Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu đạt thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong mùa đông

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để ứng phó với nguy cơ Nga cắt giảm thêm dòng chảy khí đốt, hôm 26-7, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm tiêu thụ 15% khí đốt trong mùa đông này. Quyết định này đưa ra sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo giảm lưu lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20%.

EU nhất trí cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong mùa đông khi Nga liên tục bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang khu vực này. Ảnh: Reuters

AP đưa tin các Bộ trưởng Năng lượng EU đã tán thành một thỏa thuận được thiết kế để giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở khu vực trong giai đoạn từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023. Thỏa thuận cho phép các nước EU tự nguyện thực hiện các biện pháp hạn chế tiêu thụ khí đốt và, nếu chúng vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu nói trên, các hành động giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc có thể kích hoạt khắp 27 nước thành viên của khối này.

“Tôi biết rằng quyết định đó không hề dễ dàng, nhưng tôi nghĩ, cuối cùng, mọi người đều hiểu rằng sự hy sinh này là cần thiết”, Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Czech, Jozef Sikela nói với các phóng viên sau khi chủ trì cuộc họp tại Brussels (Bỉ).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen hoan nghênh động thái này và nói trong một tuyên bố rằng: “EU đã thực hiện một bước dứt khoát để đối mặt với mối nguy Tổng thống Nga, Vladimir Putin cắt đứt hoàn toàn dòng chảy khí đốt”.

Các Bộ trưởng Năng lượng EU thông qua thỏa thuận trên một ngày sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ cắt giảm lưu lượng khí đốt cung cấp vào đường ống Nord Stream 1 tới Đức xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27-7. Trước đó, công suất của Nord Stream 1 đã bị hạn chế ở mức 40%.

Thông báo này đã đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, và đang cao gấp hơn năm lần so với mức một năm trước.

Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi nước này phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi cuối tháng 2, có khoảng 12 nước thành viên EU đã chứng kiến tình trạng gián đoạn hoặc bị cắt giảm dòng chảy khí đốt từ Nga.

Gazprom giải thích việc cắt giảm công suất của Nord Stream 1 là do sự chậm trễ của nhà sản xuất trong việc giao lại một tuốc-bin của đường ống này, vốn trước đó được gửi sang Canada để bảo trì. Hôm 26-7, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết sẽ có thêm một tuốc-bin của đường ống Nord Stream 1 dừng hoạt động vì cần phải bảo trì.

Ông Peskov nói: “Tình hình đã trở nên vô cùng phức tạp do các hạn chế và lệnh trừng phạt áp đặt đối với đất nước chúng tôi. Nếu không có những hạn chế này, tất cả hoạt động bảo trì, bảo hành và những dịch vụ khác sẽ diễn ra bình thường và nhanh chóng”.

Theo thỏa thuận mà các Bộ trưởng Năng lượng EU đạt được, trong mùa đông tới, 27 nước thành viên của khối này sẽ tự quyết định cách cắt giảm tiêu thụ khí đốt 15% so với mức tiêu thụ trung bình hàng năm của họ trong 5 năm qua nhưng với điều kiện phải bảo đảm nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình.

Chẳng hạn, Pháp muốn tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm nhiệt độ của hệ thống sưởi ở các văn phòng làm việc vào mùa đông và đảm bảo rằng máy điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng và cửa hàng sử dụng điện hiệu quả hơn.

Nếu vẫn lo ngại sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong tám tháng tới, EC  có thể tuyên bộ tình trạng khẩn cấp để yêu cầu các nước EU bỏ phiếu để kích hoạt một hệ thống cắt giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc trên toàn khối. Ngoài ra, bất kỳ 5 nước thành viên EU nào cũng có thể yêu cầu một cuộc bỏ phiếu như vậy nếu họ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về nguồn cung khí đốt.

Ba quốc đảo không được kết nối với mạng lưới khí đốt của EU  gồm Cộng hòa Síp, Ireland và Malta  sẽ được miễn tiết kiệm năng lượng bắt buộc. Ngoài ra, những nước thành viên EU ít kết nối với mạng lưới khí đốt của EU, hoặc đang đối mặt với sự cố về nguồn cung cấp điện, có quyền nộp đơn xin từ chối giảm tiêu thụ khí đốt theo mục tiêu bắt buộc 15%.

Thỏa thuận được xây dựng dựa trên các đề xuất mà EC đưa ra vào ngày 20-7. EC cho biết việc tiết kiệm khí đốt sẽ giúp cả khối vượt qua mùa đông nếu Nga dừng hoàn hoàn nguồn cung khí đốt.

Dù đồng ý cấm nhập khẩu dầu thô và than từ Nga bắt đầu từ cuối năm nay, EC đã “né” trừng phạt hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga vì Đức, Ý và một số nước thành viên EU khác phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt nhập khẩu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, người cũng chịu trách nhiệm về lĩnh vự năng lượng, cho biết: “Đức đã mắc sai lầm chiến lược trong quá khứ khi phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga với niềm tin rằng nó sẽ chảy liên tục và có giá rẻ. Nhưng đó không phải là vấn đề của riêng nước Đức”.

Sự gián đoạn trong thương mại năng lượng của Nga với EU đã đẩy lạm phát ở châu Âu lên mức cao kỷ lục và có nguy cơ gây ra cơn suy thoái kinh tế.

Thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt của EU đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong quá trình hội nhập chính sách và quản lý khủng hoảng của khối này. Trong quá khứ, các sáng kiến lập pháp của EU trong lĩnh vực năng lượng thường đòi hỏi nhiều tháng hoặc nhiều năm đàm phán.

“Chúng tôi có một kế hoạch chi tiết để cùng phối hợp hành động. Đây là cuộc sát hạch cho sự đoàn kết và quyết tâm của EU”, Cao ủy phụ trách năng lượng của EU, Kadri Simson nói sau khi thỏa thuận được ký kết.

Giới phân tích cho rằng giảm tiêu thụ khí đốt 15% sẽ giúp EU tránh được tình trạng mất điện và cơn suy thoái kinh tế sâu. Nhưng các nước EU sẽ phải đưa ra những sự lựa chọn lựa khó khăn khi quyết định ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng nào phải hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Theo AP, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới