Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cấp bách tìm giải pháp tăng chống chịu cho ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cấp bách tìm giải pháp tăng chống chịu cho ĐBSCL

Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Đại diện Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cũng như đối tác là Ngân hàng Thế giới (WB) đã cùng ngồi lại tại TPHCM trong hai ngày 27 và 28-6 để thảo luận hàng loạt các giải pháp giúp Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH), hướng tới mục tiêu thịnh vượng và thích ứng. Các giải pháp đã và đang thực hiện vừa qua được đánh giá chưa tương xứng với quy mô của những tác động mà khu vực này phải chịu bởi BĐKH.

Cấp bách tìm giải pháp tăng chống chịu cho ĐBSCL
Các đại biểu tham dự Diễn đàn ĐBSCL 2016 thể hiện quyết tâm về sự đồng lòng cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực DBSCL. Ảnh: Hồng Nhung

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đầu giờ của Diễn đàn ĐBSCL 2016 với chủ đề Vì ĐBSCL thịnh vượng và thích ứng với khí hậu khai mạc hôm nay, 27-6, đã chỉ đạo, các tỉnh, thành địa phương thuộc khu vực ĐBSCL phải xây dựng và đề xuất tiêu chí nông thôn mới phù hợp với diễn biến khí hậu, chậm nhất phải báo cáo Chính phủ vào quí 3 – 2016. Nông thôn mới được hiểu là nâng cao đời sống người dân và khả năng thích ứng với BĐKH.

Bên cạnh việc cần đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống đê điều và hồ chứa để đổi phó với tình huống bất thường, ĐBSCL cũng cần nhanh chóng tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, không thể theo truyền thống cũ hoàn toàn, phải có phương án tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Chính phủ và các lãnh đạo địa phương cần ý thức rõ ràng vấn đề, thực trạng của mình để tự giúp mình. Có như vậy, các đối tác mới có thể hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các địa phương cần tập trung liên kết vùng, phát huy thế mạnh từng địa phương nhưng tránh cạnh tranh nội bộ, cần có sự phân công tỉnh nào trồng cây gì, phát triển con gì và tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm dịch vụ để  phát triển tốt hơn. Trong liên kết vùng, thành phố Cần Thơ phải là trung tâm kết nối của các tỉnh ĐBSCL, thúc đẩy phát triển vùng khi hội nhâp kinh tế quốc tế.

Các tỉnh miền Tây cũng cần đầu tư thỏa đáng cho nghiên cứu khoa học, công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thực hiện cơ sở liên kết với các trường đại học quốc gia, quốc tế cũng như hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp trên địa bàn để đảm bảo tính ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ, lấy chất lượng làm trọng thay vì số lượng, tránh trường hợp như nước mắm Phú Quốc bán ở Mỹ do Thái Lan sản xuất…

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhận định, ĐBSCL đã có những bước phát triển trong những năm qua nhưng khoảng 15 triệu dân phải chịu ảnh hưởng của BĐKH. Khu vực ĐBSCL đang gặp phải những vấn đề quan trọng về hạn mặn và thách thức nặng nề hơn so với trước đây rất nhiều.

Các giải pháp cần có sự quản lý tốt sự xung đột trong sử dụng nguồn nước cũng như tăng cường hệ thống pháp luật, sử dụng chung nước ở ĐBSCL. Đặc biệt, cần xem xét cẩn thận hơn cách đầu tư về lâu dài cho các tỉnh của các bộ ngành; quan trọng là các giải pháp cần có sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa từ các bộ ngành đến các tỉnh… Bà Kwakwa kỳ vọng, diễn đàn hôm nay là sự tương tác giữa các bên có liên quan, tìm giải pháp cho ĐBSCL để tìm ra sự bền vững trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, ĐBSCL là khu vực chịu tác động đầu tiên của BĐKH. Trên thực tế, BĐKH đang tác động đến nông nghiệp và sinh kế. Hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016 đã tác động đến 208.000 hecta lúa, 9.000 hecta cây ăn quả (cây trồng bị mất trắng hoặc giảm sản lượng); đến sản xuất thủy sản và chăn nuôi và hàng trăm ngàn hộ dân thiếu nước. Hạn hán đã qua thì lo lũ lớn.

Bên cạnh đó, mọi dự báo đều cho thấy những diễn biến này sẽ xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất là nông nghiệp, nông dân, nhất là những người nghèo.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hạn hán và xâm nhập mặn 2016 bộc lộ những hạn chế của ĐBSCL trước BĐKH. Không chỉ vậy, ĐBSCL còn chịu tác động của hội nhập kinh tế quốc tế với những thách thức lớn khi là vùng sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ ngành cũng như các nhà tài trợ đã hỗ trợ ĐBSCL ứng phó BĐKH nhưng những gì đạt được còn bất cập so với quy mô của thách thức. Không chỉ vậy, nhận thức về BĐKH, lồng ghép kế hoạch phát triển với chống chịu BĐKH còn hạn chế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, thủy lợi yếu kém: đê cống, rừng phòng hộ nhiều nơi chưa đạt yêu cầu, nhiều nơi còn thiếu nước ngọt…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, bài học lớn nhất rút ra trong năm 2015 – 2016 là phải phổ biến đến đến từng tỉnh, huyện, từng người dân và lãnh đạo từng địa phương; lồng ghép yêu cầu BĐKH với kế hoạch phát triển và có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện.

Bên cạnh đó cần làm tốt hơn lợi thế sản xuất lúa gạo, thủy sản, cây trái, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp thông minh cũng như tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi cung ứng… để ứng phó BĐKH cũng như hội nhập quốc tế.

Ông Martijn van de Groep, chuyên gia từ WB, trong bài trình bày với nội dung “Tương lai vùng ĐBSCL: Tìm kiếm các giải pháp liên ngành cho các rủi ro khí hậu và thiên tai” đề cập đến 4 kế hoạch chính. Cụ thể, chiến lược đầu tiên dành cho vùng đồng bằng phía trên là chuyển từ kiểm soát lũ sang sống chung với lũ với mục tiêu là tạo ra những vùng chứa lũ, tránh thiệt hại cho hạ lưu.

Chiến lược thứ hai dành cho vùng ven biển sản xuất thủy sản, đó là đưa ra các giải pháp thay thế cho những đê biển tốn kém bằng trồng rừng phòng hộ. Bên cạnh đó là phân vùng sản xuất để có những khu vực được bảo vệ dựa trên hệ sinh thái, chuyển đê điều ngăn mặn lùi sâu vào đất liền.

Chiến lược thứ ba là phát triển bền vững cho Bến Tre, Sóc Trăng bằng các mô hình sản xuất, phân vùng sản xuất theo khu vực nước mặn, ngọt và lợ. Điểm chính là xem nước mặn là nguồn quan trọng cho sản xuất, tận dụng nó thay vì chống lại nó.

Chiến lược thứ tư là kế hoạch hạn chế bớt sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất, giảm áp lực cho hệ nước ngầm để sử dụng nguồn nước này cho ứng phó BĐKH.

Cũng theo ông Martijn van de Groep, kế hoạch này đã hoàn thiện và đã được nhiều bên liên quan: Chính phủ, bộ ngành, các đối tác khác phát triển, bổ sung vào các chương trình khác và là “kế hoạch chung cho tất cả chúng ta”.

Trong khi đó, đại diện sáu tỉnh thành ĐBSCL như Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang và Cần Thơ đã chia sẻ những giải pháp đã và đang thực hiện. Trong đó, có những giải pháp mềm và cứng, tức giải pháp công trình và phi công trình như đầu tư hệ thống đê điều cũng như các kỹ thuật, mô hình sản xuất, đào tạo cho nông dân… Đồng thời, các địa phương cũng kiến nghị nhiều giải pháp như sử dụng nguồn nước công bằng từ đầu nguồn, chia sẻ thông tin cũng như các hỗ trợ tài chính từ các tổ chức.

Diễn đàn kéo dài hai ngày, từ 27 đến 28-6, với rất nhiều nhóm thảo luận và các chủ đề khác nhau.

Xem thêm:

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới