Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chậm mà chắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chậm mà chắc

Một khu vực trồng thanh long của Hợp tác xã thanh long Hàm Minh – Ảnh: NGỌC THU

(TBKTSG Online)- Nằm cách Phan Thiết hơn 20 cây số, Hợp tác xã thanh long Hàm Minh là một trong ba doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu của tỉnh Bình Thuận và đang có triển vọng vào được thị trường Mỹ.

Xây dựng thương hiệu từ những bước đầu

Vào năm 2005, Hợp tác xã thanh long Hàm Minh ra đời từ một dự án hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Cơ sở đặt tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình thuận.

Theo chương trình của USAID, các xã viên được tham gia các lớp tập huấn sản xuất thanh long theo quy trình khép kín từ khâu làm đất, xuống giống đến bón phân, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Trái thanh long sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, làm khô, phun bột bảo quản để diệt nấm bệnh, vi khuẩn, đóng gói theo quy trình trong phòng tiền vô trùng và chuyển vào kho lạnh trước khi xếp vào container. Tất cả nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Trong những ngày đầu mới thành lập, Hàm Minh có 16 xã viên. Song với chương trình tập huấn phức tạp, người nông dân không quen với những con số, sản phẩm lại chưa có đầu ra, số thành viên giảm dần, giờ chỉ còn 11 thành viên với diện tích trồng là 31,7 héc ta.

Ngày 10-11-2006, Hợp tác xã thanh long Hàm Minh trở thành doanh nghiệp thanh long đầu tiên của Việt Nam nhận được chứng chỉ Eurep GAP. Đây được xem như giấy thông hành để trái thanh long Việt Nam vào được thị trường châu Âu. Từ đây, USAID cũng kết thúc chương trình tài trợ của mình.

Quyết tâm theo đuổi xuất khẩu trực tiếp

Chuyến hàng đầu tiên của Hàm Minh là 500kg thanh long xuất khẩu sang Metro châu Âu để bán tại các siêu thị nước Đức vào tháng 8-2006. Trong năm đầu tiên được cấp chứng chỉ, Hàm Minh chỉ xuất khẩu vỏn vẹn 10 tấn.

Các khu đất trồng thanh long đều được phân lô để truy xuất nguồn gốc trái, một trong những yêu cầu của tiêu chuẩn Eurep GAP – Ảnh: NGỌC THU

Năm 2007, số lượng xuất khẩu của Hàm Minh tăng lên 80 tấn, và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2008, con số này đã tăng đến 300 tấn.

Với phương châm “chậm mà chắc”, thanh long Hàm Minh từ chỗ xuất khẩu hầu hết qua trung gian đã bắt đầu tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu trực tiếp để khẳng định thương hiệu và thu về lợi nhuận cao hơn cho hợp tác xã. Chứng chỉ Eurep GAP chỉ có giá trị một năm và mỗi năm thanh long Hàm Minh đều tiến hành xin cấp lại.

Ông Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm hợp tác xã, đã đưa trái thanh long Hàm Minh tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường. 

Trong những ngày này, Thanh long Hàm Minh đang gấp rút chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối cùng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ trước khi cấp chứng chỉ. Cánh cửa vào thị trường Mỹ sẽ được quyết định vào tuần sau.

Hiện đã có nhiều công ty đề nghị mua lại thanh long của Hàm Minh để xuất khẩu. Nhưng hợp tác xã vẫn xác định xuất khẩu trực tiếp là ưu tiên hàng đầu.

“Thanh long Hàm Minh muốn nhận được những đơn hàng xuất khẩu trực tiếp thì hợp tác xã phải chú trọng xây dựng thương hiệu. Đây là bước đi lớn tiếp theo mà Hàm Minh phải làm sau khi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ”, ông Nguyễn Thuận khẳng định.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp trồng thanh long tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp phải khẳng định vị thế của mình để có thể xuất khẩu trực tiếp qua các thị trường lớn, trong đó có châu Âu và Mỹ.  

Xuất khẩu trực tiếp, doanh nghiệp chưa quan tâm!  

Bình Thuận là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với gần 10.000 héc-ta. Trong 5 tháng đầu năm 2008, tỉnh đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn thanh long, hầu hết qua trung gian.

Trong toàn tỉnh Bình Thuận có 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long nhưng số lượng xuất khẩu trực tiếp chỉ có 9. Điều này là nguyên nhân khiến cho người trồng thanh long luôn bị ép giá và đầu ra không ổn định.  

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, một số doanh nghiệp hiện nay chưa đặt nặng vấn đề xuất khẩu trực tiếp. Họ chấp nhận bán cho doanh nghiệp khác xuất khẩu như một điều mặc nhiên của doanh nghiệp nhỏ chứ không chú trọng tìm kiếm khách hàng và quảng bá thương hiệu.

THANH THƯƠNG – NGỌC THU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới