Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu giảm trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu giảm trợ cấp trực tiếp cho nông nghiệp

Ông Lemétayer, chủ tịch FNSEA cho rằng quyết định dỡ bỏ hạn ngạch sữa là vô trách nhiệm.

(TBKTSG Online) – Sau những thương lượng kéo dài, thứ năm tuần rồi (20-11) các nước châu Âu đã đồng ý điều chỉnh Chính sách nông nghiệp chung thông qua việc dỡ bỏ lũy tiến hạn ngạch sữa và giảm trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp.

Sau 18 giờ thương thảo để khai sinh ra một thỏa thuận giữa 27 bộ trưởng nông nghiệp tập trung tại Bruxelles (Bỉ), ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp, bà Mariann Fischer Boel đã thở phào nhẹ nhỏm. “Đây là quyết định không dễ dàng chút nào”, bà nói. Trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp sẽ ít đi và các dự án môi trường tăng lên là kết quả đạt được thông qua việc điều chỉnh Chính sách nông nghiệp chung (PAC) áp dụng trong 5 năm, trong khi chờ đợi cuộc đại cải cách ngân sách của PAC sau năm 2013 (hiện PAC chiếm 40% ngân sách của Liên minh châu Âu).

Tờ L’Expansion cho biết việc điều chỉnh trên là theo xu hướng tự do được khởi động với cuộc cải cách năm 2003 nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa số tiền trợ cấp và số lượng nông sản. Giá cả và thu nhập nông nghiệp nhìn chung thường gắn với quy luật cung cầu trên thị trường nhiều hơn là với mức trợ cấp. Theo lộ trình, trợ cấp cho sản xuất nông nghiệp sẽ giảm dần để có thể tài trợ các dự án bảo vệ môi trường trong giới nông thôn (tiết kiệm năng lượng, ít sử dụng nitrate…) và tái tạo giá trị cho các miền quê.  

Lần đầu tiên, những nông trang rộng lớn nhận hơn 300.000 euro/năm sẽ phải chứng kiến khoản trợ cấp dành cho họ bị thu hẹp với tỷ lệ cao hơn các nông trang nhỏ. Theo tính toán của bộ trưởng nông nghiệp Đức Ilse Aigner, các nhà nông ở nước này sẽ mất khoản 240 triệu euro trợ cấp mỗi năm.

Về hạn ngạch sữa được áp dụng năm 1984 nhằm ngăn ngừa tình trạng sản xuất vượt mức, các cuộc thương lượng diễn ra rất căng thẳng. Một số nước như Ý muốn hủy bỏ hạn ngạch sữa ngay lập tức do nhu cầu thế giới đang tăng cao, trong khi các quốc gia khác muốn giữ nguyên hạn ngạch vì lo sợ việc mở van điều tiết sẽ làm giá sữa tụt giảm mạnh hơn nữa và khiến một số người nuôi bò sữa phá sản. Theo quyết định cuối cùng, hạn ngạch sẽ tăng 1%/năm trong vòng 5 năm trước khi biết mất hẳn vào năm 2015. Nước Ý được chấp thuận tăng 5% cho một lần. Các nước lo ngại tình trạng này như Đức hoặc Pháp có thể trợ cấp có trọng điểm cho người chăn nuôi bò sữa tại những vùng núi khó khăn để giúp họ thích nghi với tình hình mới.

Bình luận về kế hoạch trên, ông Jean-Michel Lemétayer, chủ tịch FNSEA (Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn khai thác nông nghiệp Pháp) tuyên bố với AFP rằng đây là một quyết định vô trách nhiệm khi đối chiếu với thị trường sữa châu Âu. “Đang thời khủng hoảng tài chính, quyết định gia tăng sản lượng sữa trong khi thị trường đã bão hòa chẳng khác nào muốn giảm giá sữa của nhà sản xuất”, ông khẳng định.

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới