Cắt giảm chi phí thời khó khăn
(minh họa: Khều) |
(TBVTSG) - Các tài liệu dự báo mới nhất cho thấy sẽ có những cơn lốc giảm giá và điều chỉnh các điều khoản thỏa thuận mới về bản quyền phần mềm trong năm 2009. Có nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp trong việc chọn lựa phần mềm, nhà cung cấp cũng như đàm phán để có được giá tốt nhất.
Nhà doanh nghiệp khôn ngoan có thể khéo léo đưa vào kế hoạch đàm phán với các nhà cung cấp phần mềm những nội dung có thể giúp họ tiếp cận môi trường kinh doanh lớn hơn hoặc cơ hội để tiếp thị hình ảnh của công ty.
Chi phí dành cho công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu trong năm 2009, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, chỉ tăng 2,6% (riêng ở Mỹ là dưới 1%). Hãng Gartner còn dự báo tình hình có thể ảm đạm hơn với mức chi phí cho CNTT toàn cầu chỉ tăng 2,3%.
Tình hình kinh tế khó khăn buộc một số nhà đầu tư CNTT sa thải hàng loạt nhân viên. Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho biết sẽ thay đổi chiến lược. Có 39 trong 66 nhà đầu tư về phần mềm trả lời thống kê hồi tháng Mười của Acresso Software Inc., cho biết sẽ điều chỉnh uyển chuyển giá cả và chính sách bản quyền phần mềm tùy đối tượng khách hàng.
Về phía các doanh nghiệp, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế ra sao, họ vẫn phải cần các giải pháp phần mềm để phục vụ công việc kinh doanh, để quản lý tốt hơn và tuân thủ luật về bản quyền. Nói một cách khác, cung-cầu vẫn gặp nhau, chỉ có điều các doanh nghiệp sẽ tính toán chi phí cho việc mua phần mềm như thế nào để có lợi nhất.
Tỉnh táo trước cuộc chiến giảm giá
Khi Oracle Corp. chuẩn bị mua lại đối thủ cung cấp giải pháp ERP là PeopleSoft Inc. vào năm 2003-2004, cả hai hãng này đều ra sức giảm giá bản quyền phần mềm đến 80-95%. Jim Geisman, chuyên gia tư vấn lâu năm về phần mềm và hiện là Chủ tịch của MarketShare Inc. có trụ sở ở Wayland, bang Massachusetts (Mỹ), nói rằng một cuộc chiến giảm giá gây sốc như vậy có thể sẽ diễn ra trên thị trường ERP trong năm tới.
Việc cạnh tranh giá giữa các nhà cung cấp sẽ có lợi cho khách hàng, nhưng chọn lựa nhà cung cấp nào sẽ không phải là chuyện dễ dàng. Mới đây, NetSuite Inc. đã hứa hẹn giảm giá 50% cho các khách hàng dùng giải pháp SAP AG và Salesforce.com do hãng này cung cấp.
Còn Douglas Menefee, Giám đốc CNTT của Schumacher Group – chuyên về cung cấp nguồn nhân lực cho các phòng cấp cứu của các bệnh viện ở Mỹ – cho biết Schumacher đang dùng phần mềm của Microsoft, Salesforce.com và Oracle và phần lớn các hợp đồng này phải tái ký kết vào năm 2009.
Hiện tại, Menefee phải “nhức đầu” vì tập trung xem xét và cân nhắc nhu cầu sử dụng thực tế và khả năng đáp ứng của các giải pháp do ba nhà cung cấp nói trên gửi đến. “Đó là những bảng phân tích và chào giá rất quyết liệt. Vì cả ba đều muốn có hợp đồng cung cấp hệ thống quản lý nguồn nhân lực mới cho Schumacher,” Menefee nói.
Cẩn thận khi cắt giảm phí bảo hành
Việc bảo hành đối với phần mềm có khi là công ty trả phí mà quanh năm chỉ thấy người làm bảo hành ngồi chơi. Trong nhiều trường hợp, khách hàng cảm thấy bị lừa và muốn hủy bỏ dịch vụ này. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp hủy bỏ dịch vụ bảo hành hay hỗ trợ kỹ thuật như một cách cắt giảm chi phí CNTT. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cẩn thận khi đưa ra quyết định ngưng dùng dịch vụ này.
Ông Eliot Colon, Chủ tịch Công ty tư vấn Miro Consulting – công ty chịu trách nhiệm về các hợp đồng phần mềm và chiến lược về bản quyền cho khách hàng dùng giải pháp của Oracle và Microsoft – kể lại trường hợp một công ty sản xuất chip đã từ chối dịch vụ bảo hành của Oracle cho giải pháp trị giá một tỷ đô-la Mỹ trong một năm vì cho rằng không cần thiết. Sau một thời gian sử dụng phần mềm bị lỗi, họ đã phải “vời” chuyên viên của Oracle đến để khắc phục lỗi phần mềm và đã phải trả cho Oracle vài triệu đô-la Mỹ, một khoản tiền bằng với giá trị của hợp đồng bảo trì mà Oracle đã đưa ra trước đó và bị từ chối.
Điệp khúc “kinh tế khó khăn”
Trong năm tới, điệp khúc này sẽ được các bên tham gia đàm phán hợp đồng “hát” liên tục để giành được những lợi ích kinh tế hay nhiều ưu đãi cho công ty của mình. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp phải có những “lời” khác nhau cho điệp khúc này và hài ra những số liệu, dữ liệu phản ánh khó khăn kinh tế hơn là chỉ dùng cụm từ “kinh tế khó khăn” chung chung. Eliot Colon dẫn ra một ví dụ.
Một công ty muốn Oracle giảm giá sản phẩm. Có hai cách thuyết phục thường được sử dụng. Cách thứ nhất, công ty thông báo đang xem lại vấn đề tài chính và có thể sẽ đầu tư ít hơn trong một hoặc hai năm tới. Cách thứ hai, công ty gửi cho Oracle bảng thống kê số liệu khách hàng đã chọn giải pháp Oracle trong mười tuần lễ liên tục của mùa mua sắm vừa qua. Eliot Colon khẳng định rằng, Oracle sẽ chú tâm đến bảng thống kê tình hình bán các sản phẩm của họ và chắc chắn sẽ đưa ra một hợp đồng với mức giá dễ chịu hơn.
Tìm kiếm các khoản ưu đãi khác bên cạnh giá Douglas Menefee nói phần lớn các nhà cung cấp phần mềm né tránh giảm giá trên các sản phẩm chính. Họ thường khuyến mại các module hỗ trợ (add-on modules) hoặc cung cấp miễn phí nhưng không phải module nào cũng cần thiết cho doanh nghiệp.
“Họ thậm chí còn đề nghị hỗ trợ các công việc đòi hỏi phải lui tới công ty nhiều lần như đánh giá quy trình kinh doanh của Schumacher và phân tích việc sử dụng phần mềm sẽ mang lại ích lợi gì cho công ty,” Menefee nói.
Theo Eliot Colon, các nhà doanh nghiệp nên tìm kiếm các khoản ưu đãi thiết thực hơn cho hoạt động liên quan đến vận hành hệ thống CNTT, ví dụ như yêu cầu nhà cung cấp hỗ trợ cài đặt miễn phí, tập huấn sử dụng…
Geisman cho rằng nhà doanh nghiệp khôn ngoan có thể khéo léo đưa vào kế hoạch đàm phán với các nhà cung cấp phần mềm những nội dung có thể giúp họ tiếp cận môi trường kinh doanh lớn hơn hoặc cơ hội để tiếp thị hình ảnh của công ty. Ví dụ, nhà doanh nghiệp sẽ xuất hiện trên sân khấu chính trong một cuộc triển lãm công nghệ với vai trò là đối tác của nhà cung cấp phần mềm phát biểu về sản phẩm mình đang dùng.
Cân nhắc những thỏa thuận bản quyền mới
Có rất nhiều lý do buộc một doanh nghiệp tuân thủ luật về bản quyền phần mềm, dù chi phí đầu tư cho phần mềm có khi cao hơn rất nhiều so với tiền mua phần cứng. Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn về bản quyền phần mềm thế giới cho rằng, các nhà cung cấp phần mềm có xu hướng điều chỉnh uyển chuyển hơn các chính sách cung cấp bản quyền phần mềm nhằm kích cầu.
Thay vì bán từng phần mềm có bản quyền theo một giá cố định, các nhà phát triển với mô hình giá dựa trên sử dụng thực tế (usage-based pricing) sẽ tính toán để thu tiền bản quyền theo trị giá phần mềm hoặc loại phần mềm ứng dụng ví dụ dành cho giải trí, dịch vụ nội dung hay tài chính…
Cách tính này được đánh giá cao vì cho phép những người sử dụng cuối trong một công ty có thể chia sẻ nhiều phần mềm có bản quyền với nhau và có thể sử dụng bản quyền phần mềm của một nhà cung cấp thứ ba nếu được tích hợp vào phần mềm đã được cấp phép. Ngoài ra, hình thức trả tiền bản quyền theo nhóm người sử dụng tính theo thời điểm (concurrent-user licensing) được cho là một trong những cách trả tiền bản quyền chính vào năm 2010.
Tìm kiếm phần mềm thay thế
Chi phí để dùng phần mềm Windows và bộ Office của Microsoft có bản quyền quá đắt, các chuyên viên khuyên doanh nghiệp nên dùng các phần mềm tương đương với giá rẻ hơn hoặc kết hợp các sản phẩm chính-phụ của hai hãng cung cấp với nhau miễn là chúng hoạt động tương thích. Còn nếu gánh nặng chi phí nghiêng về phía bảo trì hơn là phần mềm, chuyên viên phân tích của IDC, Mike Faucette, khuyên các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp dịch hỗ trợ thứ ba, hoặc xoay sang thử các dịch vụ phần mềm chạy trên nền web.
Những nhà cung cấp nhỏ có thể có nhiều chính sách uyển chuyển
Những nhà cung cấp phần mềm nhỏ hơn như những công ty mới thành lập hoặc nhà cung cấp mới nổi có thể là một sự chọn lựa khi kinh tế khó khăn, vì họ cũng cần sự thay đổi phù hợp để có được hợp đồng với khách hàng và tồn tại. Các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ dễ “chiều” khách hàng hơn, doanh nghiệp sẽ có được các hợp đồng với giá rất tốt nhưng đồng thời cũng phải chịu nhiều rủi ro nếu nhà cung cấp không thể đồng hành đến hết hạn hợp đồng đã ký.
“Vì vậy, một chiến lược khôn ngoan là doanh nghiệp nên chọn ký hợp đồng mà cả hai bên đều có lợi, không nên ép giá để đối tác chịu phần thiệt nhiều hơn. Đơn giản là vì tất cả đang ở trong một bối cảnh khó khăn chung như nhau”, Gesman khuyên.
ANH PHƯƠNG (CIO)