Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Câu hỏi ngày qua ngày: Bao giờ đại dịch mới kết thúc?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Câu hỏi ngày qua ngày: Bao giờ đại dịch mới kết thúc?

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Các  nhà khoa học tính toán rằng để khống chế hiệu quả dịch bệnh Covid-19, cần phải có 2/3 dân số thế giới miễn dịch với virus SARS-CoV-2 qua tiêm chủng vắc-xin (vaccine) hoặc qua lây nhiễm để hình thành kháng thể. Điều này có nghĩa là dịch bệnh này chỉ có thể được dập tắt sớm nhất là sau một năm nữa vì cần ít nhất 12-18 tháng để bào chế thành công vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Câu hỏi ngày qua ngày: Bao giờ đại dịch mới kết thúc?
Miễn dịch cộng đồng có lẽ là cách duy nhất để ngăn chặn Covid-19 tái bùng phát. Ảnh: TTXVN.

Đại dịch Covid-19 đang khiến guồng quay của thế giới gần như đứng im với nhiều nước đã ban hành các mệnh lệnh phong tỏa đi lại và yêu cầu người dân ở nhà. Tính đến cuối ngày 26-3, cả thế giới có hơn 500.000 ca nhiễm Covid-19, bao gồm 22.340 ca tử vong. Tại Việt Nam, số ca nhiễm là 153, trong đó bao gồm 20 ca đã hồi phục và chưa có ca tử vong nào.
Câu hỏi lớn hiện nay là khi nào đại dịch Covid-19 và các biện pháp cách biệt xã hội (social distancing), tức hạn chế các tiếp xúc bên ngoài xã hội, sẽ kết thúc?

Chờ đến khi có miễn dịch cộng đồng

Hầu hết chuyên gia cho rằng thế giới đã vuột mất thời điểm vàng để khống chế virus SARS-CoV-2 giống như cách mà dịch SAR (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) và dịch MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) được kiểm soát sớm.

Điều này có nghĩa là dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài và sẽ chỉ lắng xuống và tắt ngúm nhờ miễn dịch cộng đồng.

Thuật ngữ “miễn dịch cộng đồng” dùng để mô tả một tỷ lệ dân số đủ lớn trở nên miễn dịch với một loại virus lây nhiễm để giúp hình thành một lớp bảo vệ cho những người chưa được miễn dịch.

Tỷ lệ dân số bị lây nhiễm phụ thuộc vào khả năng lây nhiễm của căn bệnh, được biểu thị bằng hệ số lây nhiễm cơ bản, được gọi là R0.

Khi một virus mới xuất hiện, chưa có ai trong cộng đồng miễn dịch với nó. Một loại virus có khả năng lây nhiễm cao giống như virus SARS-CoV-2 trong đại dịch hiện nay, có thể lây lan nhanh giống như một đám cháy rừng trong một cộng đồng dân chúng còn hoàn toàn xa lạ với nó.

Nhưng một khi số người miễn dịch với nó đủ lớn, virus này sẽ vấp phải “những bức tường” miễn dịch và rốt cục, đại dịch Covid-19 sẽ dần yếu đi và tắt ngúm. Các nhà khoa học gọi đó ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Các tính toán hiện nay về hệ số R0 của dịch Covid-19 vào khoảng từ 2-3, có nghĩa là bất cứ ai nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ lây trung bình cho từ 2-3 người khác. Dù con số này có thể biến động dựa vào hành vi của con người, các nhà khoa học ước tính ngưỡng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 là khoảng 1/3 đến 2/3 dân số của bất cứ cộng đồng bị lây nhiễm và hình thành kháng thể.

Nếu tính toàn thế giới, cần 2,5-5 tỉ người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 để hình thành ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Con người trở nên miễn dịch với một virus bằng hai con đường: Hoặc là họ bị nhiễm rồi hồi phục và hình thành kháng thể bảo vệ họ hoặc họ được tiêm vắc-xin phòng ngừa virus đó.

Quy trình phát triển hoàn tất một vắc-xin để sẵn sàng sử dụng đòi hỏi ít nhất 12-18 tháng nên trên lý thuyết, cách nhanh nhất để đạt được miễn ngưỡng dịch cộng đồng là cho phép virus tự do lây lan khắp toàn bộ dân chúng trên thế giới.

Tổn thất sẽ quá lớn nếu để dịch lây lan tự do

Theo một báo cáo công bố hôm 16-3 của các nhà nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London (Anh), dịch Covid-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh trong vòng 3 tháng nếu để mặc virus SARS-CoV-2 lây lan mà không thực hiện biện pháp ngăn chặn nào.

Nhưng cái giá phải trả cho một chiến lược như vậy sẽ rất đắt. Báo cáo trên ước tính có tới 2 triệu người trong tổng số 81% dân số Mỹ bị lây nhiễm, sẽ tử vong.

Người già và những người có các bệnh lý nền khác sẽ dễ tử vong nhất nhưng những người trẻ vẫn có thể trải qua các tình trạng nguy cấp nếu bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Năng lực chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện ở Mỹ sẽ nhanh chóng bị quá tải, sớm nhất là vào tuần thứ hai của tháng 4. Các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London ước tính các bệnh viện ở Mỹ cần số lượng gường chăm sóc đặc biệt cao gấp 30 lần so với mức hiện nay để chăm sóc những ca nặng.

Họ kết luận cái giá phải trả cho việc trì hoãn hành động để kìm hãm đà lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ rất thảm khốc.

Đó là lý do tại sao nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực tiến hành nhiều chiến lược khác nhau để ngăn số ca nhiễm tăng vọt, giúp san bằng đường cong của đại dịch Covid-19 và giảm tải ở các bệnh viên.

Các biện pháp này chủ yếu bao gồm các mệnh lệnh cách biệt xã hội như đóng cửa trường học, hủy các sư kiện tụ tập đông người và khuyến khích người lao động làm việc ở nhà nếu điều kiện cho phép.

Nguy cơ dịch tái bùng phát là rất cao

Mặt trái tất yếu của một chiến lược cách biệt xã hội thành công là tiến trình miễn dịch cộng đồng sẽ bị trì hoãn khi số ca nhiễm giảm, theo nhận định của Michael Mina, chuyên gia dịch tễ học ở Trường Y tế cộng đồng thuộc trường Đại học Harvard ở Boston (Mỹ).

Ông cho rằng nếu thế giới có thể ngăn chặn sự gia tăng đột biến số ca nhiễm trong vài tuần tới, virus SARS-CoV-2 vẫn có tái trỗi dậy ngay khi các biện pháp cách biệt xã hội được dỡ bỏ.

Ông nói: “Nếu miễn dịch cộng đồng chưa hình thành vững chắc trong dân chúng, chúng ta sẽ đối mặt với rủi ro làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19”.

Các cộng đồng có thể kiểm soát sự trỗi dậy đó bằng cách duy trì lâu dài các biện pháp cách biệt cộng đồng. Hôm 16-3, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi người dân thực hiện cách biệt xã hội ít nhất 15 ngày.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia cho rằng cần phải duy trì các biện pháp cách biệt xã hội trong thời gian tối thiểu từ 1-3 tháng để giúp các bệnh viện không bị quá tải.

Đà lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể chậm lại khi thời tiết ấm lên nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra.

Cách biệt xã hội cho đến khi có vắc-xin?

Báo cáo của Đại học Hoàng gia London cho rằng có thể kìm hãm tốc độ lây lan của dịch Covid-19 nếu duy trì việc đóng cửa các trường học và khuyến cáo người dân ở nhà trong 5 tháng.

Nhưng một khi các biện pháp cách biệt được dỡ bỏ, virus SARS-CoV-2 có thể bùng lên mạnh mẽ trở lại. Báo cáo nhận định cho đến khi vắc-xin có thể sẵn sàng sử dụng, sau khoảng 12-18 tháng nữa, các biện pháp cách biệt xã hội quan trọng cần phải được duy trì.

Maciej Boni, chuyên gia dịch tễ học ở trường Đại học bang  Pennsylvania, cho rằng các thay đổi quá lớn trong đời sống hàng ngày của người dân khó có thể duy trì lâu.

Liệu tình trạng cách biệt xã hội nghiêm ngặt có thể kéo dài trong nhiều tháng hay không là điều chưa rõ.

“Chúng ta chưa bao giờ đối mặt bất cứ điều gì giống như thế này trước đây”, Caitlin Rivers, chuyên gia dịch tễ học ở Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, nói khi đề cập đến vấn đề cách biệt xã hội.
“Tôi không sẵn sàng từ bỏ các bài học từ Hàn Quốc và Đài Loan. Họ đã chứng tỏ được rằng virus SARS-CoV-2 có thể bị khống chế tại địa phương nhờ các biện pháp cách biệt xã hội hội kết hợp với việc xét nghiệm rộng rãi, cách ly các ca nhiễm và truy tìm những người đã tiếp xúc với ca nhiễm”, Rivers nói.

Chẳng hạn, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất vào ngày 29-2 với 909 ca. Kể từ đó, số ca nhiễm mới hàng ngày giảm đều đặn và xuống còn 76 ca vào 24-3. Trong hai ngày 25 và 26-3, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc nhích lên nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, lần lượt là 100 và 104.

Tại Mỹ, dù giới chức trách y tế đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhưng vẫn chưa thể nhanh bằng nhiều nước khác. Xét nghiệm chậm chạp có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây lan rộng khắp đất nước nhưng không được phát hiện kịp thời.

Cho đến khi năng lực xét nghiệm tăng lên đáng kể, công cụ duy nhất để Mỹ kìm hãm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 là thực hiện các biện pháp cách biệt xã hội rộng rãi và nghiêm ngặt.

Các chuyên gia hy vọng việc người dân ở nhà có thể làm suy yếu dịch Covid-19. Họ cho rằng điều quan trọng là trong những tháng tới, năng lực xét nghiệm cần phải mở rộng nhanh chóng đồng thời các hệ thống chăm sóc y tế phải được củng cố.

Cải thiện năng lực xét nghiệm cho phép giới chức y tế xác định các ca nhiễm mới và cách ly họ nhanh chóng đồng thời cần truy tìm những người tiếp xúc với ca nhiễm và xét nghiệm họ càng sớm càng tốt vì dịch bệnh Covid-19 dường như lây lan nhanh do nhiều người không biết họ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nếu may mắn, cách tiếp cận đó có thể kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh cho đến khi miễn dịch cộng đồng được tạo ra nhờ sự xuất hiện của vắc-xin.

Theo Science News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới