Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu có thể đối mặt suy thoái nếu Nga khóa van khí đốt

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nền kinh tế châu Âu, vốn đang chật vật ứng phó lạm phát, có thể rơi vào suy thoái nếu Nga quyết định dừng cung cấp khí đốt sang khu vực này, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế.

Công nhân của Tập đoàn năng lượng Gazprom vận hành một giếng khí đốt ở vùng Siberia của Nga. Ảnh: Bloomberg

Cắt khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria

Hôm 27-4, Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga thông báo tạm thời cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Công ty dầu khí nhà nước PGNiG của Ba Lan và Bulgaria, nhà phân phối khí đốt lớn nhất Bulgaria vì Nga yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp, thay vì đồng euro hoặc đô la Mỹ như trước đây.

Thông báo nói rằng việc cung cấp khí đốt cho hai nước Đông Âu này chỉ được nối lại nếu họ chấp nhận điều khoản thanh toán mới. Ủy ban châu Âu (EC) và Thủ tướng Bulgaria, Kiril Petkov chỉ trích hành động trên của Nga là “uy hiếp”.

Trước đó, EC yêu cầu các công ty ở châu Âu tiếp tục thanh toán bằng loại tiền đã được quy định trong các hợp đồng với Gazprom, nếu không sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt đang áp đặt với Nga. Phần lớn các hợp đồng này đều đặt ra điều khoản thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la Mỹ.

Với thời hạn cuối chuyển sang trả tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp sẽ đến trong những tuần tới đối với một loạt nước châu Âu khác, có nhiều lo ngại về việc Nga sẽ thực hiện lời đe dọa cắt khí đốt trên diện rộng đối với châu Âu.

Trong một báo cáo hôm 27-4, nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding và nhà kinh tế cao cấp Kallum Pickering ở Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định động thái khóa van khí đốt đối với Ba Lan và Bulgaria dường như là nhằm truyền tải lời cảnh báo của Moscow đến các nước châu Âu khác rằng Nga có thể hành động tương tự đối với họ nếu họ không chịu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Khí đốt chiếm 25% trong hoạt động sản xuất năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và nguồn cung khí đốt của Nga đóng góp khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của khối này.

Châu Âu đang đối mặt nhiều cú sốc kinh tế cùng lúc, bao gồm chiến sự ở Ukraine và giá cả thực phẩm và năng lượng tăng vọt, khiến khu vực này đối mặt với nguy cơ “lạm phát đình trệ”, một thuật ngữ mô tả tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm và làm phát tăng cao.

Kinh tế châu Âu sẽ ảnh hưởng nặng

Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s nhận định nếu nguồn cung dầu thô và khí đốt của Nga sang châu Âu bị cắt đứt hoàn toàn, khu vực này sẽ rơi vào suy thoái. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc lớn vào năng lượng của Nga. Ngân hàng trung ương Đức dự báo nếu nguồn cung năng lượng từ Nga bị chặn lại, sản lượng kinh tế của nước này sẽ mất 5 điểm phần trăm.

Hai nhà kinh tế Schmieding và Pickering nhận định: “Nếu Nga đột ngột dừng cung cấp khí đốt, điều này có thể đẩy châu Âu vào suy thoái. Tuy nhiên, tác động chính xác của một lệnh cấm vận khí đốt sang châu Âu rất khó dự báo”.

Các tính toán hiện nay cho rằng động thái khóa van khí đốt sang châu Âu của Nga có thể khiến GDP của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) giảm 3 điểm phần trăm so với kịch bản cơ sở.

Nếu dừng bán khí đốt sang châu Âu, Nga cũng sẽ chịu thiệt hại nặng đồng thời động thái này của Nga sẽ càng củng cố quyết tâm của EU nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt.

Trước đó, Ba Lan đã thông báo sẽ dần giảm rồi chấm dứt nhập khẩu nhiên liệu của Nga vào cuối năm 2022 trong khi đó, EU lên kế hoạch giảm mua 2/3 lượng khí đốt từ Nga vào cuối năm nay và dừng mua hoàn toàn vào năm 2030.

Báo cáo của Berenberg cho rằng việc EU giảm nhập khẩu khí đốt của Nga nhanh chóng là điều khả thi và có thể dừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2024.

“Trong kịch bản như vậy, giá năng lượng sẽ duy trì ở mức cao nhưng có thể không tăng thêm nữa. Châu Âu có thể dần dần “tiêu hóa” cú sốc giá năng lượng và trở lại mức tăng trưởng tích cực trong mùa hè này trừ phi các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc và tình trạng thiếu nguồn cung khí đốt kéo dài sang quí 3”, hai nhà kinh tế Schmieding và Pickering nhận định.

Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng nếu Nga dừng cung cấp khí đốt, một số nước châu Âu có thể phải áp dụng chế độ phân phối hạn chế khí đốt cho một số lĩnh vực nhất định vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Lạm phát ở khu vực euro tăng lên mức cao kỷ lục 7,5% trong tháng 3 khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, dẫn đến các lệnh trừng phạt của phương Tây và đẩy giá cả năng lượng tăng vọt. Kịch bản Nga khóa van khí đốt sang châu Âu càng làm tăng rủi ro lạm phát ở khu vực này, nhưng nhà kinh tế Edward Gardner của Công ty tư vấn Capital Economics nhận định rằng bất cứ mức lạm phát tăng thêm nào cũng nhỏ hơn so với mức tăng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Gardner cho biết quyết định cắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria của Gazprom sẽ làm tăng rủi ro thiếu khí đốt ngay lập tức và làm trầm trọng thêm kịch bản suy thoái của eurozone trong năm 2022 mà Capital Economics đã dự báo từ trước.

Gardner nói: “Nếu Nga cắt xuất khẩu khí đốt sang Đức, chính phủ nước này có thể đưa ra chính sách hạn chế tiêu thụ khí đốt. Các hộ gia đình sẽ được bảo vệ, vì vậy, các ngành công nghiệp, đặc biệt là hóa chất và luyện kim, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dẫn đến một cơn suy thoái sâu”.

Theo CNBC

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới