Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng trực tuyến

Một hội chợ việc làm được tổ chức tại TPHCM hồi giữa năm 2008. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Sự đa hình, đa dạng, đa phong cách của các trang web việc làm, nhằm tạo sự khác biệt trong cuộc cạnh tranh giành thị phần, đã giúp khách hàng doanh nghiệp có thêm nhiều chọn lựa. 

“Mỗi lần đăng quảng cáo tuyển nhân viên, tôi lại có cơ hội quảng bá hình ảnh công ty… nhiều lần”, giám đốc một công ty thương mại nói. Gần đây, ông cho đăng tuyển nhân viên ở một trang web tuyển dụng lớn. Chỉ một ngày sau khi mẩu tuyển dụng xuất hiện, ông đã nhận được nhiều cuộc điện thoại xin phép… đăng lại mẩu này ở một số trang web tuyển dụng khác, hoàn toàn miễn phí!

Theo ông, sự xuất hiện ồ ạt các trang web tuyển dụng việc làm đã gây ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giành khách hàng. Nhiều trang web tuyển dụng mới hoạt động đã chấp nhận đăng tin tuyển dụng miễn phí cho khách hàng trong một thời gian, sau đó đề nghị mức giá dịch vụ… thấp hơn những nơi khác. Có trang web còn kèm thêm những ưu đãi khác như tặng quà, đăng quảng cáo [trực tuyến] doanh nghiệp miễn phí, hỗ trợ đào tạo nhân viên…

Cạnh tranh không ngừng

Trước đây, khi sự cạnh tranh chưa đến hồi gay gắt, các mạng việc làm thường thu hút khách hàng qua các chương trình “trúng thưởng”. Nếu trang web này đưa ra chương trình “giới thiệu bạn bè sử dụng dịch vụ” để được trúng thưởng hàng trăm đô la Mỹ, thì trang web khác lại tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho các thành viên, với phần thưởng là điện thoại di động. Dần dà, phần thưởng trong các chương trình khuyến mãi được tăng lên mức mấy chục triệu đồng, hoặc các chuyến du lịch nước ngoài.

Một thời gian sau, khi các chương trình trên kém dần tác dụng, các mạng việc làm lại nghĩ cách tăng tiện ích sử dụng để thu hút người sử dụng. Có mạng còn cung cấp phần mềm quản lý nhân sự, cho phép ứng viên tự đăng ký hồ sơ trực tuyến dù chưa có nhu cầu tìm việc, nhằm tạo nguồn cung nhân lực tức thời cho các nhà tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc truyền thông của Navigos Group [công ty quản lý trang web VietnamWorks.com], cho biết bên cạnh các trang mục tư vấn về kinh nghiệm tìm việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách làm hồ sơ, xu hướng tuyển dụng… cho người tìm việc, mạng việc làm VietnamWorks.com còn hỗ trợ ứng viên đăng nhập thông tin cá nhân và gửi e-mail thông báo đến họ khi có kết quả sơ tuyển hoặc phỏng vấn.

Ông Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VON [Vietnam Online Network, công ty quản lý các mạng tuyển dụng HRvietnam.com và Kiemviec.com], cho biết ứng viên nộp hồ sơ trực tuyến tại hai mạng này sẽ biết được hồ sơ đã được xử lý đến đâu, bao nhiêu nhà tuyển dụng đã xem và lưu hồ sơ của mình. Ngoài ra, ứng viên còn nhận được thông tin qua e-mail khi có việc làm mới phù hợp với tiêu chí tìm kiếm của họ.

Trong khi đó mạng tuyển dụng loanle.com vừa tuyên bố đầu tư 1 triệu đô la Mỹ để chuyên nghiệp hóa dịch vụ tuyển dụng. Theo đó, loanle.com sẽ trang bị phần mềm Filefinder, cho phép phân chia ứng viên theo gần 2.000 ngành nghề khác nhau [thay vì 20-30 ngành nghề như hiện nay]. Trang web này cũng sẽ áp dụng quy trình tuyển dụng với 16 bước chính và 200 bước chi tiết, nhằm cung cấp ứng viên có chất lượng cho các doanh nghiệp.

Tập trung vào các dịch vụ tuyển dụng, đào tạo và tư vấn nhân sự, mạng việc làm VNRecruitment chủ trương… không mở rộng hoạt động để chuyên vào một số ngành nghề như tài chính, hàng tiêu dùng nhanh, giải trí, du lịch… Ông Jos Langens, Giám đốc phụ trách kinh doanh của VNRecruitment, cho biết nhóm cộng sự của ông chỉ độ 10 người, là các chuyên gia trong từng lĩnh vực phụ trách. “Chúng tôi không có lợi thế về số đông ngoài việc hiểu biết chuyên sâu, có uy tín và quan hệ rộng trong lĩnh vực phụ trách”, ông nói.

Cũng chọn phân khúc thị trường hẹp nhưng cách làm của Vietladders.com lại khác: săn tìm các ứng viên quản lý nhiều kinh nghiệm và mời họ đi phỏng vấn tìm việc… được trả thù lao! Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc dự án Vietladders.com, cho biết các ứng viên được nhắm đến đều có học vấn cao, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý ít nhất ba năm, nhất là ở những ngành nghề đang có nhu cầu cao trong xã hội.

Theo ông Khoa, những người được mời phỏng vấn không hẳn đang bất mãn với vị trí hiện tại, hoặc muốn thay đổi công việc. Cách làm này giúp các ứng viên có được những chọn lựa thích hợp hơn trong công việc, hoặc tạo mối quan hệ tương tác với nhà tuyển dụng cho các cơ hội hợp tác sau này. Tất nhiên, nhà tuyển dụng sẽ được lợi nhiều hơn khi họ vừa có cơ hội chọn lựa những ứng viên phù hợp, xây dựng quan hệ… để dành cho việc hợp tác sau này, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc tuyển dụng…

Liên kết cộng đồng

Các trang web việc làm đã nở rộ đến mức bão hòa và trên thực tế, nguồn lao động có chất lượng của Việt Nam cũng không quá dồi dào để phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng từ các trang web này. Vì thế, hơn một năm qua, giới làm nhân sự đã thiết lập nên các mạng xã hội trực tuyến, nhằm mục đích tạo cầu nối và phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp. Với phương châm “Điều bạn biết không bằng… người bạn quen!” các mạng này đóng vai trò cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và hình thành các mạng lưới nghề nghiệp.

Đầu năm nay, một nhóm chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các nhà đầu tư có kinh nghiệm đã thành lập trang web Caravat.com, nhằm mục đích quy tụ giới chuyên môn cao cấp. Theo đó, trang web này sẽ kết nối hàng ngàn nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế đang làm việc, hoặc có mối quan tâm đến môi trường kinh doanh ở châu Á và Việt Nam. Qua đó, người tham dự mạng xã hội này sẽ có cơ hội quảng bá hình ảnh cá nhân, doanh nghiệp đến một cộng đồng chuyên biệt, để tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghề nghiệp và kinh doanh.

Tháng 3 vừa qua, Công ty cổ phần dữ liệu Nguồn Lực Việt (VIPdatabase Corporation) đã cho ra mắt trang web tuyển dụng. Ngoài việc tập trung tuyển chọn, cung cấp nhân lực ở một số ngành nghề đang phát triển mạnh tại Việt Nam, phân loại thông tin về xu hướng tuyển dụng, trang web này còn tăng cường thêm những tiện ích khác như mở blog để tạo môi trường giao lưu giữa các chuyên gia trong từng lĩnh vực và các đối tượng quan tâm đến ngành nghề tuyển dụng; tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề…

“Qua blog, các chuyên gia sẽ đăng tải các bài viết chuyên ngành, nêu nhận định về xu hướng nghề nghiệp, tư vấn cách chọn nghề… để những ai quan tâm có thể cùng trao đổi, học hỏi và chia sẻ. Các cuộc tọa đàm chuyên đề không chỉ được tổ chức trực tuyến [online] mà còn mở rộng đối tượng tham dự ở những buổi giao lưu ngoại tuyến [offline]”, bà Châu Thị Bé, Giám đốc điều hành VIPdatabase.com, cho biết.

Nếu như VIPdatabase.com tăng cường thêm phần xã hội trực tuyến thì ở các mạng Kiemviec.com và HRvietnam.com, tính chất giao lưu xã hội, quy tụ cộng đồng đã được hình thành ở một mạng riêng. Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần VON đã giới thiệu mạng xã hội Yume.vn, cho phép người dùng tạo blog, chia sẻ hình ảnh, phim, nhạc, tìm kiếm bạn bè…

Ông Paul Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VON, cho biết Yume.vn định hướng phát triển phiên bản dành cho điện thoại di động vào giữa năm tới và sẽ ra mắt phiên bản tiếng Anh để mở rộng mối liên kết ra các nước và vùng lãnh thổ châu Á có văn hóa tương đồng với người Việt như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản… Cùng thuộc sở hữu của VON nên các tài khoản người dùng ở Kiemviec.com, HRvietnam.com, Timnhanh.com và Yume.vn có thể đăng nhập qua lại lẫn nhau. Đây có thể xem là cách VON tăng tiện ích và thu hút thêm khách hàng cho các mạng việc làm trong hệ thống.

Phiên bản mới ra mắt hồi tháng 10 của JobViet.com không chỉ tập trung vào mảng việc làm, mà còn có thêm các chuyên mục về cộng đồng và nghề nghiệp. Theo đó, mạng này nhắm vào các đối tượng 18-30 tuổi, giúp họ tìm việc, định hướng nghề nghiệp; tạo ra các hoạt động cộng đồng để họ khẳng định và phát triển bản thân…

Thông qua tính năng “tích lũy thông tin tuyển dụng”, người truy cập vào JobViet.com có thể tham khảo, chọn lựa rất nhiều công việc từ các nguồn khác nhau. Các chuyên mục diễn đàn, hỏi đáp và blog ở đây sẽ giúp người tìm việc xem được thông tin bình chọn công ty, công việc định ứng tuyển; tìm hiểu thêm về công việc và công ty đang nhắm tới thông qua ý kiến, bài viết từ những người từng làm việc tại các công ty này…

Cũng từ các chuyên mục giao lưu, người lao động có thể xây dựng thương hiệu cá nhân để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng cũng qua đó hiểu được ứng viên đánh giá thế nào, mong muốn gì từ doanh nghiệp. 

TRẦN VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới