Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Cát tặc” lộng hành do quản lý sơ hở?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Cát tặc” lộng hành do quản lý sơ hở?

Vân Ly

Khai thác cát trên sông. Ảnh: Vân Ly

(TBKTSG Online) – Tình trạng khai thác cát trái phép (hay người dân còn gọi là cát tặc) vẫn diễn ra tràn lan trên các dòng sông, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sống. Vì sao có tình trạng này và ai phải chịu trách nhiệm?

Đó là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra cho lãnh đạo các cơ quan chức năng tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm qua ngày 29-9.

Để hạn chế cần sự phối hợp liên ngành

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang tại sự kiện trên, bà Nguyễn Tuyết Liên, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho hay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện rất phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng. Việc khai thác cát trái phép trên sông Hậu chẳng hạn đang làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương hai bên bờ sông… “Liệu Bộ Tài nguyên Môi trường có giải pháp gì đột phá để nâng cao quản lý khai thác khoáng sản, cụ thể là chấm dứt khai thác cát trái phép?,” bà Liên hỏi.

Bộ trưởng Quang trả lời cơ quan này đang tham mưu cho Chính phủ ra chỉ thị quản lý việc khai thác khoáng sản, trong đó có cát sỏi, nhằm khắc phục tình trạng khai thác trái phép. Về giải pháp hạn chế việc khai thác trái phép cát trên sông, Bộ trưởng Quang cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tăng cường thanh kiểm tra. Song, theo Bộ trưởng Quang, việc cấp phép, quản lý và xử lý vi phạm lại thuộc về các địa phương.

Và ông thừa nhận việc kiểm tra khai thác cát trên sông rất khó và cần sự phối hợp tham gia của các lực lượng liên ngành. Tuy nhiên ông cũng tin rằng nếu kiên quyết trong hoạt động này thì tình hình khai thác cát trái phép sẽ được hạn chế nhiều.

Liệu có sự tiếp tay cho cát tặc?

Đại biểu Đỗ Văn Đương, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đặt nghi vấn, liệu có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ cấp phép với "cát tặc"? Bởi lẽ, theo ông Đương, việc xin được một giấy phép khai thác cát là không dễ.

Hơn nữa ông Đương cho rằng việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép còn quá nhẹ. Một ngày khai thác cát trái phép một tàu thu được tới 50-60 triệu đồng; trong khi đây là hành vi rút ruột quốc gia và hủy hoại nghiêm trọng đến môi trường…  Ông cho rằng cần phải xử lý mạnh tay, truy cứu hình sự tham ô tài sản, hoặc phải có hình phạt cao như tử hình khi khai thác khoáng sản trái phép.

Bộ trưởng Quang đã đồng tình với ông Đương về việc cần xử lý tội trên nặng hơn; song để làm được như vậy thì ông Quang cho rằng còn liên quan đến nhiều luật khác…

Bộ trưởng Quang cũng cho hay, từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực ngày 1-7-2011 đến nay cơ quan này đã cấp tổng số 109 giấy phép cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Những giấy phép này đều được phép của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên Môi trường không tự ý cấp.

Việc cấp phép khai thác còn sơ hở, thiếu sót

Giải đáp câu hỏi của bà Liên, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương cho hay, từ 2008 đến nay đã phát hiện 6.200 vụ khai thác khoáng sản trái phép, xử phạt trên 40 tỉ đồng, đề nghị khởi tố 4 vụ 16 đối tượng; xử lý hơn 3.343 vụ vận chuyển khai thác cát sỏi trên sông, xử phạt trên 14 tỉ đồng…

Ông Vương cũng cho biết, theo số liệu của Bộ Tài nguyên Môi trường, từ tháng 10-2005 đến tháng 8-2008, ủy ban nhân dân các tỉnh đã cấp 3.495 giấy phép khai thác khoáng sản, một số lượng giấy phép rất lớn, nhưng khi cơ quan công an tiến hành kiểm tra thì phát hiện nhiều sơ hở thiếu sót.

Kiểm tra của ngành công an đối với 957 giấy phép (được cấp từ từ 17.2011 đến 31.12.2012, trong đó lĩnh vực thăm dò khoáng sản là 275 giấy phép, còn lại 682 giấy phép liên quan đến khai thác cát sỏi) cho thấy có 8 vấn đề cần lưu ý như sau: cấp phép không đúng thẩm quyền (có 103 giấy phép ở các tỉnh Vĩnh Long, Bình Định, Đak Nông, Khánh Hòa, Đồng Nai), cấp phép khi không có đăng kí kinh doanh ngành nghề thăm dò khai thác khoáng sản (552 giấy phép), còn lại là cấp phép không thông qua lựa chọn các tổ chức cá nhân ở khu vực, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; cấp phép khi không có chứng nhận đầu tư; cấp phép khi chưa có quy hoạch được công bố có thẩm quyền phê duyệt; cấp phép khi hồ sơ không có đánh giá tác động môi trường, cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản…

Không chỉ còn sơ hở và thiếu sót trong cấp phép, ông Vương còn cho rằng công tác quản lý sau cấp phép của các địa phương cũng còn nhiều sơ hở. Một số địa phương chưa thực hiện kiên quyết việc kiểm tra sau cấp phép nên xảy ra sai phạm, ảnh hưởng môi trường, thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự…

>>> Cần Thơ: sẽ rút phép khai thác cát doanh nghiệp vi phạm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới