Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CEO Techcombank sẽ rời ngân hàng vào tháng 9

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CEO Techcombank sẽ rời ngân hàng vào tháng 9

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Sau gần 5 năm góp phần xây dựng những nền móng tăng trưởng cho Techcombank, Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh vẫn quyết định ra đi vì lý do cá nhân.

CEO Techcombank sẽ rời ngân hàng vào tháng 9
Năm năm qua, Techcombank có nhiều sự thay đổi và kết quả kinh doanh cũng đột biến. Ảnh: V.D.

Đi tìm giá trị dài hạn của Techcombank

Nghị quyết 115 của HĐQT Ngân hàng Techcombank ban hành ngày 21-2, thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc Techcombank theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 1-9-2020.

“Với ý nguyện về sống gần với gia đình, Tổng giám Đốc Nguyễn Lê Quốc Anh đã đề nghị HĐQT Techcombank không gia hạn hợp đồng kết thúc ngày 1-9-2020, sau khi hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm thành công tại Techcombank”, Techcombank thông báo.

Theo đó, trong 6 tháng tới, ông Quốc Anh sẽ bàn giao công việc và hỗ trợ HĐQT chọn, phỏng vấn và bổ nhiệm tổng giám đốc mới. HĐQT đã bắt đầu thực hiện lộ trình lựa chọn ứng viên trong và ngoài nước.

Nguồn: TCB.

Ông Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối chiến lược và Phát triển từ tháng 5-2015 và giữ vị trí CEO Techcombank từ tháng 9-2016. Trước đó, ông từng giữ các vị trí cao cấp tại các tổ chức lớn tại Mỹ như T-Mobile US, Wells Fargo Bank, Nissan USA, Fortress Investment Group, TransMarket Group, McKinsey, Viện Nghiên cứu khoa học liên bang Hoa Kỳ, Pacific Gas & Electric và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Trong khoảng thời gian này, Techcombank có nhiều sự thay đổi về cách quản trị, đầu tư công nghệ và tư duy kinh doanh, trong đó đặc biệt là quan điểm mới nghe vẻ kỳ lạ, đó là mô hình kinh doanh “rủi ro thấp, lợi nhuận cao”.

Trong vài năm gần đây, lợi nhuận của Techcombank đến từ nhiều nguồn khác nhau, chứ không “đơn điệu” tập trung vào các nhóm khách hàng lớn như trước kia.

Chẳng hạn, Techcombank đưa ra mô hình tài trợ chuỗi cung ứng (cho nhà sản xuất và người tiêu dùng) trong các ngành hàng của mình như bất động sản hay hàng tiêu dùng nhanh với các đối tác quen thuộc như Vingroup hay Masan.

Chiến lược này được “áp” vào 6 lĩnh vực kinh tế chiếm khoảng 48% GDP Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng hơn gấp đôi mức tăng trưởng GDP (gần 16%).

Ngoài ra, Techcombank đưa ra khái niệm “ngân hàng giao dịch”, được định nghĩa là đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân, bao gồm gửi tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm và đầu tư.

Mặc dù vẫn còn tranh cãi trên thị trường về mức độ đóng góp của các khách hàng doanh nghiệp lớn tại Techcombank, hay những lo ngại về giá cổ phiếu thấp, kết quả kinh doanh của Techcombank trong những năm qua vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Năm 2019, Techcombank là ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống, với lãi trước thuế đạt hơn 12.800 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 14.257 tỉ đồng, tăng 25,2%. Còn quy mô tổng tài sản đạt gần 383.700 tỉ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Thông cáo của Techcombank cũng cho biết hồi quí 4-2019, HĐQT đã thông qua nguyên tắc và lộ trình thực thi mô hình quản trị ngân hàng theo đề xuất của ông Quốc Anh. Theo đó, Tổng giám đốc phân quyền quyết định kinh doanh và vận hành nội bộ xuống các Giám đốc Khối, để các khối có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Theo mô hình này, ông Phùng Quang Hưng đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Điều hành (Managing Director), Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính và Dịch vụ Khách hàng và chịu trách nhiệm phần lớn cho hiệu quả vận hành nội bộ của Techcombank.

Tương tự, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị ngân hàng, còn ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng Giao dịch toàn cầu (GTS – là sự hợp nhất giữa ngân hàng Giao dịch và Khối nguồn vốn).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới