Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CEO Thiên Long: Tôi lo lắng khi doanh nghiệp thay đổi chưa đủ nhanh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – “Bây giờ tôi mới có thể thở phào vì đã lo xong lương thưởng cho nhân viên rồi, giờ là lúc có thể suy nghĩ tiếp tục cho chặng đường tới”, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Long, mở đầu câu chuyện nhân dịp Tết Quý Mão với phóng viên KTSG Online.

Cuộc trao đổi diễn ra trong giờ ăn trưa muộn vào ngày cuối năm Nhâm Dần, trong văn phòng hơn 1.000 m2 mà Thiên Long vừa chuyển về vào đầu năm ngoái, ngập sắc đỏ trang trí đón xuân tại khu đô thị Sala (thành phố Thủ Đức).

Năm 2022, Thiên Long ghi nhiều dấu ấn về mặt kinh doanh. Báo cáo sơ bộ thấy 11 tháng đầu năm cho thấy doanh thu đạt hơn 3.317 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 444 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 38% và 74%. Thị giá cổ phiếu TLG trong năm qua tăng đến 21%, đi ngược chiều với xu hướng của thị trường khi chỉ số VN-Index giảm gần 33%.

Tăng trưởng cao là thế nhưng trong cảm xúc vui mừng, bà Nga không dấu sự trăn trở về tương lai kinh doanh của Thiên Long. “Lợi nhuận có thể tăng thêm chục tỉ mỗi năm nhưng câu chuyện sống còn vẫn còn ở phía trước, mình còn trăn trở nhiều vì sợ Thiên Long thay đổi chưa đủ nhanh trong bối cảnh môi trường bên ngoài thay đổi liên tục cả về biên độ lẫn tốc độ”, bà Nga tiếp lời.

Nhân dịp Xuân Quý Mão, KTSG Online xin chuyển tải câu chuyện về tập đoàn văn phòng phẩm đang đặt ra tham vọng mở rộng thị trường dựa trên sự thay đổi chính mình.

Bà Trần Phương Nga, CEO Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ mong muốn định vị giá trị và định giá mới cho sản phẩm văn phòng phẩm Việt Nam. Ảnh: DNCC.

Cần thêm chất xúc tác để thay đổi nhanh hơn

KTSG Online: Trước hết xin chúc mừng Thiên Long có năm kinh doanh thành công. Bà có thể chia sẻ lý do giúp công ty đạt được mức tăng trưởng cao như vậy?

– Bà Trần Phương Nga: Trong hoàn cảnh thị trường chung khó khăn, Thiên Long năm ngoái đầu tư rất nhiều dự án mới, tôi cũng từng lo ngại câu chuyện đầu tư cho tương lai sẽ ảnh hưởng đến hiện tại.

Đến cuối năm, Thiên Long đón Tết Nguyên đán với những con số kinh doanh tăng trưởng ấn tưởng, doanh số và lợi nhuận đều vượt xa mục tiêu. Tôi thật sự hạnh phúc vì các nhân viên của mình có thể đón một cái tết ấm no, đầm ấm bên gia đình và sẵn sàng cho một năm kinh doanh hứa hẹn thành công ở phía trước.

Bên cạnh sự nỗ lực của những người Thiên Long, may mắn là sức mua của thị trường vượt kỳ vọng sau thời đại dịch. Xuất khẩu cũng đạt con số kỷ lục và chúng tôi có thể tự hào vì làm việc với thương hiệu nổi tiếng thế giới với giá thành và chất lượng rất cạnh tranh.

Năm ngoái Thiên Long có rất nhiều sự kiện lớn. Với bà, đâu là sự kiện để lại ấn tượng nhất?

– Thật khó để chọn lựa đấy (cười!), vì năm ngoái chúng tôi có rất nhiều sự kiện diễn ra liên tiếp và trên nhiều khía cạnh từ sản xuất, cho đến phân phối, marketing (tiếp thị) hay phát triển sản phẩm. Chẳng hạn như khánh thành nhà máy mới tại Long Thành (Đồng Nai) hay trung tâm phân phối mới tại TPHCM. Đặc biệt, nhãn hàng Colokit lần đầu tổ chức sự kiện gia đình “Ngày hội sắc màu – Mega Color Event” thu hút 60.000 người tham dự.

Tất cả đều mới mẻ đối với Thiên Long và tôi tin rằng chúng đều ghi dấu ấn đậm nét với nhà đầu tư, cổ đông và người tiêu dùng. Nhưng có lẽ với tôi, sự kiện khai trương cửa hàng trải nghiệm Clever Box là mang đến kỷ niệm ấn tượng nhất, vì đã có cửa hàng riêng để đặt những sản phẩm mang tình yêu của Thiên Long vào đó, nó mang đến cảm giác như mình gần đến đích hơn.

Tất nhiên đây chỉ là điểm khởi đầu, chúng tôi sẽ còn phải tìm hiểu người tiêu dùng nhiều hơn. Cửa hàng riêng cho phép chúng tôi làm điều này và cơ hội để thay đổi hệ thống, các kênh truyền thống và kể cả nâng cấp nhân sự chuyên nghiệp hơn.

Nhà máy mới của Thiên Long ở Long Thành, Đồng Nai.

Bà nhắc nhiều về sự thay đổi, muốn Thiên Long phải thay đổi nhanh hơn nữa. Vì sao lại như vậy?

– Xã hội bên ngoài đang thay đổi rất nhanh. Trước khi có dịch Covid-19, tôi nghĩ xu hướng tiêu dùng văn phòng phẩm theo phong cách “thời trang” phải đến 10 năm sau mới xuất hiện, mà bây giờ đã manh nha ở Việt Nam rồi.

Nếu như cây bút hồi xưa chỉ đơn thuần để viết, thì ngày nay có nhiều công năng hơn và có thể bán kèm theo cả một bộ sưu tập. Hộp bút màu vẽ mỹ thuật trước đây chỉ có 8 màu cơ bản, nay thậm chí có thể lên tới 36 màu hay 72 màu. Sẽ tới lúc văn phòng phẩm trở thành sản phẩm được mua dựa trên sở thích, đam mê và sự trải nghiệm của người dùng ở mọi lứa tuổi.

Tôi nghĩ Thiên Long cần phải thay đổi nhanh hơn nữa trong bối cảnh này, nhưng sự thay đổi không chỉ diễn ra ở bên ngoài bằng những khoản đầu tư nhà máy, mà còn phải là sự chuyển mình từ bên trong. Trong năm qua, Thiên Long đã có sự thay đổi đáng kể từ bên trong với tư duy “dám thay đổi”. Tôi tin đây là động lực lớn để có thể bứt tốc và bám sâu vào văn hóa công ty trong thời gian tới.

Cụ thể hơn thì Thiên Long đã thay đổi những gì và thay đổi như thế nào, thưa bà?

– Thiên Long đã có hơn 40 năm phát triển với mô hình tương đối truyền thống nên bộ máy đã hình thành bộ khung sẵn có và cứ thế mà chạy. Điều này tạo sự ổn định nhưng mặt trái là khó tạo nên sự đột phá trong kinh doanh. Do đó, đội ngũ mới từ bên ngoài là chất xúc tác, vì họ sẽ kích thích cạnh tranh và giúp guồng máy chạy nhanh hơn.

Trong hành trình “trẻ hóa” này, Thiên Long năm vừa qua chứng kiến cách làm đan xen phát huy hết ưu điểm của nguồn nhân lực. Chẳng hạn, người cũ thường có xu hướng đánh giá dựa trên kinh nghiệm, còn người mới đòi hỏi dữ liệu cụ thể chi tiết hơn. Tuy nhiên, đôi khi có những phân tích khó có thể bóc tách chi tiết ra được. Nếu tính toán và cân nhắc đủ các rủi ro thì mình cứ làm thôi, nhưng nói vậy không có nghĩa là thiếu con số.

Bên nào cũng có ưu thế riêng của mình, người mới sẽ không hiểu ngay thị trường bằng người cũ vốn nắm thị trường từ trong máu. Sức mạnh tổng lực sẽ được tạo ra từ việc chủ động kết hợp từ người cũ và những chuyên môn của các nhân sự mới, đa phần đều đến từ các tập đoàn đa quốc gia với vị trí cao tương đương.

Do đó, Thiên Long phải giữ sự kết nối. Nếu xem mô hình trước kia là hệ thống gồm nhiều bánh răng, sẽ có những bánh răng độc lập và không tương tác nhiều với bánh răng khác. Còn trong hệ thống mới, mỗi người ở Thiên Long là một điểm nối, liên kết và kết nối thành mạng lưới và hướng đến sự phát triển chung.

Điều quan trọng nữa là tư duy lãnh đạo cũng buộc phải thay đổi theo. Thiên Long cũng chuyển đổi sơ đồ tổ chức sang “mô hình quản trị ngược”, tức là “sếp” sẽ ở vị trí thấp nhất để làm bệ đỡ cho nhân viên. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, sẵn sàng lùi lại để liên kết những điểm nối trên vòng tròn nhân sự, khơi gợi sự sáng tạo từ cấp dưới và thuyết phục lãnh đạo cấp trên.

Cửa hàng trải nghiệm Clever Box của Thiên Long.

Làm việc bằng cả trái tim

Nghe có vẻ như đây là “ván cược” không nhỏ về mặt quản trị doanh nghiệp?

– Tất nhiên sẽ có những mâu thuẫn, nhưng tôi khuyến khích doanh nghiệp và bản thân mỗi nhân sự, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao, phải nhìn thẳng và nói ra vấn đề của mình, sau đó tìm cách giải quyết.

Tôi nghĩ sự nhân văn trong văn hóa doanh nghiệp là giữ môi trường cạnh tranh.  Sự đổi mới là cần thiết để đội ngũ cũng được dẻo dai và thích ứng giỏi hơn, nếu không thì sau này dù công ty thuận lợi hay khó khăn, người lao động sẽ rất khó để tồn tại tiếp với thị trường thay đổi rất nhanh.

Tin vui là cho đến nay, có thể nói rằng sự xáo trộn này đã có kết quả bước đầu khi các nhân sự cấp cao của Thiên Long bắt đầu thay đổi nhanh hơn, từ đó tạo ra kết quả tích cực. Cũng phải khẳng định rằng văn hóa về sự thay đổi của Thiên Long sẽ không dừng lại.

Nhưng chắc phải có những cơ sở để bà tự tin tiến hành sự thay đổi như trong năm qua?

– Trước khi trở thành CEO của tập đoàn vào tháng 6-2021, tôi đã có 10 năm làm việc ở vị trí giám đốc tài chính kiêm trợ lý cho ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT, một khoảng thời gian đủ lâu để thấu hiểu Thiên Long. Tôi được HĐQT đặt niềm tin và có niềm tin vào sự thay đổi. Tôi đề cao văn hóa đổi mới và sẵn sàng chiến đấu với bất cứ gì cản trở văn hóa này. Thách thức chắc chắn sẽ xuất hiện, nhưng cứ đổi rồi sẽ có mới thôi.

Nhưng tôi tin rằng điểm thuận lợi nhất là vì tình yêu với nơi mình làm việc. Gắn bó đủ lâu để xem công ty như nhà, thậm chí là máu thịt của mình, tôi luôn có một nguồn năng lượng không bao giờ cạn để nghĩ ra những điều mới, những thứ cần cải thiện và thay đổi.

Tôi quan niệm văn hóa làm việc của Thiên Long không chỉ là sự nỗ lực về nghiệp vụ mà còn hướng về trái tim nhiều hơn. Người Thiên Long làm việc còn dựa trên cảm xúc, không chỉ đơn thuần là những con số hay quy trình khô khan, có như thế mới làm ra được những sản phẩm mang cảm xúc và đem lại trải nghiệm cho khách hàng. Tôi nghĩ chính tình yêu giúp mình có đủ can đảm để thay đổi, còn sự trăn trở tìm tòi hướng đi làm cho sự can đảm đó không như lâu đài xây trên cát, chỉ có một trong hai thì đều sẽ thiếu.

Quay trở lại với câu chuyện kinh doanh, Thiên Long có dự định gì trong bối cảnh thị trường chung gặp khó khăn và để đón đầu xu hướng tương lai?

– Ở góc độ tổng thể, sau khi phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19, ngành bán lẻ trong năm nay sẽ phải đối mặt với những thách thức về lạm phát, lãi suất tăng cao ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu của người tiêu dùng. Nhóm hàng thiết yếu như văn phòng phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, tuy nhiên vẫn tồn tại những rủi ro ngắn hạn như giảm đầu tư và dự trữ hàng hóa tại các điểm bán.

Thời gian tới cũng sẽ khó khăn hơn khi ngày càng nhiều đối thủ tìm đến thị trường vẫn đang tăng trưởng bình quân chưa tới 7% mỗi năm, đặc biệt là khi Trung Quốc mở cửa khiến sự cạnh tranh thêm khốc liệt. Sản lượng dự báo sẽ tăng lên không nhiều nhưng Thiên Long tự tin bù lại bằng chất lượng và sự sáng tạo.

Trong thời gian qua, Thiên Long cũng tập trung vào xu hướng chung của ngành là tăng cường yếu tố sáng tạo, gia tăng trải nghiệm, cảm xúc cho khách hàng. Điều này thể hiện rõ qua các sản phẩm mới ra mắt trong năm qua như các bộ sản phẩm Pazto, sáp màu đa năng, bút vẽ trên vải,….

Mặt khác, ngoài tăng giá trị sản phẩm hiện hữu, Thiên Long tiếp tục chiến lược đa dạng hoá sản phẩm với thông điệp “đọc tri thức – viết sẻ chia – vẽ tâm hồn”. Dải sản phẩm của Thiên Long đã mở rộng với sự phát triển của dòng DIY và STEAM, mà trong đó Clever Box là một điểm nhấn quan trọng. Thiên Long hiện còn đầu tư và hợp tác với PEGA, một công ty về xuất bản để phát triển sách và sản phẩm tri thức trong tương lai.

Xưa nay, các sản phẩm văn phòng phẩm có giá thấp đến mức đau lòng. Tôi cho rằng đã đến lúc phải định vị giá trị và định giá mới cho sản phẩm văn phòng phẩm. Thiên Long đang nỗ lực thay đổi điều này, bằng cách tăng giá bán gắn liền tăng giá trị sản phẩm. Chúng tôi không lo về dư địa thị trường, nhưng luôn trăn trở về nền tảng để tăng trưởng trong dài hạn.

Xin cảm ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới