Chủ Nhật, 2/04/2023, 02:20
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


CEO Puritrak: “Sáng tạo không phải chỉ là xoay quanh sản phẩm”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CEO Puritrak: “Sáng tạo không phải chỉ là xoay quanh sản phẩm”

Nội dung: Vũ Dung – Trình bày: Doãn Thụy

CEO Puritrak:
 
 
 

 

 

 
 
 

Mở chiếc điện thoại di động, Nguyễn Trung Hiếu chỉ từng khoản chi tiêu hàng ngày của anh, từ tiền gửi xe, cốc cà phê, tới bữa ăn trưa… “Thời kỳ khó khăn đã dạy cho tôi tính kỷ luật về chi tiêu và đây cũng là yếu tố quan trọng trong điều hành một doanh nghiệp", Hiếu nói.

Aaron James Everhart vẫn còn nhớ như in cảm giác run rẩy, lạnh ngắt toàn thân khi bác sĩ chuyên khoa nói ông có nguy cơ mắc ung thư phổi cách đây hơn 5 năm. Ở tuổi 35 mà nói thì đây đúng là một tin sét đánh ngang tai vì còn bao nhiêu kế hoạch và hoài bão mà doanh nhân đến từ bang Oregon (Mỹ) muốn thực hiện ở Việt Nam. Bác sĩ khuyên ông quay trở lại Mỹ để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí tới hệ hô hấp của mình. Trải nghiệm xương máu này đã thôi thúc Aaron tìm hiểu về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ và những giải pháp an toàn, hiệu quả.

Cũng trong năm 2015, khi cả gia đình Nguyễn Trung Hiếu đặt chân xuống sân bay Nội Bài sau 5 năm sinh sống và làm việc tại Úc. Cảm giác đoàn tụ hạnh phúc của cả gia đình nhanh chóng chuyển thành những ngày ốm liên miên của hai vợ chồng và những đứa trẻ. Đó là cách tình cờ Hiếu tìm đến những mảnh ghép đầu tiên của bức tranh “ô nhiễm môi trường”. Cũng từ đó, Hiếu đã dành nhiều thời thời gian và tiền bạc để nghiên cứu, đo đạc, nhằm hiểu rõ hơn về ô nhiễm không khí. Anh nung nấu ý định sẽ khởi nghiệp để tìm ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí – kẻ giết người thầm lặng tại Việt Nam.

Aaron và Hiếu gặp nhau một cách tình cờ khi ông Aaron tới mua máy lọc không khí nhập ngoại tại cửa hàng nơi Hiếu làm việc. Cả hai nhanh chóng tìm ra được tiếng nói chung và Puritrak ra đời vào năm 2016 (tên gọi đầu tiên là Airman) với mục tiêu sản xuất máy lọc không khí dành cho người tiêu dùng trong nước. Sau đó, hai nhà đồng sáng lập đã tập hợp một nhóm chuyên gia, những người đã chế tạo ra thiết bị đo không khí trong nhà trên nền tảng công nghệ Internet vạn vận (Internet of Things – IoT) đầu tiên và đồng thời phát triển hệ thống máy lọc không khí trong nhà. Tới cuối năm 2019, công ty khởi nghiệp (startup) này đã triển khai thành công 800 thiết bị, giúp hơn 2.000 học sinh được hít thở không khí sạch hàng ngày.

“Chúng tôi đã vượt qua được ngưỡng hòa vốn ”- Hiếu, giám đốc điều hành (CEO) và cũng là nhà đồng sáng lập Puritrak, bộc bạch: “Đây là bước chuyển mình khó khăn mà phần lớn các startup không gượng qua được”.

Có được thành quả ban đầu này, Hiếu không thể quên được những áp lực cả về mặt tài chính lẫn tinh thần mà anh phải chịu đựng trong 5 năm qua khi quyết định “sống chết” cùng với Puritrak.

Kể về quá trình phát triển của công ty, Hiếu nhớ lại, sau khi thành lập công ty năm 2016, cả một năm sau đó, các thành viên của công ty vẫn chưa tạo ra được một sản phẩm nào tối ưu. Mục đích ban đầu của Puritrak là làm máy lọc không khí cho người nghèo, có thu nhập từ 5-8 triệu nhưng kế hoạch này không khả thi vì chi phí sản xuất, nhập khẩu thiết bị từ Ấn Độ và Trung Quốc về lắp ráp quá lớn khiến giá thành vượt khả năng chi trả của người thu nhập thấp.

 

Năm 2018, Puritrak thay đổi định hướng thị trường, nhắm tới phân khúc các trường học quốc tế có học phí cao tại các khu đô thị lớn như Ciputra, Vinhomes, Royal City…. Đặc điểm của phân khúc khách hàng này tuy số lượng ít nhưng có nhu cầu và nhận thức rõ tiềm ẩn của ô nhiễm môi trường, khả năng chi trả lớn. Nhưng làm thế nào để một thương hiệu không tên tuổi của Việt Nam có thể lọt vào tầm mắt của những trường quốc tế như UNIS, BIS, BVIS, St Paul American School….? Đây là câu hỏi mà các nhà sáng lập Puritrak đau đầu giải quyết.

Nhận thấy các trường quốc tế phải vận hành cùng lúc hàng trăm thiết bị, do đó, các khách hàng này cần một hệ thống hơn là chỉ một chiếc máy lọc, trong khi đó, máy lọc không khí thông thường trên thị trường không cung cấp giải pháp kết nối và vận hành trung tâm. “Đây là sẽ là lợi thế nếu Puritrak tìm ra được giải pháp mang tính hệ thống cho nhà trường”, Hiếu nói.

Từ đó, các thành viên trong công ty bắt đầu hướng tới giải pháp tích hợp thiết bị cảm biến cao cấp với máy lọc không khí và tới cuối năm 2018, sản phẩm đã được lên hình hài rõ ràng. Toàn bộ hệ thống lọc không khí vận hành tự động theo lập trình của khách hàng và tự điều chỉnh hiệu suất theo chất lượng không khí trong từng không gian. Đây là một giải pháp toàn vẹn giúp tiết kiệm nhân sự vận hành, tiết kiệm điện, vật tư khấu hao và hơn hết có thể cam kết không khí sạch bất kể điều kiện ô nhiễm.

Hiếu và các cộng sự tự tin rằng, với những đổi mới sáng tạo mà công ty đã thực hiện, sản phẩm sẽ nhanh chóng được đón nhận. Nhưng thực tế không hề dễ dàng. Suốt cả một năm sau kể từ khi có sản phẩm hoàn chỉnh, Hiếu đi tới khắp các trường học, gặp gỡ nhiều đối tác là các công ty nước ngoài nhưng chỉ nhận được cái “lắc đầu” khô khan.

Chàng trai với vóc người nhỏ bé và ít nói, từng là giảng viên đại học này không chỉ bán sản phẩm, mà còn cố gắng  truyền đạt tới khách hàng những kiến thức về tác hại của bụi mịn PM2.5, các chỉ số liên quan tới ô nhiễm không khí, những dấu hiệu ảnh hưởng của sức khỏe.

Puritrak cũng là đơn vị đầu tiên lắp đặt 17 điểm quan trắc không khí tại Hà Nội, 7 điểm ở TPHCM với chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Quan niệm cho đi là nhận lại, thế nhưng, Hiếu và các cộng sự luôn hiểu rằng con đường chinh phục khách hàng còn khá xa. Tập thể công ty  tự động viên nhau nỗ lực hơn trong mỗi nhiệm vụ, vì những việc mình làm có giá trị thiết thực cho sức khỏe cộng đồng thì cần phải cố gắng hết sức mới thôi. Bao nhiêu tiền tiết kiệm được trong 5 năm làm việc ở Úc của Hiếu cộng với khoản đóng góp của các cộng sự khởi nghiệp dần tan biến sau 2 năm. Trách nhiệm với gia đình, với những người xung quanh đã khiến các nhân sự cốt lõi của công ty buộc phải từ bỏ, có thời điểm chỉ còn hai nhà sáng lập đầu tiên vẫn còn trăn trở với vấn đề lọc không khí là Aaron và Hiếu.

“Công ty sau đó gặp khủng hoảng về tài chính nghiêm trọng”, Hiếu nhớ lại. “Các thành viên sáng lập đồng ý tạm ngừng hoạt động cho tới khi gọi được vốn mới, hoặc tìm được người có thể chi trả được chi phí hoạt động của công ty”.

Cũng vì lời hứa đồng hành với một số khách hàng cá nhân trước đó, Hiếu vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ sau bán hàng của công ty, tìm kiếm các đối tác mới bởi anh cho rằng khi ngừng hoạt động, công ty sẽ trôi dạt về phía sau và sẽ không bao giờ còn cơ hội “sống lại” nữa.

Để có thể sống lay lắt qua ngày cùng công ty, Hiếu đã phải cắt giảm chi tiêu cá nhân ở mức thấp nhất. Mở chiếc điện thoại di động, Hiếu chỉ chi tiết các khoản chi tiêu cá nhân của mình gồm xăng xe, điện thoại, ăn trưa…tất cả phải hạn chế xuống dưới 3 triệu đồng/tháng. “Nhiều bạn bè tôi không thể tin được tôi có thể chi tiêu ở mức như vậy. Dù sao, đây cũng là một thói quen tốt vì kỷ luật chi tiêu là một trong những yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp", Hiếu nói.

Giữa năm 2019, khi báo chí đồng loạt lên tiếng về ô nhiễm không khí, bụi mịn và tác hại của nó tới môi trường, Hiếu nhận ra rằng, cơ hội cũng như thách thức mới đã đến với Puritrak. Nhiều khách hàng mà Hiếu tiếp cận 2 năm trước đó đã chủ động liên hệ lại với anh, đơn hàng được ký kết và công ty nhanh chóng được “hồi sinh”. “Muốn thành công, ngoài sản phẩm tốt, chuẩn bị sẵn sàng cơ hội thị trường, thì thần may mắn đôi lúc chính là chiếc phao cứu sinh cuối cùng”, Hiếu nói.

 

Nhà quản lý trường học hay doanh nghiệp đang dùng hệ thống lọc không khí Puritrak giờ đây chỉ cần lướt qua màn hình điện thoại là biết được chất lượng không khí trong phòng đang ở mức nào, khi nào chất lượng không khí bên ngoài đảm bảo để học sinh có thể tham gia hoạt động thể chất ngoài trời….Tại Hàn Quốc, khi chất lượng không khí tốt, học sinh sẽ được ra ngoài trời hoạt động thể thao, khi chất lượng không khí xấu, học sinh sẽ phải ở trong lớp học. Khi vấn đề ô nhiễm ở Việt Nam được luật hoá như các nước thì đây sẽ là cơ hội để Puritrak phát triển.

Sáng tạo là một trong những đặc điểm mà các startup phải có để thành công, nhưng dưới góc nhìn của Hiếu, sáng tạo ở đây phải bắt nguồn từ khách hàng, giải quyết các nhu cầu mà khách hàng đang gặp phải.

“Nếu như chỉ xoay quanh sản phẩm và cho rằng đó là sáng tạo thì không phải lúc nào cũng đúng, trừ khi người đó phải rất am hiểu về thị trường và sản phẩm”, Hiếu chia sẻ.

Sau hơn 5 năm gắn bó với đứa con tinh thần, Hiếu rút ra kinh nghiệm: “Khởi nghiệp, tốt nhất là đi từ ánh mắt nhìn của khách hàng, thở hơi thở của khách hàng, gắn chặt mình với nhu cầu khách hàng và coi đó là nhiệm vụ lớn nhất khách hàng giao cho mình phải hoàn thành”.

Hiếu nói rằng qua theo dõi tin tức, anh được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Vị CEO trẻ tuổi tin tưởng về con đường phía trước của Puritrak, đặc biệt khi kỳ vọng vào những nỗ lực chung của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua những hành động cụ thể, cấp bách.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới