Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về nhu cầu bảo dưỡng máy bay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu về nhu cầu bảo dưỡng máy bay

An Yên

(TBKTSG Online) – Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới về nhu cầu về kỹ thuật viên bảo dưỡng (249.000 người, tương đương 39% nhu cầu toàn cầu), dịch vụ bảo dưỡng máy bay và nhân viên phi hành đoàn (323.000 người, tương đương 37% nhu cầu toàn cầu), bởi đây là thị trường hàng không đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới, theo thông tin từ Công ty Dịch vụ Hàng không Boeing châu Á – Thái Bình Dương (BAPAS).

Tại buổi họp báo ngày 21-11 tại TPHCM, bên lề sự kiện Triển lãm quốc tế ngành hàng không Việt Nam (VIA Expo 2019), ông Michael Doellefeld, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Hàng không Boeing châu Á – Thái Bình Dương (BAPAS), cho biết dự báo trên của Boeing có sự liên quan chặt chẽ kế hoạch giao máy bay mới trên toàn cầu, đồng thời có tính đến tỷ lệ sử dụng máy bay hằng năm của các hãng, yêu cầu về nhân sự trong ngành theo từng lĩnh vực và các yêu cầu pháp lý, quy định về an toàn hàng không ở từng khu vực.

Châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu về nhu cầu bảo dưỡng máy bay
Nằm trong xu hướng chung của khu vực, thị trường hàng không Việt Nam đang có nhu cầu cao về nhân sự bảo dưỡng máy bay. Ảnh minh họa: vnexpress.net

Trong 20 năm tới, từ 2019 đến 2038, các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ cần 44.000 máy bay mới, trong đó có hơn 17.000 máy bay (tương đương 39%), trị giá 2,8 tỉ đô la Mỹ  sẽ được giao tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bản dự báo chỉ ra rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ cần thêm 244.000 phi công thương mại, tương đương 38% nhu cầu về phi công trên toàn cầu. Nhu cầu này sẽ đạt mức cao tại Trung Quốc, xuất phát từ nhiều nguyên nhân bao gồm phát triển dự kiến của đội máy bay, các trường hợp nghỉ hưu và nghỉ việc; quốc gia này dự kiến sẽ cần 124.000 phi công, tương đương hơn một nửa nhu cầu về phi công trong khu vực. Tiếp theo là nhu cầu tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và Nam Á, lần lượt ở mức 20% và 17%.

Đề cập đến tiềm năng của thị trường Việt Nam, với sự ra đời của một loạt hãng hàng không mới, ông Michael Doellefeld cho biết BAPAS hiện đang có những kế hoạch để hỗ trợ về kỹ thuật và nhân sự cho các hãng hàng không tại Việt Nam. Một mặt BAPAS cung cấp ngay các dịch vụ trực tiếp về kỹ thuật, một mặt hỗ trợ hợp tác về đào tạo phi công, phi hành đoàn, cũng như đội ngũ kỹ thuật làm hoạt động bảo trì, bảo dưỡng cho máy bay. BAPAS cũng phát huy thế mạnh nhờ vào nền tảng và thế mạnh về chuyên môn, kỹ thuật, cùng nguồn lực của Boeing.

Theo ông, các hãng mới và các hãng giá rẻ ở Việt Nam có điểm hạn chế là không có mạng lưới cơ sở của mình về bảo trì, bảo dưỡng đội bay trên thế giới. Trong khi đó, BAPAS có một mạng lưới về dịch vụ trên toàn cầu với cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật sẵn có. Công ty có thể cung cấp cơ sở vật chất và nguồn lực của mình cho các hãng hàng không, giúp họ đơn giản hóa quy trình bảo trì và bảo dưỡng máy bay khi đến các điểm đến khác nhau. Như vậy, các hãng hàng không sẽ có thể yên tâm về phần dịch vụ kỹ thuật để tập trung vào việc phát triển chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới. Đây cũng là yếu tố mà BAPAS xem là thế mạnh trong cuộc cạnh tranh về dịch vụ hàng không tại các thị trường mới nối như Việt Nam.

BAPAS, trụ sở tại Singapore, là công ty liên doanh giữa Boeing và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không của Singapore Airlines. Công ty có mạng lưới các nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay ở Philippines, Trung Quốc và Mỹ. Nếu hợp tác với các hãng hàng không Việt Nam để cung cấp dịch vụ kỹ thuật và bảo dưỡng, BAPAS sẽ thành lập một đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật vệ tinh đặt tại Việt Nam. Tùy vào số lượng máy bay, số lượng tuyến bay và yêu cầu của các hãng, BAPAS sẽ đưa máy bay của họ sang các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng phù hợp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới