Chủ Nhật, 4/06/2023, 16:58
35 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Châu Á: cổ phiếu giảm, dầu giảm, đồng yen tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Á: cổ phiếu giảm, dầu giảm, đồng yen tăng

Huỳnh Hoa

Thép ứ đọng trong một nhà kho ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh Bloomberg

(TBKTSG Online) – Các thị trường chứng khoán châu Á hôm nay (thứ Năm 27-8) lại mất giá, kéo chỉ số tổng hợp MSCI châu Á-Thái Bình Dương xuống mức thấp nhất trong một tuần, khi có tin Trung Quốc sẽ giảm sản lượng sắt thép và xi măng.  

Theo hãng tin Bloomberg, lúc 14g chiều nay tại Tokyo, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 0,8%, còn 112,66 điểm, thấp nhất từ ngày 21-8. Chỉ số này đạt điểm thấp nhất trong vòng 5 năm vào ngày 9-3-2009 và từ đó đến nay đã tăng 59% do nhà đầu tư tin rằng các biện pháp kích thích kinh tế và cắt giảm lãi suất mà các chính phủ trong vùng thực thi sẽ giúp kinh tế toàn cầu nhanh chóng hồi phục.  

Trên các thị trường chứng khoán, chỉ số tổng hợp Thượng Hải SCI (Trung Quốc) giảm 0,7%, Nikkei 225 (Nhật) giảm 1,4%; Hang Seng (Hồng Kông) giảm 1,3%.  

Trong khối doanh nghiệp niêm yết, cổ phiếu các công ty khai khoáng và nguyên liệu sụt giảm mạnh nhất. Nếu Trung Quốc giảm bớt sản lượng sắt thép thì đây sẽ là những doanh nghiệp bị thiệt hại đầu tiên. Cổ phiếu của tập đoàn Rio Tinto (quặng sắt Úc) giảm 2,9%;  của Công ty OZ Minerals (thiếc) giảm 6,1%. Một số doanh nghiệp tận dụng lúc thị trường tăng điểm để bán thêm cổ phiếu sáng nay cũng chứng kiến sự mất giá mạnh. Cổ phiếu Công ty hóa chất hàng đầu Nhật Bản Tokuyama Corp giảm 7,8%, của Công ty kính xây dựng Nippon Sheet giảm 7,2%.  

Chính phủ Trung Quốc đang xem xét cắt giảm sản lượng dư thừa trong một số ngành công nghiệp như sắt thép, xi măng, điều tiết việc sản xuất ở các ngành than, kính xây dựng và năng lượng. Công tác kiểm soát việc bán cổ phiếu và trái phiếu của các doanh nghiệp trong các ngành này cũng được tăng cường, trang web chính phủ Trung Quốc cho biết như vậy vào hôm qua thứ Tư 26-8.  

Trong khi đó, theo thông tin từ ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) cơ quan điều hành ngân hàng Trung Quốc đang xem xét điều chỉnh chính sách tín dụng nhằm loại bỏ những món vay kém hiệu quả ra khỏi hệ thống mà vẫn cố gắng duy trì sự tăng trưởng. Thông tin này góp phần làm cho cổ phiếu ngành ngân hàng mất sức hấp dẫn. Hôm nay trên thị trường Hồng Kông, cổ phiếu của ngân hàng Công thương lớn nhất Trung Quốc giảm 1,1%, của Bank of China giảm 1.3%.  

Trên thị trường hàng hóa, giá dầu hôm qua đã giảm thêm 0,9%, còn 71,43 đô la Mỹ/thùng, thấp nhất từ ngày 18-8. Chỉ số giá bình quân của 6 loại kim loại chiến lược ở thị trường London giảm 0,8%, ngày thứ hai liên tiếp giảm giá.  

Không an tâm với thị trường chứng khoán và đầu cơ hàng hóa, nhiều nhà đầu tư chuyển sang mua đồng yen Nhật như một biện pháp đầu tư phòng thủ. Đồng yen Nhật do vậy đang tăng giá so với cả 16 đồng tiền mạnh khác. Hôm nay tại New York, 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn được 93,68 yen Nhật, thấp hơn mức 94,26 yen ngày hôm qua.  

Trở lại với tình hình chứng khoán châu Á, từ đầu năm đến nay chỉ số tổng hợp MSCI Asia Pacific đã tăng 26%, cao hơn mức tăng 18% của chỉ số tổng hợp toàn cầu MSCI World Index. Đặc biệt trong 5 tháng qua, chứng khoán châu Á tăng mạnh nhất thế giới. Hiện nay, giá bình quân của cổ phiếu châu Á cao gấp 24 lần lợi nhuận (P/E = 24), gần gấp đôi chỉ số P/E = 13,7 hồi cuối năm ngoái. Chỉ số P/E này cũng cao hơn nhiều so với mức P/E bình quân 17,2 của thị trường Wall Street. Mỹ và 15,1 của thị trường châu Âu.  

Trong thời gian tới, nếu không có những thông tin hỗ trợ đặc biệt, xu thế mất giá giảm điểm của chứng khoán châu Á là khó tránh khỏi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới