Châu Á: Mối lo tự động hóa đang đến gần
Thái Hà
(TBKTSG Online) – Tự động hóa đang đe dọa công ăn việc làm của người lao động trong những ngành sản xuất chế tạo không cần nhiều kỹ năng tại châu Á, theo một bài viết mới đây trên tờ Nikkei Asian Review.
![]() |
Robot đang thay thế dần vai trò của con người trong nhiều công việc, nhiều lĩnh vực. Ảnh: Reuters |
Cuối tháng 3, ông Cai Fang, Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc kêu gọi cần có những biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự bành trướng của tự động hóa trong sản xuất, thứ sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng trong tương lai.
“Chúng ta phải giới hạn sự phát triển robot nhằm tránh những hậu quả tồi tệ cho con người”, ông nói. Fang, cũng là dân biểu quốc hội Trung Quốc, là một trong những người có tiếng nói quan trọng lên tiếng về việc bảo vệ việc làm cho con người trước sự đe dọa từ máy móc. Tỉ phú Bill Gates năm ngoái đã đề xuất “thuế robot”, đánh thuế cao lên những công ty có tỉ lệ tự động hóa cao trong quy trình sản xuất.
Tháng 3-2018, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới OECD ra một bản báo cáo cho biết 14% số công việc ở 32 nước công nghiệp đã được tự động hóa ở mức độ cao, từ việc robot cơ khí thay thế người quét dọn đến phần mềm dựa trên trí tuệ nhân tạo thay thế những người làm công tác phân tích dữ liệu và dịch thuật.
Con số trên còn khiêm tốn hơn rất nhiều so với các báo cáo khác cùng chủ đề, như bản báo cáo vào năm 2013 của các nhà kinh tế trường đại học Oxford, Carl Frey và Michael Osbourne. Họ khảo sát 700 công việc và kết luận rằng 47% công việc ở Mỹ đang “gặp nguy hiểm” bởi robot trong những thập niên tới.
Báo cáo của OECD chỉ ra các ngành công nghiệp không đòi hỏi nhiều kỹ năng ở châu Á là dễ bị tổn thương nhất với sự phát triển của tự động hóa. “Phần lớn công việc của người lao động trong các ngành này là tương tác với máy móc, họ dễ bị thay thế nhất”, báo cáo viết. Đây là mối đe dọa lớn cho những người lao động ở các khu vực tập trung sản xuất để xuất khẩu như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia. Các nước ở giai đoạn phát triển đầu như Myanmar, Campuchia, thậm chí cả Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều hơn vì trình độ sản xuất của họ đang dựa nhiều vào lao động.
Tự động hóa không chỉ đe dọa các công việc chế tạo sản xuất đang tồn tại ở châu Á. Nó còn đe dọa đến những công việc trong tương lai: các công ty tại những nước đang phát triển ở giai đoạn đầu có thể bỏ qua hướng phát triển dựa vào con người, đầu tư trực tiếp vào robot. Việc này sẽ làm đảo lộn cơ cấu xã hội và các nấc thang kinh tế, những người đi từ ruộng đồng ra không vào nhà máy, mà đi vào thất nghiệp.
Theo Liên đoàn Robot quốc tế, mức độ tự động hóa ở Trung Quốc hiện nay là 631 robot trên 10.000 người lao động, bằng 1/3 so với Mỹ và 1/10 so với Hàn Quốc. Nhưng mức độ tự động hóa ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc đang tăng nhanh.
Foxconn, nhà sản xuất phụ kiện cho Apple, đang trong quá trình thay hàng chục ngàn công nhân bằng máy móc, bác bỏ ý tưởng rằng những công việc tỉ mỉ cầu kỳ trong dây chuyền lắp ráp điện thoại thông minh (smartphone) là quá khó với máy móc. Innolux, công ty con của Foxconn, chuyên làm các cấu kiện của màn hình LCD, thông báo hồi tháng 2-2018 là sẽ tự động hóa 1/5 công việc hiện tại. Một số ngành như dệt may cũng có những lo ngại khi công cụ mới được gọi là “sew-bot” đang đe dọa việc làm của các công nhân ở những nước như Việt Nam, Bangladesh.
Chấp nhận một mức độ tự động hóa nào đó là việc không thể tránh khỏi. Kể cả những người phản đối robot như ông Fang, khi ông này trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post: “Chúng ta cần tìm hiểu những mặt nào con người tốt hơn robot, suy nghĩ sáng tạo, giàu cảm xúc… Sau đó chúng ta lên một kế hoạch nhằm đền bù cho những nhóm người yếu thế nhất trong xã hội, những người bị thay thế bởi robot và những người không có khả năng kiếm được một công việc nào khác”.
Theo giáo sư thỉnh giảng James Crabtree ở trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), những điều khoản linh hoạt về thị trường lao động cũng rất quan trọng, đặc biệt ở những nước đang khuyến khích đưa máy móc vào thay thế con người như Ấn Độ, những chương trình mới nhằm ngăn chặn robot chiếm việc làm của con người như các nhân vật có uy tín như Cai Fang hay Bill Gates đã đề xuất cũng nên được các chính phủ xem xét đưa vào vận hành.