Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu chuyện về trách nhiệm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu chuyện về trách nhiệm

Ngô Việt Hòa

Một cái hố tử thần đã làm hư hại nặng một chiếc xe tải – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Gần đây đọc báo thấy nhiều vụ “tai nạn” thương tâm: học sinh chết vì điện giật khi đang đi trên đường ngập nước, trẻ em chết đuối vì thụt hố ga, xe taxi lao xuống hố tử thần,… Dư luận lên án sự tắc trách của các đơn vị thi công, điện, nước, giao thông công chính và yêu cầu các đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Luật sư cũng đăng đàn cho rằng người dân có quyền kiện, ít nhất là khởi kiện dân sự các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Quả đúng là như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được Bộ luật Dân sự quy định trong khi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân là các khách thể được Bộ luật Hình sự bảo vệ.

Dư luận thì đã ủng hộ, hành lang pháp lý thì đã có nhưng ít thấy người dân nào đi kiện và vẫn hiếm có tổ chức nào chịu trách nhiệm một cách chính thức trước pháp luật về những “tai nạn” thương tâm. Vậy đâu là bản chất của vấn đề?

Trước hết, thử nhìn sang các nước, với những vụ việc tương tự, quyền lợi của người dân được bảo vệ như thế nào?

Ở Vương quốc Anh, bất kỳ ai đã từng nghiên cứu về hệ thống luật án lệ (common law hoặc case law) đều ít nhiều biết đến vụ kiện nổi tiếng “ốc sên trong chai bia gừng” (snail in the bottle) diễn ra vào những năm 30 của thế kỷ 20 tại nước này.

Trong vụ này, nguyên đơn uống bia gừng do một người bạn mời tại quán cà phê. Sau đó bạn của nguyên đơn phát hiện trong đáy chai bia gừng có một xác con ốc sên đang trong quá trình thối rữa. Nguyên đơn khởi kiện nhà sản xuất bia gừng đòi bồi thường cho các thiệt hại về sức khỏe và tinh thần và đã được tòa án chấp nhận. Vụ kiện có nhiều ý nghĩa về mặt khoa học pháp lý, tôi không tiện trình bày ở đây nhưng có thể thấy ý nghĩa ở một khía cạnh khác: đó là dù chỉ bị thiệt hại nhỏ nhưng người dân Anh từ cách đây 80 năm đã có ý thức tự bảo vệ mình bằng các thiết chế pháp luật và từ đó có thể suy ra bản thân các thiết chế pháp luật này cũng có độ tin cậy rất cao.

Một ví dụ khác ở Úc. Một cô gái đi qua công viên trên đường về nhà thì bị lạm dụng tình dục. Cô đâm đơn khởi kiện cảnh sát khu vực vì mấy lý do: thứ nhất, cảnh sát khu vực thiếu trách nhiệm vì không tuần tra khi khu vực này đã từng xẩy ra các vụ lạm dụng tình dục; thứ hai, cảnh sát khu vực không đưa ra các biển báo cần thiết cũng như yêu cầu lắp đặt hệ thống đèn đường đủ sáng để đảm bảo an toàn cho khách bộ hành. Cuối cùng, tòa xử cô gái thắng kiện, cảnh sát khu vực là người phải chịu một phần trách nhiệm trong việc cô gái bị lạm dụng tình dục.

Vụ việc này không phải là “án điểm” vì nó là câu chuyện thường ngày. Không có gì lạ khi một người dân thắng kiện cảnh sát khu vực, nhưng có vẻ như thông điệp của nó đối với Việt Nam là rất rõ ràng trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, trách nhiệm của cơ quan công quyền là phải quan tâm đến tính mạng, danh dự, sức khỏe và tài sản của công dân. Nhà nước phải bảo vệ được người dân của mình tối đa, một cách có thể.

Gần đây, các vụ kiện liên quan đến phanh (thắng) không an toàn của xe Toyota buộc hãng này phải thu hồi hàng triệu xe hơi tại Mỹ và một số nước khác, cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng và đối với công chúng như thế nào trong xã hội hiện đại. Thậm chí, chính Tổng giám đốc Toyota phải ra điều trần, nhận trách nhiệm trước Quốc hội Mỹ.

Trách nhiệm quan tâm, cẩn trọng (duty of care) của một người đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của người khác là một trong những chế định pháp luật quan trọng và lâu đời của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước theo hệ thống án lệ.

Từ nhà sản xuất, người bán hàng, nhà thầu xây dựng, cơ quan công quyền cho đến các cá nhân bình thường trong xã hội đều có nghĩa vụ hành xử thận trọng và thích hợp đối với sự an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của người khác; nếu không, anh sẽ gánh chịu sự trừng phạt nghiêm minh và nghiêm khắc của pháp luật. Ý thức cao của người dân trong việc sử dụng pháp luật để tự bảo vệ mình trước sự xâm hại cố tình hay vô tình của người khác cũng là một yếu tố làm tăng trách nhiệm quan tâm, cẩn trọng của mọi đối tượng trong xã hội.

Nhìn người lại ngẫm đến ta. Người dân khi lâm vào cảnh tai bay vạ gió như chết người vì hố ga, miệng cống đề cập ở trên phải nghĩ rằng đó đơn thuần không phải là tai nạn. Trong cái không may của con cháu, người thân của mình có lỗi rất lớn kéo theo trách nhiệm của nhiều đối tượng có liên quan. Người dân, trước hết hãy mạnh dạn và tập thói quen sử dụng pháp luật và các thiết chế của nó để truy cứu trách nhiệm của những người thiếu trách nhiệm.

Vòng luẩn quẩn này rõ ràng không thể chấm dứt trong một sớm một chiều nhưng như một câu ngạn ngữ phương Tây đã nói “Thà thắp lên một que diêm còn hơn là nguyền rủa bóng tối”. Đã đến lúc chúng ta cần thắp lên que diêm đó.

Tất nhiên cái khó của ta là nhiều khi “chưa được vạ thì má đã sưng”. Quá trình tố tụng kéo dài, mệt mỏi, chế tài pháp luật chưa nghiêm khắc, độ tin cậy vào hệ thống tư pháp chưa cao là nguyên nhân chính khiến người bị hại ngại ngần kiếm tìm công lý và họ đành chọn giải pháp im lặng hoặc nhận chút ít bồi thường hoàn toàn không tương xứng của bên có trách nhiệm. Cuối cùng thì trách nhiệm lại được xử lý qua loa, lại “chìm xuồng” và chính điều đó lại vô tình khuyến khích cho thái độ coi thường an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản của người dân tiếp tục phát triển.

Ngoài việc người dân mạnh dạn khởi kiện, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc thực sự. Trước hết hãy lôi kẻ coi thường pháp luật để xử lý theo pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương. Gần đây, việc Vedan chịu bồi thường cho nông dân có thể coi là “ánh lửa” đầu tiên được thắp lên, nhưng chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa những “ánh lửa” như thế.

Cuối cùng, để mạng người không còn bị rẻ rúng, về dài hạn phải sửa đổi pháp luật theo hướng tăng nặng mức độ trừng phạt, cụ thể ở đây là tăng trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), tăng khung hình phạt trong luật hình sự.

Có như thế, mọi công dân mới cảm nhận được sự an toàn vì được nhà nước và pháp luật bảo vệ. Xa hơn, những người có lương tri sẽ không còn đau lòng khi không phải đọc những mẩu tin về “tai nạn” thương tâm trên báo chí như thời gian vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới