc là có lợi về vận chuyển đường bộ hơn nhiều nếu nhập khẩu chính ngạch từ các nước khác bằng đường biển. Nhiều mặt hàng mua gom ở Việt Nam không có, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu chính ngạch bằng đường biển qua các cảng Việt Nam để chở sang các tỉnh giáp biên Trung Quốc vẫn có giá bán thấp hơn nếu so với thương nhân Trung Quốc tự nhập qua cảng đường biển của họ.

Hơn nữa, nếu nhập khẩu chính ngạch bằng đường biển từ các nước, tùy theo mặt hàng mà có thể bị nhà chức trách Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu, trong khi theo Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Asean thì Trung Quốc miễn giảm khá nhiều loại thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, do vậy nên mới có chuyện tuy thương nhân Trung Quốc bỏ tiền mua gom nguyên liệu nhưng làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu vẫn dưới danh nghĩa thương nhân Việt Nam.

“Dân số cả hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam hơn 90 triệu người, đông hơn Việt Nam, mức sống, mức tiêu thụ cũng giống nhau nên đây là thị trường không hề nhỏ, họ chỉ cần mua về chế biến và tiêu thụ nội địa của họ cũng đã quá lớn với Việt Nam”, vị thương nhân này nói và cho rằng bất kỳ mặt hàng nào tiêu thụ ở Việt Nam đều có thể mua gom mang sang Trung Quốc bán được giá tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới