(KTSG Online) – Xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc tăng vọt trong quí 2 vừa qua, củng cố vị thế nhà cung cấp sầu riêng số một cho thị trường đông dân thứ hai thế giới.
Xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan bật dậy sau khi lép vé so với Việt Nam trong quí 1. Nhiều chuyên gia cho biết, trong quí vừa qua, Thái Lan gặp thuận lợi nhờ bước vào cao điểm vụ thu hoạch sầu riêng cũng như nhờ danh tiếng chất lượng.
- Nông dân Thái Lan lo sầu riêng Việt Nam giành thị phần ở Trung Quốc
- Sầu riêng Việt Nam ‘bào mòn’ thị phần của Thái Lan tại Trung Quốc
Thái Lan chiếm 75% thị phần sầu riêng của Trung Quốc
Theo dữ liệu mới công bố của Tổng Cục hải quan Trung Quốc, (GACC), nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan trong quí 2 đạt gần 2,67 tỉ đô la Mỹ. Con số này chiếm 75% tổng giá trị nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc quí vừa qua và cao hơn 2,5 tỉ đô la so với quí 1.
Thái Lan chỉ chiếm 45% tổng giá trị nhập sầu riêng của Trung Quốc trong quí đầu tiên. Xét về khối lượng, Thái Lan xuất khẩu 27,3 nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong quí đầu năm, đứng sau con số 45 nghìn tấn của Việt Nam. Trong năm 2023, Thái Lan chiếm 68% thị phần nhập khẩu sầu riêng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việt Nam, đối thủ lớn nhất của Thái Lan, chiếm gần như lượng sầu riêng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc trong quí 2.
Sầu riêng của Việt Nam bán sang Trung Quốc thường có giá rẻ hơn so với sầu riêng của Thái Lan nhờ chi phí vận chuyển bằng đường bộ biên giới thấp hơn.
Tuy nhiên, trong tháng 6, GACC đã đình chỉ nhập khẩu sầu riêng từ 33 nguồn của Việt Nam, bao gồm 18 vùng trồng sầu riêng và 15 nhà máy đóng gói, do phát hiện hàm lượng kim loại nặng quá mức.
Trước đây, Thái Lan gần như độc chiếm thị trường sầu riêng của Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam sang Trung Quốc tăng bùng nổ kể từ năm 2022. Các nhà phân tích cho rằng, lợi nhuận lớn có thể đã khiến người trồng sầu riêng ở Việt Nam chạy theo số lượng, dẫn đến các vấn đề về chất lượng
Lợi thế về danh tiếng và chất lượng
Liang Yan, nhà kinh tế của Đại học Willamette ở bang Oregon của Mỹ cho biết, Thái Lan từ lâu có lợi thế tiên phong giới thiệu sầu riêng với người tiêu dùng Trung Quốc.
Theo giới phân tích, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan tăng mạnh vì quí 2 hàng năm là mùa thu hoạch sầu riêng chính của nước này. Bên cạnh đó, hương vị ổn định và tính nhận diện thương hiệu cao càng tạo thêm sức hấp dẫn cho sầu riêng Thái Lan.
“Thị phần xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc tăng lên trong quí 2 có thể do nguyên nhân chủ yếu là sản lượng sầu riêng Thái Lan đạt cao điểm theo mùa, mạng lưới thương mại mạnh mẽ và lâu đời của nước này cũng như sự ưa chuộng của người tiêu dùng Trung Quốc với sầu riêng Thái Lan”, Lim Chin Khee, cố vấn của Học viện Sầu riêng, một tổ chức huấn luyện người trồng sầu riêng ở Malaysia nhận xét.
Trung Quốc là nước mua sầu riêng lớn nhất thế giới, nhập khẩu 1,4 triệu tấn vào năm 2023. Được mệnh danh là “vua của các loại trái cây”, sầu riêng được xem như loại trái cây hảo hạng, thậm chí được sử dụng làm quà tặng trong những sự kiện đặc biệt tại Trung Quốc, chẳng hạn như đám cưới.
Theo dữ liệu của GACC công bố hôm 20-8, trong tháng 7, giá trị sầu riêng tươi nhập khẩu từ Thái Lan đạt mức 363 triệu đô la và con số này của Việt Nam ở mức 270 triệu đô la.
Trong thời gian tới, xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sẽ thuận lợi hơn sau khi GACC mở điểm thông quan mới ở cảng sông Guan Lei thuộc châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam hồi đầu tháng 8.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết, điểm thông quan này cho phép các nhà xuất khẩu vận chuyển sầu riêng trực tiếp từ huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai sang Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam. Tuyến vận chuyển sầu riêng mới bằng đường sông này cung cấp phương án vận chuyển nhanh hơn so với đường bộ.
Song Seng Wun, cố vấn kinh tế cùa Công ty dịch vụ tài chính CGS (Singapore) nhận xét, sầu riêng Thái Lan vẫn được ưa chuộng hơn ở Trung Quốc nhờ hương vị ổn định, mặc dù loại trái cây này thiếu hương vị đa dạng mà một số người có thể ưa thích.
Hồi đầu năm, Cơ quan quan hệ công chúng của chính phủ Thái Lan cho biết sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu sầu riêng “để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”. Các tiêu chuẩn này sẽ quy định yêu cầu trọng lượng khô của cùi sầu riêng phải đạt từ 28-32% so với trọng lượng của cả trái.
Lim Chin Khee của Học viện Sầu riêng cho biết, dù Malaysia được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc hồi tháng 6, nước này vẫn chưa xuất khẩu được nhiều.
Theo Song Seng Wun, sầu riêng Malaysia có thể đắt hơn so với sầu riêng Thái Lan, được bán với giá cao lên tới 200 nhân dân tệ (28 đô la Mỹ) mỗi trái tại các chợ và cửa hàng tạp hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, sầu riêng Malaysia có thể thu hút chú ý nhờ có nhiều hương vị hơn.
Theo SCMP, Bangkok Post