Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chẳng lẽ bó tay với vi phạm về môi trường?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chẳng lẽ bó tay với vi phạm về môi trường?

Thạc sĩ luật Đỗ Văn Hào (*)

(TBKTSG) – Mấy ngày nay, việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái bị người dân phát hiện chôn lấp các thùng chứa thuốc trừ sâu xuống đất trong khuôn viên nhà máy tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã gây bức xúc trong dư luận. Có thể nói đây là hành vi chưa từng có trong các vi phạm về môi trường bị phát hiện. Về mặt hậu quả độc hại, nhiều người ví nó còn khủng khiếp hơn cả hành vi rải chất độc dioxin của quân đội Mỹ xuống miền Nam trước đây.

Tại sao lại có chuyện các doanh nghiệp liên tục gây ô nhiễm môi trường với mức độ ngày càng nghiêm trọng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật như vậy?

Thuốc trừ sâu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường là loại chất thải nguy hại, có tính chất đặc biệt nguy hiểm, xử lý 1 tấn chất thải loại này phải tốn chi phí từ 50-100 triệu đồng. Như thế, doanh nghiệp có thể sẵn sàng chôn lấp và tiêu hủy chất thải theo cách trái pháp luật. Nếu có bị phát hiện, hành vi này cũng không thể bị xử phạt quá 500 triệu đồng theo Nghị định 117/2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường. Rõ ràng lợi ích của vi phạm là lớn hơn nhiều. Được biết, Nicotex Thanh Thái cũng mới chỉ từng bị xử phạt một lần với mức 12,5 triệu đồng cho hành vi vận chuyển chất thải không đúng quy định, một mức phạt quá nhẹ!

Điều đáng bàn hơn nữa là việc xử lý hành vi vi phạm môi trường theo Bộ luật Hình sự hiện cũng đang đi vào bế tắc. Rõ ràng vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường đã được cảnh báo và coi trọng từ lâu, Bộ luật Hình sự đã quy định rõ những hành vi vi phạm về môi trường, đặc biệt Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2009 đã quy định rõ tới 11 loại tội về môi trường, trong đó có tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại. Thế nhưng đến giờ này vẫn chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền nào giải thích về khái niệm “gây hậu quả nghiêm trọng” của hành vi này, là cái cớ cho việc nại khó khăn trong xử lý hình sự tội phạm môi trường. Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về việc này?

Trong vụ chôn thuốc trừ sâu tại Công ty Nicotex Thanh Thái, chính giám đốc trước đây của công ty này đã thừa nhận việc chỉ đạo chôn lấp, vậy liệu có thể xử lý hình sự được chưa, hay vẫn mãi điệp khúc “khó xử lý hình sự vi phạm môi trường đối với pháp nhân”?

____________________________________

(*) Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới