Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á: Im lặng trước tranh chấp tỉ giá nhân dân tệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Á: Im lặng trước tranh chấp tỉ giá nhân dân tệ

Phúc Minh

Trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi kịch liệt về việc tăng giá nhân dân tệ thì các nước châu Á giữ thái độ im lặng trong vấn đề này. Ảnh: CE

(TBKTSG Online) – Trong khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi kịch liệt về việc tăng giá đồng nhân dân tệ (NDT) thì các nước châu Á giữ thái độ im lặng trong vấn đề này dù có thể không hài lòng với tỷ giá NDT được duy trì ở mức thấp.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 31-3 trích dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng thặng dư thương mại với Trung Quốc, cũng như vai trò thị trường xuất khẩu của Trung Quốc là lý do để các nước châu Á không tranh cãi về tỷ giá hối đoái của NDT.

Trong một năm rưỡi qua, NDT so với đô la Mỹ được duy trì ở mức 6,83 NDT ăn 1 đô la. Kể từ quý II năm ngoái, do ảnh hưởng của luồng vốn nước ngoài, tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc nói chung đều tăng giá so với đô la Mỹ với biên độ tăng từ 7% – 27%.

Thặng dư thương mại với Trung Quốc

Giáo sư trường Chính sách công Đại học Georgetown, chuyên gia về vấn đề kinh tế Trung Quốc, Albert Keidel, nói: “Thâm hụt thương mại của các nước châu Á với Trung Quốc có quy mô nhỏ. Trong thực tế, nhiều nước thặng dư thương mại với Trung Quốc”.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong năm 2009, khi thương mại toàn cầu thu hẹp, xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn ở châu Á đều giảm, nhưng xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Năm 2009, thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản là 43 tỉ đô la Mỹ, với Hàn Quốc là 49 tỉ đô la Mỹ, nhưng với Mỹ lại thặng dư 153,4 tỉ đô la Mỹ.

Ông Albert Keidel cho rằng đồng thời với việc ghìm giá NDT so với đô la Mỹ, thặng dư thương mại tổng thể của Trung Quốc đã giảm xuống. Điều này cho phép nhiều nước tin rằng tỷ giá không phải là vấn đề cơ bản của sự mất cân bằng thương mại toàn cầu.

Ông Albert Keidel cho biết thêm: “Trong nửa cuối năm ngoái, thặng dư thương mại toàn cầu của Trung Quốc giảm một nửa. Ngoài Mỹ và khu vực euro, một số người bắt đầu tin rằng tỷ giá NDT có lẽ không phải là lý do chính để Trung Quốc đạt thặng dư thương mại lớn”.

Lo cho lợi ích riêng

Chuyên gia kinh tế quốc tế của tạp chí Quốc gia (Mỹ), trước đó là nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ, Bruce Stokes cho rằng các nền kinh tế lớn tại khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… không muốn xuất khẩu của họ sang Trung Quốc sụt giảm cách nghiêm trọng.

Bruce Stokes thí dụ: “Nhật Bản đầu tư đáng kể vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng nhà máy tại Trung Quốc phải xem xét tỷ giá NDT có giúp nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ hay không. Việc tăng giá NDT có khả năng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của họ. Đó cũng là lý do tại sao một lực lượng vận động hành lang lớn thuyết phục Tokyo nên giữ thái độ im lặng về vấn đề này”.

Trong các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc tại châu Á, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong năm 2009, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đạt 16 tỉ đô la Mỹ, vượt qua tổng khối lượng thương mại giữa Ấn Độ và Nga. Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, và các quan chức thương mại của nước này đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề trên.

Nhà nghiên cứu năng suất và thương mại của Liên minh các nhà sản xuất Mỹ, tác giả cuốn sách “Trung Quốc và Ấn Độ”, Ernest Preeg cho biết trong vấn đề tỷ giá hối đoái, lập trường của Ấn Độ tương đối giống Mỹ nhưng điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẵn sàng đứng cùng mặt trận với Mỹ.

Ông Ernest Preeg nói: “Ấn Độ có ý kiến về chính sách tỷ giá của Trung Quốc nhưng họ không công khai bày tỏ sự không hài lòng. Chúng tôi biết rằng tại một thời điểm nào đó, Ấn Độ cũng thông qua ngân hàng trung ương can thiệp vào giá trị của rupee”.

Đo lường hậu quả

Ông Bruce Stokes nói trong tình hình nhu cầu của các nền kinh tế phát triển yếu, Trung Quốc ngày càng quan trọng trong vai trò là thị trường xuất khẩu. Đối với nước xuất khẩu nông và khoáng sản là Úc và New Zealand, năm 2009 có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao là do nhu cầu từ Trung Quốc.

Do đó, các nhà kinh tế kêu gọi nâng giá NDT cho rằng quan điểm của mình có thể không được công nhận tại các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hưởng lợi từ thương mại với Trung Quốc.

Tháng hai năm nay, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc tăng 55% trong ba tháng, gấp ba lần so với xuất khẩu sang Mỹ.

Nhà kinh tế của Ngân hàng hoàng gia Scotland tại châu Á, Sanjay Mathur, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn: “Trong khi thị trường xuất khẩu Mỹ chưa hồi phục, thị trường Trung Quốc đóng vai trò thay thế then chốt. Trong tình hình này, các nước châu Á càng không muốn khiêu khích Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá hối đoái”.

(theo VOA)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới