Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CEO Việt không muốn ngồi kêu khổ nữa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CEO Việt không muốn ngồi kêu khổ nữa!

Hồng Phúc

CEO Việt không muốn ngồi kêu khổ nữa!
Các CEO trẻ của doanh nghiệp Việt bên lề CEO Forum 2014.

(TBKTSG Online) – Các CEO tại Việt Nam không muốn ngồi kêu khổ, than khó. Họ muốn làm nhiều hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn và thể hiện tinh thần chủ động của người kinh doanh. Trong hành trình ấy họ muốn được Chính phủ song hành thực chất hơn.

Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng nhanh và không thể cưỡng lại được.

“Tất cả những gì đang xảy ra ngoài Việt Nam sẽ không tách khỏi mình. Các nước đã chuẩn bị hết sức ráo riết cho cuộc chơi hội nhập thì chúng ta lại càng phải tập trung cho nó. Chưa bao giờ nhu cầu liên kết và bắt tay của doanh nghiệp Việt Nam lên cao như vậy”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói tại CEO forum 2014, diễn ra tại TPHCM ngày 24-9.

Hàng ngàn CEO, đại diện giới điều hành các doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung tại diễn đàn lớn nhất dành cho CEO Việt (Vietnam CEO forum 2014) tại TPHCM ngày 24-9. Họ chia sẻ, đưa ra nhiều vấn đề về kinh doanh và tập hợp kiến nghị gửi cho các nhà điều hành kinh tế.

Ông Lê Trí Thông – Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn The Boston consulting group (BCG) nói: "Chúng tôi đưa ra những sáng kiến, muốn cùng làm với Chính phủ. Chúng tôi không muốn ngồi kêu khổ và dừng lại ở đó. Chúng tôi muốn thuyết phục Chính phủ với những đề xuất đó, thì Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều có lợi".

Tại diễn đàn này, một vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm là tinh thần khởi nghiệp. Ở thời điểm hiện nay, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng lên rất nhiều nhưng số doanh nghiệp mới thành lập cũng không kém.

“Hai trăm ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng hoạt động thời gian qua và trong số đó ít nhất hai phần ba sẽ khởi nghiệp lại, chưa kể mỗi ngày thêm hàng trăm doanh nhân mới bước chân vào thương trường. Đó sẽ là những người làm chủ cuộc chơi 5-10 năm tới. Ai sẽ là người cổ vũ, động viên, định hướng và hỗ trợ họ?”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, “Các nước rất chú trọng tinh thần kinh doanh. Tôi thấy mỗi người Việt trẻ đều có tinh thần đó. Nếu không cổ vũ và định hướng cho một tinh thần khởi nghiệp với tầm nhìn dài hạn thì sẽ còn những người làm ăn chú trọng đánh quả, lướt sóng, ngắn hạn chứ không chú trọng tham gia chuỗi kinh doanh, bắt tay nhau và tạo ra giá trị”.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán HSC, nói rằng theo ông cốt lõi của vấn đề là còn nhiều người làm kinh doanh chưa thoát ra được tư duy ngắn hạn, không ai dám chờ đến một tương lai mà thích ăn ngay. Vì thế mà lướt sóng, vì thế mà không ai giúp ai. Và doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tạo cơ chế đẩy các doanh nghiệp vào một sân chơi mang tính lâu dài.

Liên quan đến câu chuyện tư duy ngắn hạn, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) – đưa ra ví dụ rất cụ thể. Bà cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ đang lo lắng vì đại gia bán lẻ từ  Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam và chúng ta thấy những sự kiện này có vẻ như thời sự nhưng thật ra “người ta đã được chuẩn bị từ lâu rồi, chỉ là chúng ta không quen nên bị bất ngờ”.

“Các anh làm quản lý, nghiên cứu đã từng chỉ ra rằng chúng ta bị những hạn chế rất căn bản về quan điểm của chúng ta đối với hoạt động phân phối, bởi vì trong nền kinh tế bao cấp trước đây chúng ta không nhìn nhận vai trò của phân phối. Trong chuỗi giá trị như vậy, chúng ta chỉ quan tâm tới khâu sản xuất, còn phân phối đối với chúng ta là không tạo ra giá trị, có thời kỳ bị kỳ thị, gọi là buôn đầu chợ bán cuối chợ, là gian thương, là con buôn cho nên tư duy đó vô hình ăn sâu vào chính sách”, bà Hạnh nói.

Bà nghiên cứu thấy rằng Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan đều có chương trình hỗ trợ cho nhà phân phối và doanh nghiệp của người ta rất khôn ngoan, không vướng cái gì về các nguyên tắc của WTO và người ta hội nhập cũng rất hiệu quả, còn mình thì hầu như là bị vướng.

Bà Hạnh cho biết bà và cộng sự từng trình bày với Thủ tướng về việc có chiến lược đường dài và khuyến khích phân phối, Thủ tướng rất đồng tình nhưng khi đưa ra các bộ thì không có bộ nào ủng hộ. Lý do, vì người ta vẫn nghĩ là phân phối không tạo ra giá trị, không mắc mớ gì phải ủng hộ. Đó là chưa kể trong tư duy của lãnh đạo địa phương rất thích dành đất cho nhà đầu tư nước ngoài, thay vì các nhà phân phối trong nước.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nói rằng nếu ông là doanh nghiệp thì chỉ yêu cầu Chính phủ có tầm nhìn gắn với hai điểm cơ bản, cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng. Cải cách thế chế gồm: giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng mà trong đó cải cách khu vực nhà nước đóng vai trò cột trụ, xây dựng luật lệ Việt Nam tương thích với cam kết quốc tế và thực thi tử tế.

Trong chủ đề chuẩn bị tinh thần cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham dự các cuộc chơi lớn hơn, ở những thị trường mới mà các biên giới đang bị xóa nhòa, các doanh nhân chia sẻ rất nhiều đề tài trong các ngành, lĩnh vực, các cơ hội kinh doanh, sự băn khoăn và kinh nghiệm của những người đi trước.

Trước câu hỏi thị trường ở đâu? Họ đều đồng tình rằng thị trường ở trước mắt ta. Và khi giới kinh doanh bên ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, mua bán sáp nhập, đầu tư, mở cửa hàng thì chúng ta sao còn ngồi một chỗ? Họ đề nghị được gặp gỡ người đại diện của Chính phủ định kỳ hàng quý để đưa ra các kiến nghị của mình.

Một số kiến nghị các CEO đề xuất lên chính phủ

Phối hợp mang tính chủ động giữa Chính phủ và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề trong môi trường kinh doanh.

Tư duy đúng về vai trò của thị trường, kênh phân phối trong sự vận hành của nền kinh tế.

Giải quyết vấn đề tư duy ngắn hạn, tu duy thực dụng theo hướng "mì ăn liền", chụp giật.

Cải thiện chất lượng của chính sách, tổ chức thực thi.

Thông tin cho doanh nghiệp cập nhật và đầy đủ về chính sách mới trong quản lý thị trường, nền kinh tế, hợp tác quốc tế.

Tạo sự bình đẳng giữa các nhóm doanh nghiệp dân doanh, nhà nước, nước ngoài… bằng việc bình đẳng hóa cơ hội và lợi ích.

Xây dựng niềm tin của cộng đồng kinh doanh với nhà nước bằng việc làm thực sự chứ không chỉ nói mà không làm.

Đẩy mạnh tiếp thị thương hiệu quốc gia.

Mời đọc thêm

Các CEO muốn ‘nói thẳng nói thật’ với Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới