Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu bất ổn vì suy thoái kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu bất ổn vì suy thoái kinh tế

Công nhân Công ty Continental (Pháp) đốt vỏ xe trước điện Elysée, Paris ngày hôm qua để phản đối việc sa thải.

(TBKTSG Online) – Uất hận bùng lên khắp châu Âu khi nỗi đau vì suy thoái kinh tế trầm trọng thêm và nhiều người mất việc, đe dọa làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh G20 sắp họp vào thứ Năm tuần tới tại London để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nạn nhân mới nhất của tình trạng công chúng nổi giận là ông Fred Goodwin, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) và ông Luc Rousselet, Giám đốc nhà máy 3M tại Pháp. Ông Goodwin bị đám đông phá nhà, đập xe; còn ông Rousselet bị nhốt trong văn phòng suốt hai ngày bởi những công nhân đòi tăng tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tại khu tài chính London, nơi một số vụ biểu tình đã được lên kế hoạch, cảnh sát yêu cầu các ngân hàng và công ty tài chính tăng cường an ninh, hủy bỏ những cuộc họp không cần thiết và giữ nhân viên bên trong các văn phòng. Nhân viên ngân hàng được yêu cầu mặc “y phục xoàng xĩnh” để khỏi thu hút sự chú ý.   

“Một cuộc suy thoái luôn có những tác dụng kích động. Tội phạm gia tăng, quan hệ đổ vỡ gây ra những bất ổn xã hội”.

Giáo sư Christopher Husbands, khoa Xã hội học, Trường Kinh tế London 

Tại Pháp, tuần trước đã diễn ra cuộc biểu tình lớn, thu hút đến 1,2 triệu người tham gia. Tuy kết thúc trong hòa bình nhưng cuộc biểu tình làm chính phủ Pháp rất lo lắng.

Nỗi thất vọng vọng của những người bị mất việc, mất tiền tiết kiệm hoặc mất phần lớn khoản lương hưu càng bị đẩy lên cao trào bởi những báo cáo về việc các nhà quản trị tiếp tục bỏ túi những khoản tiền thưởng khổng lồ – như trường hợp người Mỹ nổi giận với khoản tiền thưởng nhiều triệu đô la trả cho các quản trị viên tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG.

Dinh thự của gia đình ông Goodwin trong vùng ngoại ô giàu có ở thành phố Edinburgh đã bị đập cửa kiếng, chiếc xe Mercedes S600 trong ga-ra bị phá hỏng, may là không ai bị thương và lúc đó ông Goodwin không có mặt ở nhà. Người ta giận dữ vì ông Goodwin được nhận lương hưu mỗi năm 703.000 bảng Anh (1,03 triệu đô la Mỹ) cho dù những thương vụ mua bán tồi tệ thực hiện dưới sự điều hành của ông đã đẩy Ngân hàng RBS đến bờ vực phá sản, phải đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ông Goodwin phản đối mọi lời kêu gọi trả lại tiền và chính phủ đang xem xét những lựa chọn pháp lý.

Dù ông Goodwin đã nghỉ hưu từ tháng 10 năm ngoái nhưng ngân hàng vẫn chi ra mỗi tháng 290 bảng Anh để duy trì dịch vụ an ninh tại nhà riêng của ông. Một thời được coi là nhà môi giới tài giỏi có công biến một ngân hàng nhỏ thành một tổ chức tài chính toàn cầu nhưng sau khi Ngân hàng RBS sụp đổ, ông Goodwin bị công luận lên án, bị coi là một “biểu tượng” cho sự xuống dốc của hệ thống ngân hàng Anh Quốc.

Đây là vụ phá hoại đầu tiên cơ ngơi của một nhà quản trị ngân hàng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra; nhưng hàng xóm của ông Goodwin nói với báo chí rằng, họ ngạc nhiên tại sao nó không xảy ra sớm hơn. Tác giả một lá thư điện tử không nêu tên gửi tới một tờ báo địa phương vào hôm qua thứ Tư 25-3 nhận trách nhiệm về vụ phá hoại tại nhà ông Goodwin, nhưng nói rằng “Chúng tôi rất căm giận những kẻ giàu có như ông ta, tự trả cho mình những khoản tiền khổng lồ và sống trong xa hoa tột đỉnh trong lúc những người dân thường bị mất việc, mất nhà và cơ cực”.

Một số viên chức quản trị đã quyết định không nhận tiền thưởng, nhưng một số công ty, dù làm ăn bết bát, vẫn tiếp tục chi ra những khoản tiền thưởng hậu hĩ cho các nhà quản trị, từ đó khiến công chúng thêm căm phẫn.

Không giống các chính trị gia ở Mỹ, các chính trị gia châu Âu không đề ra những sắc thuế để thu hồi phần lớn tiền thưởng của các nhà quản trị, đưa vào ngân sách quốc gia.

Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ kêu gọi mọi người quay về với “giá trị” của mình, phê phán cả những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm lẫn những người “đe dọa an ninh tài sản và con người” của người khác. Ngay sau bài phát biểu của ông Sarkozy, hôm thứ Tư, công nhân nhà máy sản xuất vỏ xe hơi Continental do người Đức làm chủ tại Pháp đã diễu hành qua thủ đô Paris và đốt vỏ xe ngay trước điện Elysée để phản đối kế hoạch đóng cửa nhà máy và sa thải 1.120 công nhân. Trước đó hôm thứ Ba, công nhân nhà máy của công ty 3M tại Pháp đã bắt ông giám đốc Luc Rousselet làm con tin và giữ ông này sang ngày thứ Tư, giống như vụ công nhân Pháp từng bắt giữ một viên quản đốc nhà máy của Sony trước đây.

Đầu tháng này ông Mark Malloch Brown, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Anh, nhận xét với đài BBC rằng, những người đang phản đối vì giận dữ sẽ được công chúng ủng hộ nhiều hơn trước kia. “Nỗi tức giận đang sục sôi trong những người chứng kiến những gì đang diễn ra trong tiền lương và tiền thưởng của giới viên chức nhà băng. Những kẻ chủ trương cứng rắn sẽ giành được sự ủng hộ mà xưa nay họ không có được”.

Huỳnh Hoa (Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới