Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện ký gửi cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu chuyện ký gửi cà phê

Tập quán ký gửi cà phê còn bắt nguồn từ việc nông dân thiếu vốn sản xuất – Ảnh: TL.

Để có vốn đầu tư cho 1 héc ta nông sản khác đối với nhiều nông dân là điều dễ dàng nhưng để đầu tư cho 1 héc ta cà phê thì đối với nhiều nông hộ là điều vô cùng nan giải. Để giải quyết điều tưởng chừng không thể đó thì đã có các đại lý, công ty.

>>Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý cà phê

>>Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không

Phần lớn nông hộ đều hướng đến các đại lý vì nơi đây đích thực là bà đỡ của bà con trong sản xuất. Mọi thứ từ phân bón, thuốc sâu, dầu tưới…cho đến cả gạo ăn, bà con đều đến đại lý ký nợ.

Vì sao nông dân, đa phần phải ký gửi cà phê sau thu hoạch cho đại lý (gồm hộ kinh doanh nhỏ ở thôn xã, hộ kinh doanh cá thể có đăng ký, doanh nghiệp tư nhân, công ty thương mại và thậm chí là nhà xuất khẩu). Câu hỏi có thể là rất khó trả lời đối với những nhà nghiên cứu vĩ mô, và những cơ quan hữu trách ở quá xa vùng trồng cà phê, nên không thể hình dung được vì sao? Nhưng với người nông dân vùng trồng cà phê và các cấp chính quyền địa phương (huyện, xã) thì xin không cần phải giải thích nhiều.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân: thiếu vốn sản xuất

Đây là bài viết của tác giả Lê@, đã đăng trên diễn đàn Giacaphe. Lê@ là một cộng tác viên của TBKTSG Online, là một chuyên gia pháp lý đã gắn bó hơn 20 năm qua với ngành cà phê.

Được sự đồng ý của tác giả Lê@, tòa soạn biên tập và sử dụng lại bài viết này, tên bài viết do tòa soạn đặt.

Trước năm 1975, cây cà phê là cây của nhà giàu, chỉ có các đồn điền của tư sản, Tây thực dân cùng tướng lĩnh Sài Gòn và một số hộ dân các vùng công giáo làm kinh tế vườn là chủ yếu. Diện tích cà phê robusta trồng tập trung tại Buôn Ma Thuột, một ít trồng tại vùng Cư Kuin, Đak Mil và Buôn Hồ…thuộc địa bàn tỉnh Dak Lak. Tỉnh Lâm Đồng chỉ tập trung trồng cà phê arabica tại các vùng như Di Linh, Bảo Lộc.

Phần lớn nông dân bấy giờ khi nông nhàn chỉ biết đi làm thuê cho chủ đồn điền hoặc là đi “mót” cà phê sau vụ hái (xin hiểu rõ là sau vụ hái chứ đi mót như hiện nay thì các ông cai ra lệnh bắn chết tại chỗ mà không thể kiện ai, vì ở các đồn điền đều có tháp canh trên cao và được trang bị súng).

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng thực hiện chủ trương cải tạo nông, công thương nghiệp XHCN, toàn bộ vườn cà phê có diện tích từ 5 héc ta trở lên phải tập trung vào Nông trường Quốc doanh, số diện tích nhỏ còn lại thì vào Hợp tác xã Nông nghiệp. Tổng diện tích cà phê toàn vùng thuộc Dak Lak có khoản 54.000 héc ta.

Năm 1986, tỉnh Dak Lak chủ trương phát triển mạnh diện tích cây cà phê, coi là cây mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, từ cơ sở đó mới có đà để phát triển cây cà phê trong nông hộ tại hầu hết các huyện thị.

Nói là cây trồng của nhà giàu là không ngoa, hãy làm thử một phép tính cộng cho chi phí của 1 héc ta cà phê/năm hiện nay thì sẽ thấy ngay:

Phân bón : Bình quân 2,5 tấn/ha tương ứng: 15.000.000đồng

Dầu tưới: Bình quân 3,5 lần * 150 lít/lần: tương ứng 7.400.000đồng.

Công làm cành: 2 lần/năm tương ứng: 2.500.000 đồng.

Nhân công chăm sóc: 15.000.000 đồng (tính cả tiền ăn, ở, quần áo, đi lại, thuốc men, đau ốm).

Công hái và chế biến: 60 công * 80.000đồng/ngày công tương ứng: 4.800.000 đồng.

Sơ bộ đã là 42.000.000đồng, chưa tính khấu hao vườn cây, thuốc trừ sâu, khấu hao máy móc thiết bị, công quản lý…Với giá cả vật tư tăng như hiện nay, chi phí chăm sóc 1 héc ta cà phê còn cao hơn nữa.

Với nông dân thì đầu tư cho 1 héc ta cà phê là một số tiền lớn, thử hỏi làm sao không thiếu vốn? Đó là chưa kể các khoản phải nộp cho các công ty, nông trường cà phê nếu là hộ nhận khoán.

Thiếu vốn thì phải vay

Phần lớn người nông dân chỉ có mảnh vườn, lô rẫy thường thì không biết và không quen với các định chế và giấy tờ. Muốn vay ngân hàng thì phải đi làm thủ tục xin vay, lập dự án vay, báo cáo hiệu quả vốn vay và khả năng trả nợ, các thế chấp và cam kết trả nợ, phải mời cán bộ ngân hàng đến thẩm định vườn cây, tài sản thế chấp và phải nhờ cán bộ làm hộ với mức “trà phí”, không bao giờ có một thông số nhất định để áp dụng.

Vay khó là thế nhưng vẫn phải vay. Đến ngày 31/12 hàng năm là phải bán tống bán tháo để trả nợ, xui rủi gặp mưa kéo dài thì phải vay nóng để trả nợ. Vay khó là thế, nhưng đâu phải ai cũng vay được. Vì ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, họ phải tính làm sao cho chi phí thấp nhất (giảm nhân sự khảo sát, lập thủ tục, quản lý khách vay, đôn đốc thu nợ…) và đạt hiệu quả cao nhất. Họ cho một doanh nghiệp vay tiền tỉ thì rất đơn giản, nhưng cũng với tiến tỉ đó nếu cho nông dân vay thì làm thủ tục cho cả 100 hộ (100 bộ hồ sơ).

Đây là vấn đề nan giải, chính là một trong những nguyên nhân mà các chính sách ưu đãi của nhà nước thường không đến được với nông dân.

Không vay được ngân hàng thì phải vay bên ngoài

Phần lớn nông hộ đều hướng đến các đại lý, vì nơi đây đích thực là bà đỡ của bà con trong sản xuất. Mọi thứ từ phân bón, thuốc sâu, dầu tưới… cho đến cả gạo ăn, bà con đều đến đại lý ký nợ. Vừa đáp ứng kịp thời vụ lại khỏi phải lập thủ tục rườm rà, nhiêu khê.

Tất nhiên khi đến mùa thu hái bà con phải mang cà phê đến trả nợ, nếu không thì vụ tiếp theo ai mà cho vay. Số cà phê còn dự trữ thì cứ ký gửi vào, cũng chỉ cần chữ ký vào sổ tay hoặc chỉ ký với nhau bằng…miệng, lại tiện lợi là không phải xây kho hay chứa trong nhà vừa chật chội vừa khỏi lo bị trộm cắp. Vậy đó, không có gì là ”rất khó hiểu” khi đa phần nông dân hiện nay chấp nhận tập quán ký gửi cà phê, dẫu rằng đây đó vẫn xảy ra những vụ xù nợ, vỡ nợ, đại lý, công ty phá sản, nông dân mất cà phê.

Theo Lê@ – Giacaphe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới