Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CEO trên thế giới giảm lương để chia sẻ tổn thất do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CEO trên thế giới giảm lương để chia sẻ tổn thất do Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Từ Singapore cho đến Mỹ, giới lãnh đạo doanh nghiệp đang chấp nhận cắt giảm lương khi họ muốn nêu gương và chia sẻ tổn thất của công ty do tác động của dịch bệnh virus corona chủng mới (Covid-19).

CEO trên thế giới giảm lương để chia sẻ tổn thất do Covid-19
Một cửa hàng của Công ty bán lẻ mỹ phẩm Sa Sa International ở Hồng Kông. Ảnh: SMCP

Các CEO đua nhau giảm lương

Trong những tuần gần đây, các lãnh đạo và thành viên hội đồng quản trị ở hàng chục công ty trên thế giới đã đồng ý giảm hoặc không nhận lương khi chứng kiến những thiệt hại nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 đang giáng vào hoạt động kinh doanh của công ty họ.

Các thông báo cắt giảm lương đặc biệt dễ thấy ở các hãng hàng không. Lãnh đạo của nhiều hãng hàng không tự nguyện giảm lương ngay cả trước khi Mỹ thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với du khách đến từ 26 nước châu Âu, một động thái khiến cổ phiếu của các hãng hàng không và du lịch ở châu Âu giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Cách đây hơn hai tuần, ban lãnh đạo của hàng hàng không Thai Airways (Thái Lan) thông báo tự nguyện giảm 15-25% lương trong 6 tháng do lượng hành khách giảm mạnh.

Hành động này nhận được sự hưởng ứng của ban lãnh đạo hàng loạt hãng hãng hàng không khác như El Al Israel Airlines (Israel), Singapore Airlines (Singapore), Air New Zealand (New Zealand), Qantas Airways (Úc), Virgin Atlantic (Anh),  Scandinavian Airlines (Thụy Điển), Cebu Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Philippines…

Tại Hàn Quốc, Han-Chang Soo, Giám đốc điều hành (CEO) hãng hàng hàng không Asiana Airlines, tự nguyện giảm 40% lương năm. Các lãnh đạo cấp dưới của hãng này cũng đồng ý giảm 20-30% lương.

Tại Mỹ, CEO Oscar Munoz và Chủ tịch Scott Kirby của hãng hàng không United Airlines tự nguyện không nhận lương cơ bản cho đến ít nhất là tháng 6. Gary Kelly, CEO hãng hàng không Southwest Airlines, đồng ý giảm 10% lương năm. Và Robin Hayes, CEO hãng hàng không JetBlue Airways. tự nguyện giảm 20% lương cơ bản.

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo các hãng bay trên toàn cầu sẽ tổn thất doanh thu vận chuyển hành khách từ 63-113 tỉ đô la Mỹ trong năm nay tùy vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong thời gian.

Dịch bệnh Covid-19 đang làm cạn kiệt dòng tiền ở các công ty trong nhiều ngành kinh doanh chứ không chỉ ngành vận tải hàng không.

Hồi đầu tháng 3, ban lãnh đạo từ cấp phó chủ tịch trở lên của Công ty bưu chính quốc gia Singapore (SingPost) đồng ý giảm 5% lương để chia sẻ khó khăn với công ty.  Tình hình kinh doanh của SingPost đang u ám do đơn hàng vận chuyển hàng hóa và bưu kiện đến và đi từ Singapore giảm mạnh do tác động của dich bệnh Covid-19.

Trước đó, Goh Choon Phong, CEO hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines và các thành viên hội đồng quản trị, tự nguyện giảm 15% bắt đầu từ tháng 3. Các lãnh đạo khác cấp cao khác hãng bay này chấp nhận giảm 7-12% lương bắt đầu  từ tháng 4. Các lãnh đạo doanh nghiệp khác ở Singapore như Quỹ đầu tư vốn nhà nước Temasek Holdings, Tập đoàn bất động sản CapitaLand, Công ty vận tải công công SMRT và Công ty dịch vụ hàng không SATS đều tuyên bố các quyết định giảm lương tương tự để bày tỏ đoàn kết với các cổ đông trong thời điểm tình hình kinh doanh khốn khó.

Tại Hồng Kông, các thành viên hội đồng quản trị của Công ty kinh doanh nữ trang Chow Tai Fook tự nguyện giảm 30% lương cho đến tháng 4. Doanh số của chuỗi cửa hàng nữ trang này tại Trung Quốc lục địa và Hồng Kông lần lượt 42% và 60% trong hai tháng đầu năm nay do người dân ở nhà tránh dịch bệnh.

Trước tình hình kinh doanh ế ẩm, 9 thành viên hội đồng quản trị và hai lãnh đạo cấp cao của chuổi nhà hàng Tsui Wah của Công ty Tsui Wah Holdings ở Hồng Kông cũng tự nguyện giảm 30% lương trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 2.

Trong khi đó, hồi giữa tháng 2, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm lớn nhất Hồng Kông Sa Sa International cho biết cắt giảm 75% lương của ban lãnh đạo trong 3 tháng. Lương của toàn bộ nhân viên cũng sẽ bị cắt giảm 40%. Sa Sa International cũng thông báo tạm thời đóng cửa bớt 21 cửa hàng ở Hồng Kông và Macau. Tại Úc, hai hãng lữ hành của Úc Helloworld Travel và Webjet vừa thông báo cắt giảm lương của ban lãnh đạo cấp cao từ 20- 30%

Người đứng đầu nêu gương

Trong một số trường hợp, việc cắt giảm lương trên nằm trong kế hoạch cắt giảm chi phí tài chính chung của công ty bao gồm cho các nhân viên nghỉ phép không lương hoặc cắt giảm lương trên quy mô toàn thể công ty. Nhưng có nhiều CEO tự nguyện cắt giảm lương của họ để thể hiện sự đoàn kết với công ty và cổ đông trong thờ khắc khó khăn.

Quyết định tự nguyện giảm lương của các CEO thường mang tính biểu tượng vì không làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính của công ty họ. Lương chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong gói thù lao mà họ nhận được tại các công ty đại chúng lớn tại Mỹ. Phần lớn thù lao của họ đến từ khoản thưởng tiền mặt hoặc cổ phiếu dựa vào kết quả kinh doanh hàng năm. Chẳng hạn như tổng thu nhập của Gary Kelly, CEO Southwest Airlines vào năm 2018 là gần 8 triệu đô la, trong đó, lương cơ bản chỉ chiếm 750.000 đô la. Việc ông tự nguyện giảm 10% lương chỉ giúp tiết kiệm cho công ty ông khoảng 75.000 đô la.

Tuy nhiên, việc các CEO tự nguyện giảm lương là nhằm nêu gương trước các nhân viên và có thể dọn đường để công ty họ tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng khác quyết liệt hơn bao gồm giảm lương toàn bộ nhân sự nếu tình hình kinh doanh tồi tệ thêm.

Michael Maslansky, CEO của hãng tư vấn truyền thông Maslansky + Partners, nói: “Bất cứ CEO nào yêu cầu giảm lương đối với nhân viên trong thời khắc tình hình tài chính căng thẳng, câu hỏi đầu tiên của họ luôn là: ‘Vậy bạn có cảm nhận khó khăn của nhân viên không’. Cách duy nhất để có thể  thuyết phục cắt giảm lương toàn thể nhân viên là ban lãnh đạo phải đi đầu làm gương”.

Ông giải thích thêm: “Các CEO nhận thức rõ thị trường và công chúng sẽ phản ứng như thế nào khi chứng kiến những đồng nghiệp của họ đang tự nguyện giảm lương. Vậy nên khi có CEO tiên phong giảm lương, các CEO khác sẽ nhanh chóng theo sau”, Maslansky nói.

Robin Ferracone, CEO Công ty tư vấn thù lao lãnh đạo doanh nghiệp Farient Advisors, nói. “Việc cắt giảm lương rộng rãi có thể làm tổn thương những nhân viên cấp thấp trong tổ chức hơn là những nhân sự lãnh đạo một phần là vì gói thù lao của những người nắm các chức vụ cao cấp thường bao gồm các khoản thưởng khác thường không bị cắt giảm”.

Theo Bloomberg, Straits Times, SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới