Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu hỏi của mọi câu hỏi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu hỏi của mọi câu hỏi

Nguyễn Văn Cường

(TBKTSG) – Ở Việt Nam, những người có trách nhiệm nhiều lúc đã không hành động kịp thời. Dẫn chứng thì rất nhiều, từ việc cải cách giáo dục ì ạch, đầu tư cho nông nghiệp quá chậm, ưu đãi cho doanh nghiệp quốc doanh quá lâu trái ngược với cơ chế thị trường, cho đến việc điều chỉnh chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện công và việc quản lý giá thuốc…

Với khoản chi chiếm khoảng 20% ngân sách, cao hơn rất nhiều nước trên thế giới, vậy mà nền giáo dục Việt Nam hiện lại đang thuộc nhóm lạc hậu.

Việc đầu tư cho nông nghiệp không quá 8% ngân sách ở một đất nước nông nghiệp cũng là điều kỳ lạ. Hệ quả là nền nông nghiệp của chúng ta đang thua kém nhiều nước trong khu vực dù có tới 70% dân số sống ở nông thôn.

Rồi việc đổ vốn liếng hỗ trợ dài lâu cho các doanh nghiệp quốc doanh trong những lĩnh vực mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh cũng gây thiệt hại không nhỏ cho đất nước. Ở ngành y tế, trong lúc hệ thống y tế công không đủ sức phục vụ nhân dân thì chi phí khám, chữa bệnh lại lạc hậu quá lâu, đến hơn chục năm.

Lý do nào dẫn đến tình trạng trên? Trung tuần tháng 9-2010, Phòng Thương mại châu Âu đã tổ chức cuộc đối thoại về kinh tế với một số doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài với chủ đề “Xu hướng kinh tế thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam”. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và GS. David Ellwood, Hiệu trưởng trường Havard Kennedy, đã tham dự cuộc đối thoại. Tại cuộc đối thoại, ông Ellwood đã đưa ra ba yếu tố quan trọng dành cho những người lãnh đạo nhà nước và doanh nghiệp: khả năng lãnh đạo, hành động và thời gian.

Những câu hỏi lớn nêu trên có thể được lý giải theo cách của GS. Ellwood: do khả năng lãnh đạo. Nếu ngành giáo dục có những người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có khả năng điều hành tốt thì Việt Nam chắc đã không còn phải loay hoay giải quyết hệ lụy: không đủ những công dân có năng lực và phẩm chất để đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu. Nếu những cán bộ có trách nhiệm lãnh đạo các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế… cũng có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo tốt thì chắc hẳn các lĩnh vực này đã không đến nỗi quá yếu kém như hiện nay!

Để xây dựng một đất nước phát triển giàu mạnh, trước hết cần phải có đường lối và chính sách khôn ngoan, đặt quyền lợi quốc gia lên hàng đầu. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà còn cần phải có đội ngũ cán bộ tài đức, nhất là ở cấp cao. Nếu chỉ quan tâm đến vốn liếng mà thiếu con người thì bao nhiêu vốn cũng không vừa.

Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để những tài năng lớn có thể phục vụ công cuộc phát triển đất nước? Đây là câu hỏi của mọi câu hỏi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới