Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CEO cũng phải học tiếp thị trực tuyến

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CEO cũng phải học tiếp thị trực tuyến

Phương Anh thực hiện

CEO cũng phải học tiếp thị trực tuyến
Ông Phan Văn Dũng.

(TBVTSG) -Những học viên đến với các khóa đào tạo về tiếp thị trực tuyến thường là giám đốc tiếp thị, nhân viên tiếp thị của các công ty nhưng cũng có người là tổng giám đốc hoặc giám đốc điều hành (CEO). Ông Phan Văn Dũng, CEO của Công ty cổ phần Đầu tư Hữu Liên (HLiC), người từng học về  tiếp thị trực tuyến ở EQVN, BOM (Bom Computer training Center for Business) và BrainMark, cho rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp càng phải hiểu rõ để có thể tận dụng những tiện ích mà phương thức tiếp thị này mang lại cho chuyện kinh doanh của mình.

TBVTSG:  Một CEO thường cử các giám đốc hay nhân viên tiếp thị của mình đi học về  tiếp thị trực tuyến để làm việc tốt hơn, nhưng hiện nay ở Việt Nam, nhiều CEO đã tự mình tìm đến các khóa đào tạo chuyên ngành này. Vậy quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Phan Văn Dũng: Tôi nghĩ rằng, CEO của một công ty, đặc biệt với những công ty kinh doanh, càng nên học về tiếp thị trực tuyến vì phương thức tiếp thị mới mẻ này giúp việc bán hàng thuận lợi hơn, trong khi chi phí đầu tư thấp. Không chỉ vậy, nó buộc người đứng đầu bộ phận tiếp thị của công ty phải xây dựng một chiến lược tiếp thị dài hơi bên cạnh việc thực hiện các kế hoạch ngắn tùy theo mùa, tùy theo sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này khác với cách làm “bán được hàng rồi mới làm tiếp thị” của nhiều công ty ở Việt Nam. Nếu người đứng đầu bộ phận tiếp thị – thường là các giám đốc tiếp thị – đệ trình những kế hoạch, chiến lược mới thì CEO phải là người có khả năng hiểu đúng và hiểu rõ trước khi phê duyệt. 

Nói một cách khác là nếu CEO không học để hiểu đường đi nước bước của phương thức tiếp thị trực tuyến, họ sẽ không hiểu được cấp dưới của mình đang làm gì, làm tiếp thị như thế nào và cần những sự hỗ trợ nào. Sự bất mãn của cấp dưới do cấp trên không đánh giá đúng tầm quan trọng của các kế hoạch  tiếp thị được đệ trình, nếu có xảy ra, cũng là điều dễ hiểu.

Ông đã bắt đầu đến với chuyên ngành tiếp thị trực tuyến như thế nào?

– Nói đến tiếp thị trực tuyến, điều cần xác định đầu tiên là đối tượng khách hàng. Họ có thể thuộc nhiều giới trong xã hội nhưng phải là những người sử dụng Internet thường xuyên; kế đến là loại hàng hóa mà doanh nghiệp cần tiếp thị là gì, doanh nghiệp dành bao nhiêu chi phí cho tiếp thị trực tuyến.

Tôi đã tự đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy khi bắt đầu việc kinh doanh dịch vụ văn phòng ảo cách đây không lâu. Khi đã khoanh vùng được nhóm đối tượng khách hàng là những công ty khởi nghiệp, tôi mới tìm những công cụ Internet phù hợp để tiếp cận họ. Đến đây thì chuyện học hành đã rõ ràng hơn với tôi.

Tôi chọn những khóa học ngắn hạn và sắp xếp học vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đầu tiên là khóa học tổng quát để hiểu tiếp thị trực tuyến là gì, thế nào là dịch vụ SEO (Search Engine Optimization – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), khi nào sử dụng thư điện tử (e-mail)… Sau đó, tôi xác định các tiêu chí về ngành, đối tượng cần tiếp thị, gắn kết định hướng kinh doanh với thực tế rồi chọn các lớp đào tạo chuyên sâu hơn. Không giải quyết công việc, không chuông điện thoại, đặt nhiều câu hỏi nhất và hỏi thật khó và cần gì thì học thứ đó là những quy tắc tôi đặt ra cho riêng mình khi tham gia khóa học. Để làm việc này, tôi đọc trước các bộ tài liệu của chương trình, tìm đọc cả những tài liệu khác nguồn trên Google và chuẩn bị trước các câu hỏi.

Nếu các giảng viên là người cung cấp những kinh nghiệm xử lý tình huống, thì các học viên cung cấp những tình huống thực tế phong phú. Thực sự là, kinh nghiệm của giảng viên và quan điểm của họ khi xử lý các tình huống tiếp thị tôi đưa ra đã giúp tôi rất nhiều. Tuy nhiên, học là một chuyện, việc áp dụng vào thực tế là một câu chuyện khác.

Ông có thể chia sẻ câu chuyện áp dụng thực tế ở doanh nghiệp mình?

– Để bán hàng tốt, một trong những khoản cần chi ra nhiều  là quảng cáo và tiếp thị. Các doanh nghiệp hiện nay thường triển khai việc tiếp thị trên bốn kênh gồm gửi thư trực tiếp qua bưu điện, tiếp cận qua điện thoại, qua báo đài và qua Internet. HLiC cũng làm vậy, nhưng điều đáng ngạc nhiên là có đến 95% ý kiến phản hồi của khách hàng là qua kênh tiếp thị trực tuyến trên Internet. Đây cũng là kênh nhận được nhiều hợp đồng nhất. Rất khó nói đến hiệu quả của việc tiếp thị hay quảng cáo trên các kênh truyền thống, dù chi phí dịch vụ ở các kênh này rất đắt. Còn với tiếp thị trực tuyến, chi phí thấp ước tính chừng chục triệu, nhưng doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện và có thể lặp lại với tần suất hằng tuần, hằng tháng. Đặc biệt, có thể điều chỉnh kế hoạch dựa trên năng lực tài chính và doanh nghiệp có những công cụ giúp định lượng được hiệu quả của nó. Điều quan trọng là, theo tôi, các doanh nghiệp cần thử các kênh tiếp thị để lựa chọn cái phù hợp nhất.

Một yếu tố quan trọng khác là tạo môi trường học và trao đổi trong công ty. Tôi dành thời gian để hệ thống hóa các bộ tài liệu đã học và đưa vào thư viện của công ty. Theo định kỳ, tôi  dạy lại cho nhân viên điều mình đã học và đặt cho họ những câu hỏi tình huống để cùng trao đổi kinh nghiệm xử lý. Cách này đã giúp tôi phát hiện ra những nhân viên giỏi và tạo điều kiện cho họ học những lớp đào tạo phù hợp cũng như thực hiện những ý tưởng tiếp thị táo bạo. Tôi nghĩ rằng CEO không tạo áp lực cho nhân viên, nhưng nhất thiết phải có sự kiểm tra hiệu quả việc làm của họ. Sự hợp tác hai chiều giữa CEO với giám đốc tiếp thị, giám đốc bộ phận bán hàng và giữa họ với nhau có thể giúp CEO hiểu hơn về kinh nghiệm giải quyết thực tế. CEO cần  lắng nghe và kết hợp cách xử lý của từng người để có cách giải quyết phù hợp nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới