Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chân dung một vùng quê sát nách Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chân dung một vùng quê sát nách Sài Gòn

Một con đường lầy lội ở Hiệp Phước – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Cách trung tâm TPHCM chưa đầy 20 cây số, Hiệp Phước, vùng đất tận cùng phía Nam huyện Nhà Bè, vẫn còn nguyên nét sông nước Nam bộ nhưng chắc không còn giữ được lâu vì đô thị hóa đã lan đến đây.

Hiệp Phước vào một ngày cuối tháng 5 thật thanh bình. Nắng chạy dài theo con rạch xanh ngắt bờ dừa nước. Từng dãy vuông tôm nối liền nhau hai bên con đường làng khúc khuỷu. Gió nhẹ nhàng vỗ về đồng ruộng hiếm hoi còn lại. Chiếc xe máy chầm chậm chạy qua những cây cầu bê tông bé xíu. Đây ấp 4, ấp 3, ấp 2, ấp 1… Những mái nhà tôn, vách lá xập xệ bên mương lạch chằng chịt đỏ ngầu.

Cái nghèo thấy rõ

Nằm bên dòng sông cái Soài Rạp, cửa ngõ của thành phố về giao thông thủy, xã Hiệp Phước là vùng đất rộng, người thưa (12.000 người/2.600 héc ta).

Theo ông Nguyễn Thanh Thoản, Phó chủ tịch xã Hiệp Phước: “Xã tui nghèo lắm!”. Có thể phác họa chân dung vùng quê này qua cuộc khảo sát mới đây của Tổ nghiên cứu chuẩn bị đề án “Nông dân góp vốn bằng tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất vào Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh Khu đô thị cảng Hiệp Phước”.

Kết quả khảo sát 378/2.109 hộ dân ở Hiệp Phước cho thấy có đến 11% hộ gia đình cho biết trồng cây nông nghiệp và mò cua bắt ốc là nguồn thu nhập chính của họ. Cả xã có gần 2.000 héc ta đất nông nghiệp, trong đó đất trồng lúa chiếm gần một nửa. Nhưng đó chỉ là số liệu quản lý hành chính về đất đai.

Theo nhóm khảo sát, phần lớn đất trồng lúa đang bỏ hoang do năng suất thấp hoặc người dân đã bán cho những “ông chủ” ở nội thành; chỉ có một diện tích rất nhỏ đang canh tác lúa cho thu nhập khoảng 700.000 đồng/héc ta/vụ. Khoảng 500 héc ta đang được người dân nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập trên 10 triệu đồng/héc ta/vụ nhưng rất bấp bênh, do nguồn nước vùng này đã bị ô nhiễm. Diện tích còn lại là dừa nước, cây lâu năm, cây ăn quả nhưng không mang lại thu nhập bao nhiêu.

Thực tế thu nhập và chi tiêu của người dân gần như bằng nhau nên mức tích lũy rất thấp. Cụ thể thu nhập bình quân/năm của một hộ (5-6 thành viên) là 2.056.559 đồng trong khi chi tiêu là 1.922.456 đồng. Phần lớn các khoản chi dành cho nhu yếu phẩm như lương thực, thực phẩm và hàng hóa tiêu dùng. Điều đáng lo là, có đến 49,5% hộ gia đình thu không đủ chi, trong đó một số hộ phải vay tiền và bán đất để sinh sống.

Mức độ nghèo còn thể hiện khá rõ ở nhà cửa tạm bợ và vật dụng gia đình kém tiện nghi. Có đến 93% là những căn nhà thô sơ, trong đó 47% được dựng bằng cây gỗ và lá dừa ọp ẹp, 46% nhà xây bằng tường gạch xi măng kết hợp với tôn, lá dừa. Có thể nói, trừ các trụ sở cơ quan nhà nước, trụ sở công ty… số nhà xây kiên cố ở đây đếm được trên đầu ngón tay.

Độ tuổi trung bình của người dân khá trẻ (trung bình 29 tuổi), trong đó độ tuổi có khả năng lao động (18 – 40) chiếm trên 40%. Tuy nhiên, trình độ học vấn rất thấp, trung bình số năm đi học chỉ 5,78 lớp (có đến 9% người dân mù chữ và 76% có trình độ từ cấp hai trở xuống).

Đã nghèo còn gặp khó

Hiện tại, ra – vào khu vực Hiệp Phước chỉ có một cửa ngõ duy nhất, theo tuyến đường Nguyễn Văn Tạo (nối với trục đường Bắc – Nam, Nguyễn Hữu Thọ). Cả xã cũng chỉ có một tuyến đường nhựa liên xã là đường Nguyễn Văn Tạo dài 6,5 cây số; còn lại là các con đường đất đỏ và rải đá cấp phối. Một số khu vực không có đường cho xe gắn máy chạy. Diện tích đất giao thông trên diện tích đất toàn xã quá thấp – dưới 0,3%.

Trưa 30-5, trời nắng chang chang nhưng con đường vào ấp 4 thì lầy lội, nhiều “ổ gà” lớn đọng nước sình đất đỏ. Người dân ở đây cho biết, khi trời mưa, rất nhiều đoạn bị chìm trong nước, xe gắn máy đi lại rất khổ sở. Mùa này, đến Hiệp Phước sẽ thấy cảnh nhiều ngôi nhà nằm chơ vơ giữa đồng nước nổi.

Chỉ một số ít dân sống dọc theo đường chính mới có nước sạch để dùng (do thành phố cấp); còn lại phần lớn người dân vẫn dựa vào nguồn nước mưa, là nguồn nước sinh hoạt chính. Nếu dự trữ nước mưa không đủ dùng quanh năm, họ phải mua nước sạch với cái giá lên đến 40.000-45.000 đồng/mét khối, trong khi Hiệp Phước chỉ cách trung tâm TPHCM khoảng 20 cây số.

Anh Thạch D., quê Trà Vinh, người nuôi tôm thuê cho một ông chủ vuông tôm ở ấp 4, xã Hiệp Phước vừa chỉnh lại cái máng tre hứng nước từ mái chòi lá vừa nói: “Trời mà không mưa là không có nước xài”. Xong, anh đi chỉnh lại những bóng đèn điện quanh các vuông tôm. Anh than: “Điện ở đây chậm chờn lắm, vì phải câu lại qua nhiều hộ dân”.

Khảo sát cũng cho thấy chỉ có những hộ ở gần khu trung tâm và trục đường chính được sử dụng điện trực tiếp từ mạng lưới, còn những hộ ở xa phải câu  lại điện với chi phí cao, có nơi gấp 10 lần so với giá gốc. Thậm chí ở ấp 4 có những khu vực người dân phải thắp đèn dầu vì lưới điện chưa phủ tới.

Và… bán đất

Khi dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước được công bố, giới đầu tư và đầu cơ khắp nơi ùn ùn kéo về Hiệp Phước để mua đất. Theo ông Nguyễn Thanh Thoản, Phó chủ tịch xã, việc chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nở rộ từ giữa năm 2007. Trong khi đất thuộc dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước được đền bù với giá 82.000 đồng/mét vuông thì đất nông nghiệp ở ấp 2, 3, 4 được bán với giá 100.000 đồng/mét vuông, thậm chí 140.000, 150.000 đồng/mét vuông, theo ông Thoản.

Khảo sát cho thấy có đến 36,8% hộ dân bán đất. Người dân bán đất là để trả nợ do thất thu từ nuôi tôm (33,1%), chi xài hàng ngày (27,2%); xây nhà, lo ma chay, cưới hỏi… Chỉ có 8,8% số hộ bán đất để đầu tư kinh doanh và cho con cái ăn học.

Tỷ lệ hộ dân ở Hiệp Phước bán đất có thể cao hơn nhiều vì từ sau cuộc khảo sát người dân vẫn tiếp tục bán đất. Chỉ gần đây, chính quyền TPHCM mới chỉ đạo tạm dừng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở Hiệp Phước. Thế nhưng, theo ông Thoản, đã có không ít người dân lên xã thắc mắc: “Sao ngưng chuyển nhượng lâu thế!”.

QUANG CHUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới