Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chất tạo nạc bùng phát: Quản lý yếu, người chăn nuôi “gánh”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chất tạo nạc bùng phát: Quản lý yếu, người chăn nuôi “gánh”

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – "Chúng ta không nên vì một con ruồi mà đập bể cái ly, chúng ta hãy tìm cách loại bỏ nó rồi rửa cái ly mà sử dụng" – đó là ví von của ông Vương Văn Sự, Giám đốc Công ty TNHH Vương Sơn (quận 9, TPHCM) tại hội thảo “Nói không với chất tạo nạc (hay còn gọi là chất cấm- Beta-Agonist) trong thức ăn chăn nuôi” vừa được tổ chức sáng 13-4 tại TP.HCM.

Chất tạo nạc bùng phát: Quản lý yếu, người chăn nuôi “gánh”
Người chăn nuôi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do ảnh hưởng của chất cấm gây nên – Ảnh: Trung Chánh

Theo các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng các nhà chuyên môn tham dự hội thảo, chính sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng cũng như chế tài không đủ mạnh là những nguyên nhân khiến chất tạo nạc bùng phát mạnh thời gian gần đây. Điều này, không chỉ làm người chăn nuôi mà cả hệ thống ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn.

Quản lý yếu, chế tài nhẹ!

Từ đầu năm đến nay, sau khi phát hiện hàng loạt vụ buôn bán chất cấm (chất tạo nạc) ở nhiều địa phương trong cả nước, ngành chăn nuôi lập tức gặp nhiều khó khăn. Ban đầu là giá heo xuống thấp, kế đến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gia súc và tiếp theo là ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn…, mà tất cả nguyên nhân xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo gây nên.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nói: “Trước tiên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phải tự ý thức, tuyệt đối không được sử dụng chất cấm trong sản xuất, bởi khi sản phẩm của các doanh nghiệp có vấn đề thì ngoài việc người chăn nuôi bị ảnh hưởng, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng thì bản thân doanh nghiệp cũng sẽ không bán được sản phẩm nữa”.

Đại diện doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Thành Lợi (Bình Dương) cho biết, chính sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng, từ khâu nhập khẩu tới sản xuất và tiêu thụ là nguyên nhân chính khiến chất cấm bùng phát mạnh.

“Chế tài chưa đủ sức răn đe, không đủ để làm người ta sợ. Tôi còn nhớ cách đây không lâu, ở Trung Quốc đã có một vụ án mà nhiều người bị kết án tù vì “dính” đến chất tạo nạc. Ở mình, nếu làm được như vậy mới mong người ta sợ” – vị này cho biết.

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết: “Từ năm 2002, Việt Nam cũng đã cấm sử dụng chất tạo nạc, nhưng không có cách gì để quản lý, để kiểm tra được, vì vậy nó vẫn được len lõi vào các điểm kinh doanh và dẫn đến hiện tượng như hôm nay”.

“Quản lý, chế tài của chúng ta còn lưỡng lự quá, điều này thể hiện qua qua việc ngành thú y khi mà kiểm tra đã có chất cấm trong sản phẩm rồi, nhưng cũng đâu có bắt, tịch thu tiêu hủy gì đâu. Ngay cả việc sử phạt người chăn nuôi, người buôn bán khi phát hiện có chứa chất cấm cũng chẳng đến đâu”- ông Bình cho biết.

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, chính quản lý yếu, chế tài chưa mang tính răn đe là điều kiện dẫn đến hiện tượng bùng phát chất cấm trong thời gian qua.

Người tiêu dùng “triệt”, nông dân thiệt

Các nhà chuyên môn và doanh nghiệp thảo luận tại hội thảo – Ảnh: Trung Chánh

Người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ chất cấm gây nên không ai khác chính là người chăn nuôi, người làm ăn lương thiện. Phó giáo sư-tiến sĩ Lã Văn Kính, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam khẳng định: “Người chăn nuôi chân chính, người sản xuất thức ăn chân chính và người tiêu dùng là những bộ phận chịu thiệt hại nặng nề nhất từ chất cấm gây nên”.

Thực tế, từ đầu năm 2012 đến nay, sau khi có thông tin thịt heo chứa chất tạo nạc, người tiêu dùng đã quay lưng với loại thực phẩm này. Vì vậy, giá heo hơi cũng liên tục lao dốc mạnh. Hiện giá heo hơi tại các tỉnh ĐBSCL và vùng Đông nam bộ chỉ còn 4-4,3 triệu đồng/tạ nhưng vẫn tiêu thụ rất là khó khăn.

Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch Hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nay cho biết, tại Đồng Nai hiện có hàng trăm, hàng ngàn hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản vì chất cấm gây nên. “Để nuôi được một tạ heo (100kg), bà con nông dân phải bỏ ra từ 4,2-4,5 triệu đồng tiền đầu tư, gồm con giống, thức ăn, điện nước, nhân công…, nhưng khi bán chỉ được trên dưới 4 triệu đồng/tạ, không lỗ mới lạ” – ông Công nói

Ông Lê Bá Lịch cho rằng: “Dứt khoát nghiêm cấm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi càng không được dùng. Phải nói không với chất cấm để bảo đảm cho sản phẩm thực phẩm được an toàn”.

Ông Kính thì nói: “Vì sự phát triển lâu dài của ngành chăn nuôi, chúng ta phải quản lý chặt chẽ hơn các chất phụ gia, chất bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là những chất có tính chất kích thích. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền người dân không nên sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.

Một số chất kháng sinh, hóa chất cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam, gồm: Carbuterol, Cimaterol, Clenbuterol, Chloramphenicol, Diethylstilbestrol (DES), Dimetridazol, Fenoterol, Isoxuprin….

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới