Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chất lượng nông, lâm thuỷ sản Việt Nam được cải thiện

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Qua công tác giám sát chất lượng nông, lâm, thuỷ sản cả nước cho thấy số mẫu vi phạm có giảm so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa chất lượng an toàn thực phẩm của nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản đã có sự cải thiện.

Chất lượng nông, lâm thuỷ sản Việt Nam được cải thiện. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Công tác chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm thuỷ sản năm 2022” diễn ra vào hôm nay, 3-6, ở TP Cần Thơ, ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết 5 tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy 843 mẫu để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện 12 mẫu vi phạm, chiếm 1,4% số mẫu đã lấy và giảm 2,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, theo ông Phong, các địa phương đã thực hiện lấy 7.897 mẫu nông, lâm, thuỷ sản để giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện có 297 mẫu vi phạm, chiếm 3,76% tổng số mẫu được lấy và giảm 5,65% so với cùng kỳ.

Ông Phong cho biết, với các mẫu giám sát an toàn thực phẩm vi phạm, Nafiqad đã cảnh báo và triển khai các biện pháp xử lý theo quy định.

Còn việc giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, theo ông Phong, 5 tháng đầu năm nay, toàn ngành nông, lâm, thuỷ sản đã thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với 2.467 cơ sở, trong đó, có 2.363 cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, chiếm 95,78% tổng số cơ sở được thẩm định, tăng so với con số của cùng kỳ năm ngoái là 91,17%.

Đánh giá của Nafiqad cho biết, với số mẫu cũng như cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản vi phạm giảm như nêu trên đồng nghĩa chất lượng nông, lâm, thuỷ sản đã có sự cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, ở khía cạnh sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện cả nước có 463.000 héc ta cây trồng được chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam- PV) và các tiêu chuẩn tương đương, tăng 33.000 héc ta so với năm 2020; diện tích nuôi trồng thuỷ sản được cấp chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn tương đương đạt 16.991 héc ta, tăng 1.158 héc ta so với năm 2020.

Ngoài ra, theo ông Phong, thời gian qua, các đơn vị liên quan cũng đã giải quyết các vướng mắc, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản.

Cụ thể, với thị trường Mỹ, sau đánh giá trực tuyến, Cơ quan thanh tra và an toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) tiếp tục công nhận tương đương và bổ sung thêm 6 doanh nghiệp của Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá da trơn (chủ yếu cá tra) vào quốc gia này.

Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU), đã công nhận bổ sung 14 doanh nghiệp thuỷ sản, nâng tổng số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này là 531; 1 doanh nghiệp xuất khẩu ốc, ếch nâng tổng số lên 16 doanh nghiệp xuất khẩu nhóm sản phẩm này vào EU.

Còn thị trường Liên minh kinh tế Á Âu đã bỏ đình chỉ 2 doanh nghiệp và bổ sung thêm 4 doanh nghiệp, nâng tổng số có 77 doanh nghiệp chế biển thuỷ sản Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này.

Với thị trường Trung Quốc, quốc gia này đã chấp thuận đăng ký xuất khẩu cho 779 doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam; công nhận danh mục 128 sản phẩm, danh mục 48 loài và danh sách 45 doanh nghiệp được xuất khẩu tôm hùm, tôm nước lợ, cua sống sang thị trường này.

“Điều này, đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam 4 tháng đầu năm nay đạt 17,88 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ”, ông Phong cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới