Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Á trước sức ép tăng lương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Á trước sức ép tăng lương

Hạ Ninh

Công nhân dệt may Bangladesh có mức lương thấp nhất thế giới. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Tình trạng công nhân, nhất là công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương diễn ra ngày càng nhiều tại châu Á.

Sau khi xảy ra các cuộc biểu tình đập phá xe cộ và cướp bóc tại thủ đô Dhaka (Bangladesh), công nhân ngành dệt may làm thuê cho những thương hiệu của phương Tây được cam kết tăng lương 80%. Theo cam kết, từ tháng 11-2010, mức lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng từ 23 đô la Mỹ/tháng lên 43 đô la Mỹ/tháng. Đây là lần đầu tiên trong 4 năm qua, người lao động ngành dệt may tại quốc gia có mức lương thấp nhất thế giới này được tăng lương, dù giá thực phẩm và nhiên liệu đã tăng vọt trước đó.

Tuy nhiên, người lao động vẫn chưa hài lòng vì chính phủ không đáp ứng mức lương tối thiểu mà họ yêu cầu là 75 đô la Mỹ/tháng. “Mức lương (43 đô la Mỹ) không đủ để công nhân và gia đình họ sinh sống. Tất cả chi phí sinh sinh hoạt đều tăng và sẽ tiếp tục tăng” – ông Amirul Haque Amin, Chủ tịch Liên đoàn công nhân dệt may quốc gia Bangladesh, nói.

Theo FT, sự nổi giận của công nhân Bangladesh là một lời cảnh báo đối với các công ty đa quốc gia muốn giá lao động rẻ hơn khi tìm cách chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác vì các cuộc đình công đòi tăng lương xuất hiện ngày càng nhiều tại Trung Quốc. Mặc dù mức lương thấp hơn so Trung Quốc, song các trung tâm sản xuất công nghiệp mới của châu Á như Bangladesh, Việt Nam, Campuchia hay Indoenesia cũng đang đối mặt với sức ép tăng lương khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng lên.

Giám đốc công ty đầu tư Asian Tiger Capital Partners, ông Ifty Islam, nói: “Ít có nước nào tại châu Á có chi phí lao động rẻ mà không gặp phải sức ép đòi tăng lương. Động lực tăng trưởng và sự năng động kinh tế tại khu vực này cũng là nguyên nhân tạo áp lực tăng lương”.

Tại Campuchia, chính phủ vừa mới tăng lương tối thiểu thêm 21%, từ 50 đô la Mỹ/tháng lên 61 đô la Mỹ/tháng, dù mức lương này vẫn thấp hơn mức mà Liên đoàn lao động Campuchia yêu cầu.

Tại Indonesia, mức lương tối thiểu do các chính quyền địa phương quy định cũng tăng lên. Năm 2008, mức lương tối thiểu tại Jakarta tăng 10% lên gần 100 đô la Mỹ/tháng, trong khi lương tối thiểu tại các bang khác tăng bằng một nửa mức trên. Dù vậy, Indonesia vẫn xảy ra một loạt đình công tại các nhà máy dệt may. Giám đốc Liên đoàn công nhân ngành dệt ở Tây Java, ông Mochammad Papon, nói: “Giá cả tăng chóng mặt trong khi nhiều thành viên của chúng tôi là lao động chính trong gia đình”.

Tại Ấn Độ, các tập đoàn Nokia, Bosch, Hyundai, Volvo và nhiều công ty địa phương cũng chứng kiến các cuộc đình công ngày càng nhiều.

Mức độ bất bình của người lao động thể hiện rõ nhất tại Bangladesh. Thủ tướng nước này thừa nhận mức lương tối thiểu hiện nay “không những không đủ mà còn vô nhân đạo”. Giá thực phẩm tại Bangladesh tăng khoảng 31% kể từ lần tăng lương tối thiểu trước đây, vào năm 2006. Trong khi đó, các chủ nhà máy cho rằng mức lương họ đưa ra là rộng rãi so với thị trường toàn cầu.

Thực tế, quyền lợi của chủ nhà máy dệt may là vấn đề nhạy cảm tại thủ đô nước này, nơi có tới 29 chủ doanh nghiệp có chân trong 300 ghế nghị viện và nhiều nghị sĩ khác cũng có cổ phần trong các nhà máy may. Đây được cho là nguyên nhân khiến chính phủ không thực sự đứng về phía người lao động.

(theo Financial Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới