Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cậy lớn, cậy bé (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cậy lớn, cậy bé (*)

Nguyên Anh

Cậy lớn, cậy bé (*)
Cảnh người, xe tải nút giao thông Ngã Năm Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội), nơi thường xuyên bị kẹt xe vào giờ tan tầm. Ảnh: Giang Huy.

(TBKTSG) – Khi được hỏi cảm tưởng về Hà Nội, một quan chức ngoại giao nước ngoài trả lời đại ý mọi thứ tuyệt vời, chỉ có một điều mà từ khi mới đến cho tới hết nhiệm kỳ công tác, ông vẫn không hiểu nổi. Đó là con người ở đây, vốn thân thiện hiền lành trong công sở là vậy, nhưng khi dắt xe ra ngoài đường, bỗng chốc trở nên khác hẳn. Xe phóng đi ào ào, vượt qua đèn đỏ, phi lên vỉa hè… Khuôn mặt người đi xe mới thấy thật hiền hòa dăm phút trước thoắt chốc đã trở nên hung hăng.

Chợt nghĩ, mỗi một ngày người ta “sống” trong hơi thở của giao thông bao nhiêu tiếng đồng hồ! Dân văn phòng đi làm ngày hai bữa, giữa trưa hối hả hẹn nhâm nhi, chiều chiều tất tả đón con cái. Dân thợ thuyền ngày mấy buổi tăng ca. Dân họp chợ ngày ngược xuôi giao nhận hàng bao lần không đếm nổi. Dân chơi “đánh bóng mặt đường” vẫn siêng năng lượn lờ trên phố. Người có chức vị triền miên gặp gỡ họp hành. Sinh viên học sinh long tong hết học chính khóa tới học thêm. Tất cả đều phải trải nghiệm cái ồn ào hay ngột ngạt của đường phố, ngày tới đêm.

Thực sự, người ta cảm nhận cuộc sống của thành phố ở ngoài đường nhiều hơn không gian trong nhà. Và phải chăng cách tổ chức giao thông trở thành yếu tố “nắn chỉnh” hành vi con người?

Cậy bé

Quy luật cũ và không mấy xê dịch ở Việt Nam là bé đè lớn. Nếu một chiếc ô tô tải va chạm với xe con, xe tải có lỗi. Nếu xe con lỡ va quẹt xe gắn máy, xe con bị coi là thủ phạm. Xe gắn máy tông xe đạp, xe gắn máy phải chịu trách nhiệm. Xe đạp thì ít khi làm khó người đi bộ, nhưng cứ thử làm họ ngã mà xem! Thậm chí nếu có ai đó thả rông một con chó ra giữa đường, chiếc xe cán phải nó mới là bên phải đền trong vụ việc.

Dù cho ô tô có làn đường riêng, nếu muốn, xe gắn máy vẫn có thể đi vào làn này thản nhiên. Xe gắn máy nhỏ gọn nên dễ dàng lách qua các làn xe; hoặc ngang nhiên (hoặc nem nép) ngược chiều; dễ dàng coi khinh đèn đỏ, nhào ra trước mặt dòng ô tô đang bốc khói vì phanh cháy đường để nhường cho xe gắn máy tạt qua.

Khi đi trên một phương tiện nhỏ, người ta “được quyền” tìm những đường tắt, những ngách ngang, những ngõ dọc hay những khe hở giữa các dòng xe. Nếu lỡ tông phải xe trước, người ta có thể tiết kiệm một lời xin lỗi trong chiếc khẩu trang bịt mặt. Người ta không cần phải chờ tới lượt để có thể vượt người khác, thói quen tìm không gian luồn lách tôi luyện khả năng giúp người ta chiếm “lối đi” giữa sự tắc tị của “làn đường”.

Cậy lớn

Đi ô tô ở Hà Nội, luôn tâm niệm một điều: “cắn” đít xe trước. Nếu không cắn cho sát sạt nắp ca-pô xe mình với đít xe trước mặt, ngay lập tức sẽ bị chèn, tạt, cắt bởi các phương tiện “mi-nhon” hơn.

Hà Nội còn tạo ra một cách rẽ độc đáo hơn mọi đô thị khác bằng cách bịt các ngã tư. Cách một quãng là khúc quanh nơi các phương tiện được phép quay đầu. Nhưng tại đó, dù sinh ra giao cắt giữa xe quay đầu và xe đi theo chiều ngược lại, lại không có đèn hiệu giao thông. Tình huống phổ biến xảy ra giống như chơi “chi chi chành chành”, để thắng cần nhanh tay nhanh mắt. Bên nào nhanh nhẹn hoặc “lừa miếng” được bên kia là giành quyền đi trước. Một chiếc ô tô “phơi mình” ra chắn trước làn đối diện là đoàn cùng hướng mừng như mở cờ, lập tức ta theo nhau. Bên kia khựng lại, chưng hửng, bực bội.

Đi ô tô sinh ra một tâm lý phổ biến. Muốn kiếm lấy không gian để đi, phải biết khai thác lợi thế cồng kềnh và vẻ ngáo ộp của mũi xe. Trước luồng xe gắn máy nhao nhao, hãy cố lựa lúc nào đó chìa mông (xe) hoặc giơ cái sườn lừng lững ra chặn lại. Còn mỗi khi tỉnh bơ lấn làn xe gắn máy hay nghênh ngang đỗ ẩu, nhưng chẳng may bị cảnh sát giao thông hỏi thăm, ý nghĩ trong đầu phổ biến là “gọi điện cho người thân”.

Trong đời thường, khi ta làm việc ở cơ quan nọ, người nhà có ghế ở đơn vị kia, chẳng khác nào ta đang trên một cỗ xe lớn, có đặc quyền thản nhiên cắt ngang qua phố như “hung thần” xe buýt.

Cách đây ít lâu, báo chí Trung Quốc xôn xao trước tấm ảnh tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc xếp hàng mua cà phê Starbucks, lưng đeo ba lô, tay dắt theo con gái (**). Chuyện nếu có xảy ra ở Việt Nam thì sự ngạc nhiên rất dễ hiểu, khi người ta vẫn thường thấy hình ảnh ngược lại của một “đại nhân” “cậy lớn” nào đó.

Ừ, cậy thì đã sao?

Vô hình trung, những con đường chằng chịt, những giao lộ ken dày, những điểm nút quay đầu chật ních, những làn xe lập lờ cùng lũ lượt xe cộ, hoặc cau có chờ đợi, hoặc hau háu tranh đường, đã gieo mầm và tưới tắm cho tính nết con người.

Từ vô thức cậy lớn và cậy bé của người tham gia giao thông, từ hành vi lặp đi lặp lại hàng ngày, kéo dài nhiều tháng nhiều năm, tính cách con người đã và đang thay đổi. Phải giành giật hơn, quyết liệt hơn, phải bớt nhường nhịn và phải ích kỷ thật nhiều, miễn là ta tới nơi tới chốn, mặc người khác.

“Cậy bé” nuôi tính tùy tiện và cơ hội. “Cậy lớn” đắp đầy thói cửa quyền và thô bạo. Dù vậy, những thói quen cậy bé mà luồn lách, chui lủi, hay cậy lớn ngang ngược chèn đè hình thành từ cách đi xe chưa hẳn là nguy cơ lớn nhất cho tính cách người Tràng An thanh lịch thuở nào. Đáng nói nhất, thái độ chấp nhận những thói quen ấy. Việc không cần biết chuyện mình lách qua hay chèn lên chính là xâm phạm pháp luật và quyền lợi của người khác mới nguy nan cho phẩm chất con người nếu một mai trở thành mặc định.

_________

(*) Hay chuyện hành vi giao thông và tính cách người Hà Nội

(**) http://laodong.com.vn/tin-tuc/anh-tan-dai-su-my-gay-sot-cu-dan-mang-trung-quoc/55045

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới