Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chánh án Tòa án tối cao thừa nhận có án oan, sai do bức cung, nhục hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chánh án Tòa án tối cao thừa nhận có án oan, sai do bức cung, nhục hình

Quang Chung

Chánh án Tòa án tối cao thừa nhận có án oan, sai do bức cung, nhục hình
Ảnh: Q. Chung

(TBKTSG Online) – Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 13-3-2015, Chánh án Tòa án tối cao Trương Hòa Bình thừa nhận có án oan, sai do bức cung, nhục hình (trong điều tra) và trọng cung hơn trọng chứng (trong xét xử).

Những vụ án kêu oan lớn

Trước khi chất vấn Chánh án Tòa án tối cao về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai, đại biểu Đỗ Văn Đương đã nhắc lại một số vụ án kêu oan nổi cộm trong thời gian vừa qua, như vụ Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Bá Mai (Bình Phước), Hàn Đức Long (Bắc Giang)…

Rồi đại biểu Đương hỏi: (i) Tử tù Hồ Duy Hải (giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi, Long An – NV) và tử tù Nguyễn Văn Chưởng (người dùng tăm thêu đơn kêu oan lên áo – NV) có bị oan không? (ii) Tại sao cùng một hành vi như nhau (hiếm dâm trẻ em, giết người) nhưng Hàn Đức Long bị xử tử hình còn Nguyễn Bá Mai chỉ bị chung thân? (iii) Tù nhân (chung thân) Huỳnh Văn Nén có đơn kêu oan từ năm 2000 nhưng sao suốt 16 năm qua không được các cơ quan chức năng xem xét?…

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết các vụ án được đề cập trên, ngoài vụ Nguyễn Thanh Chấn đã xác định là oan, năm vụ còn lại đang được các cơ quan tố tụng xem xét giải quyết một cách thận trọng. “Nếu oan thì giải oan, nếu có tội thì buộc tội để không bỏ lọt tội phạm”, ông Bình nói.

Về vụ Hồ Duy Hải, do không bắt quả tang nên có khó khăn trong công tác điều tra. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm Hải đã nhận tội nên bị kết án tử hình. Đến phiên phúc thẩm, Hải không nhận tội nhưng vì không chứng minh được mình vô tội (lẽ ra các cơ quan tố tụng phải chứng minh Hải có tội) nên tòa tuyên y án. Ông Bình cho rằng, dù có sai sót trong khâu thu thập chứng cứ, điều tra xét hỏi (trong vụ này) nhưng những sai sót đó không làm ảnh hưởng đến vụ án nên cơ quan chức năng không có cơ sở kháng nghị nên Chủ tịch nước đã bác đơn xin giảm án của Hải.

Tuy nhiên, “vì tôn trọng nguyện vọng của gia đình, Chủ tịch nước yêu cầu xem xét kỹ lại vụ án này nên chúng tôi thành lập đoàn liên ngành để xem xét lại một lần nữa để đi đến việc xử lý cho đúng đắn”, ông Bình nói.

Về tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Tòa án tối cao không chấp thuận kháng nghị vì Chưởng tuy không trực tiếp giết người nhưng là người chủ mưu, cầm đầu nên phải chịu trách nhiệm. “Đây không phải là vụ án oan nhưng phải chờ kết luận giám sát của Quốc hội”, ông Bình nói.

Còn vì sao cùng một hành vi như nhau nhưng tòa án tỉnh này xử tử hình, tòa án tỉnh kia xử chung thân hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Theo ông Bình, khung hình phạt cho hành vi hiếp dâm trẻ em, giết người rất rộng (từ 20 năm đến tử hình) nên các Hội đồng xét xử tùy mức độ nghiêm trọng của vụ án mà tuyên án. Tuy nhiên, vụ án Hàn Đức Long đã bị hủy điều tra lại theo kháng nghị của Chánh án tòa án tối cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), nhắc lại câu hỏi của đại biểu Đương: “Trong hơn 15 năm ông Huỳnh Văn Nén ngồi tù, gia đình ông liên tục kêu oan tại sao không được xem xét?” Ông Chánh án thừa nhận để xảy ra tình trạng này có trách nhiện của Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao. “Xem trên hồ sơ thấy đủ căn cứ nên không xem xét kỹ. Tới đây sẽ nổ lực để khắc phục thiếu sót”, ông Bình nói.

Oan, sai do đâu?

Theo ông Trương Hòa Bình, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có 35 trường hợp có đơn kêu oan. Hiện đã giải quyết được 24 trường hợp, chưa thấy có trường hợp nào oan nhưng có 3 trường hợp có sai nên đã có kháng nghị. 11 vụ còn lại đang được giải quyết. “Những vụ oan sai nổi cộm hiện nay là của giai đoạn trước”, ông Bình nói.

Để “hỗ trợ” Chánh án Trương Hòa Bình, lý giải nguyên nhân dẫn đến oan sai, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết oan sai có một phần là do bức cung, nhục hình. Ông đưa ra dẫn chứng là vụ Ngô Thanh Kiều ở Tuy Hòa, Phú Yên; vụ Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang… “Do tư tưởng thành tích nên ép cung, nhục hình dẫn đến oan sai”, ông Vương nói.

Tất nhiên, theo ông Vương, để dẫn đến oan sai còn có một số lý do khác, trong đó nổi lên vấn đề trọng cung (coi trọng lời khai) hơn trọng cứ (chứng cứ chứng minh) cũng như thiếu sót trong công tác tố tụng, năng lực, phẩm chất của thẩm phán…

Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường

Theo Luật bồi thường nhà nước, khi để xảy ra oan sai thì phải bồi thường cho người chịu án oan sai. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên), đang có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan Nhà nước nên thời gian bồi thường kéo dài.

Đại biểu Nga chất vấn: “Nguyên tắc bồi thường Nhà nước là nhanh chóng, kịp thời vì sao vụ bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) dây dưa, kéo dài; hay vụ ông Phan Văn Lá (Long An) thì Công an, Viện kiểm sát thì cho rằng trách nhiệm của tòa án còn tòa án cho là trách nhiệm của công an và viện kiểm sát?

Theo ông Trương Hòa Bình, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn các cơ quan chức năng đang giải quyết quyết liệt. “Gia đình ông Chấn nộp các chứng từ chứng minh thiệt hại về vật chất và tinh thần các cơ quan chức năng sẽ giải quyết ngay”, ông Bình nói. Về trường hợp của ông Lá, ông Bình nói: “Nếu có sự đùn đẩy như thế là có lỗi với dân”. Công an sai cần kiểm điểm trách nhiệm”. Tuy nhiên, có mặt trong hội trường, Thứ trưởng Bộ Công an đính chính: “Trong vụ ông Lá, quan điểm của tôi, trách nhiệm thuộc về tòa án”.

Ông Bình cho rằng, do pháp luật chưa hoàn thiện nên cần có cơ quan trọng tài để xác định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm bồi thường. Nhưng rồi ông đề xuất, để bồi thường nhanh chóng, kịp thời cần có một cơ quan (như Bộ Tư pháp chẳng hạn) đứng ra thực hiện việc bồi thường rồi sau đó làm rõ trách nhiệm sau – vì cả ba cư quan tố tụng là công an, viện kiểm sát và tòa án đều là cơ quan Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường chất vấn tiếp: “Trong 6 tỉ đồng mà ngành tòa án bồi trường trong thời gian qua thì các cá nhân gây ra oan sai – người có lỗi – có hoàn trả lại cho Nhà nước? Ông Bình cho rằng, chưa có trường hợp người có lỗi nào chịu trách nhiệm bồi thường vì chưa có trường hợp nào xác định được người có lỗi cố ý như quy định của pháp luật.

“Như vậy là vẫn lấy tiền thuế của dân để bồi thường”, ông Cường nói.

Khắc phục thế nào?

Làm thế nào để hạn chế oan sai trong tố tụng hình sự? Trả lời câu hỏi này của một vị đại biểu Quốc hội, ông Trương Hòa Bình nói: “Cần phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng. Các cơ quan tố tụng phải chứng minh bị cáo phạm tội chứ không phải để cho bị cáo chứng minh mình vô tội”.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng chỗ ngồi của luật sư và viện kiểm sát trong phiên tòa hiện nay không dân chủ trong việc tranh tụng (viện kiểm sát ngồi ngang với hội đồng xét xử còn luật sư ngồi ngang với bị cáo). Hơn nữa, chức năng của viện kiểm sát trong phiên tòa hiện nay vừa giữ quyền công tố vừa giữ quyền kiểm sát phiên tòa, như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Về vấn đề này, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết các cơ quan chức năng sẽ xem xét. Nhưng muốn giảm oan sai còn cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán cũng như làm tốt công tác thu thập chứng cứ tại hiện trường.

Một vấn đề lớn khác nổi lên trong phiên chất vấn sáng nay, đó là Thông tư liên tịch 117 quy định về giám định hàm lượng chất ma túy. Theo nhiều đại biểu, việc quy định phải xác định hàm lượng chất ma túy thì tòa án mới xét xử đang gây khó khăn cho các địa phương, vì hiện nay mới chỉ có Hà Nội có các thiết bị để thực hiện việc này.

Tuy nhiên, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng việc xác định hàm lượng chất ma túy là cần thiết để xác định đúng người, đúng tội (áp dụng khung hình phạt chính xác).

Xem thêm:

Chánh án thừa nhận có tình trạng oan sai

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới