Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cấu trúc ngân sách tôm hùm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cấu trúc ngân sách tôm hùm

Huỳnh Thế Du

Cấu trúc ngân sách tôm hùm
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Một trong những ví dụ ưa thích trong giới học thuật Hoa Kỳ để nói về hành vi hay lựa chọn cá nhân trong tập thể là câu chuyện tất cả những người trong một nhóm sinh viên cùng đi ăn nhà hàng đều chọn tôm hùm, món đắt tiền nhất.

Chuyện xảy ra như vậy là do thỏa thuận hóa đơn thanh toán sẽ được chia đều cho tất cả mọi người thay vì ai ăn gì thì trả nấy như truyền thống của người Mỹ.

Ai cũng có thể phân tích được kết quả tất yếu như trên.

Thông thường, nếu phải trả tiền theo lựa chọn cá nhân, thì mỗi người sẽ chọn món phù hợp với sở thích và túi tiền của mình. Có thể hầu hết sẽ chọn bánh pizza với giá 5 đô la.

Tuy nhiên, với thỏa thuận chia đều như trên, thì chẳng ai chọn pizza cả vì nếu làm như vậy sẽ thiệt khi mà người bên cạnh gọi tôm hùm với giá 20 đô la.

Và, tất cả đều chọn tôm hùm, cho dù có người thấy tôm hùm không ngon bằng pizza hay tiếc đứt ruột vì chi tiêu hoang phí trong khi bao khoản khác cần chi.

Với lựa chọn như vậy, phúc lợi chung của cả nhóm sinh viên nêu trên, hay nói rộng ra là toàn xã hội sẽ giảm đi do nguồn lực không được sử dụng tối ưu.

Câu chuyện đang ầm ĩ về việc Quảng Nam quyết định xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lên tới 410 tỉ đồng là một kết quả điển hình của cấu trúc ngân sách tôm hùm như trên. Mặc dù đầu tuần này, đại diện Chính phủ đã khẳng định ở thời điểm này sẽ không có vốn từ trung ương dành cho dự án này, bài học về sử dụng ngân sách vẫn còn đó.

Nếu so với một số thông số kinh tế cơ bản sẽ thấy rằng 410 tỉ bằng 5,1% chi ngân sách và 10,7% thu ngân sách năm 2010 của tỉnh Quảng Nam.

Liệu có điều gì đó bất hợp lý với một tỉnh không phải là khá giả với “hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở các tuyến đường khu vực miền núi, ven biển, các khu, cụm công nghiệp; cơ sở y tế, giáo dục và đào tạo có nơi quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo yêu cầu” lại quyết định bỏ ra chừng đó tiền để xây một công trình tuy có những ý nghĩa nhất định, nhưng không giải quyết được bất kỳ một nhu cầu cấp bách nào?

Đương nhiên là không hợp lý, nhưng hiển nhiên do cấu trúc phân chia ngân sách hiện nay mà người ta vẫn muốn xây công trình.

Trong cơ chế phân chia ngân sách hay hỗ trợ ngân sách từ trung ương hiện nay, một phần không nhỏ là các khoản chi tiêu có điều kiện như nằm trong danh mục đầu tư được duyệt, các chương trình trọng điểm quốc gia…

Đối với một tỉnh mà hơn 50% chi tiêu ngân sách được hỗ trợ bởi trung ương thì danh mục các dự án có điều kiện chắc hẳn rất dài và khoản chi tiêu để xây dựng tượng tài nêu trên khó mà nằm ngoài danh mục này.

Vấn đề nằm ở đây.

Câu hỏi được đặt ra là khi những công trình như vậy được xây thì tỉnh có công trình và nền kinh tế Việt Nam sẽ được gì, mất gì? Sự tương quan giữa động cơ để những công trình như vậy được thực hiện và không sẽ như thế nào?

Về phía được, do đầu tư được tính vào GDP, nên cái lợi chung lớn nhất đối với địa phương là tăng trưởng kinh tế – chỉ tiêu điều hành quan trọng nhất.

Quan trọng hơn cả là những bên liên quan trực tiếp đến dự án sẽ được nhiều thứ khác, nhất là đối với những công trình không cần hay không thể đánh giá hiệu quả kinh tế.

Về phía mất, công trình tốn kém này chẳng giải quyết được vấn đề cấp bách nào nêu trên và giá trị gia tăng được tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam không đáng là bao. Đầu tư kém hiệu quả, ICOR cao là điều khó tránh khỏi.

Đứng trước hai lựa chọn, xây dựng công trình để địa phương và một số người có được nhiều thứ từ khoản chi tiêu khổng lồ nêu trên và phần thiệt hay gánh nặng thuộc về gần 90 triệu người hay không xây dựng và chia số tiền này cho các tỉnh theo dân số để đầu tư những mục tiêu cấp bách khác thì lựa chọn thứ nhất là tất yếu.

Dưới góc độ lợi ích địa phương và những nhóm lợi ích liên quan, nếu không xây thì sẽ mất rất nhiều, trong khi nếu xây mà dự án không hiệu quả thì phần mất mát dường như là không đáng kể nên họ có động cơ rất mạnh để xây cho bằng được.

Kết quả của lựa chọn trong cấu trúc ngân sách ở Việt Nam là không khác so với câu chuyện tôm hùm nêu trên. Điều này góp phần giải thích tại sao đầu tư công ở nước ta trong thời gian qua đang thuộc diện cao nhất thế giới tính theo phần trăm GDP, nhưng rất kém hiệu quả và gây ra những bất ổn vĩ mô hết sức nghiêm trọng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới