Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu họp khẩn sau “cú sốc Schengen”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu họp khẩn sau “cú sốc Schengen”

Phúc Minh

Châu Âu họp khẩn sau “cú sốc Schengen”
Người di cư rời thị trấn Nickelsdorf trên biên giới Áo để tiến sang Tây Âu. Ảnh EPA

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng nội vụ các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 14-9 họp khẩn để lên kế hoạch phân bố người di cư trên khắp châu lục, sau khi Đức tạo nên “cú sốc Schengen” bằng việc kiểm soát biên giới vì lượng người di cư khổng lồ tràn vào nước này.

Cuộc họp khẩn ngày 14-9 chủ yếu thảo luận về đề xuất của Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker nhằm phân bổ khoảng 160.000 người di cư đến các nước thành viên. Cuộc họp này cũng thảo luận về kẽ hở của Hiệp ước Dublin – trong đó quy định người di cư phải xin tị nạn vào nước đầu tiên mà họ đến. Tuy nhiên, cuộc họp không mang lại đột phá nào sau 6 giờ tranh luận.

Các bộ trưởng nội vụ EU bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong cuộc họp tới vào ngày 8-10.

Sự thay đổi nhanh chóng chính sách của Đức diễn ra sau khi từng thành phố của họ lần lượt thông báo không còn đủ chỗ cho hàng chục ngàn người di cư đổ vào nước này, trong khi thị trưởng thành phố Munich cảnh báo những người di cư đến đây phải ngủ trên đường phố. Trước tình cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel buộc phải tuyên bố các biện pháp kiểm soát khu vực biên giới với Áo, đi ngược lại Hiệp ước Schengen.

Mọi tuyến tàu hỏa giữa Đức và Áo chính thức ngừng hoạt động từ 5 giờ sáng ngày 14-9 giờ địa phương, trong khi hàng trăm cảnh sát Đức được triển khai để kiểm soát biên giới. Chỉ vài giờ sau đó, Cộng hòa Séc cũng tuyên bố áp đặt biện pháp tương tự đối với khu vực biên giới với Áo.

Trong khi đó, dòng người di cư tìm đường đến Đức vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Chính quyền Áo cho hay khoảng 6.700 người di cư đã đến biên giới Áo với Hungary cuối tuần trước và dự kiến còn tăng thêm khoảng 6.000–8.000 người trong những ngày tới.

Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Đức hành động đúng pháp luật khi áp đặt kiểm soát biên giới, hành động được phép thực hiện trong trường hợp khẩn cấp theo Hiệp ước Schengen, và cụ thể là cuộc khủng hoảng di cư đã đi đến giai đoạn khẩn cấp đối với Đức.

Trong khi đó, tổ chức di cư của Liên hiệp quốc cảnh báo EU cần tránh tình trạng bất đồng về các điều luật biên giới, điều có thể khiến hàng ngàn người di cư trở thành tù nhân vì vi phạm quy định.

Anh hỗ trợ 1 tỉ bảng cho các trại tị nạn, IS gửi chiến binh sang châu Âu

Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Giáo dục Li-băng Elias Bou Saab (giữa) trong chuyến thăm các trại tị nạn ở Li-băng. Ảnh EPA

Phóng viên báo Anh Telegraph.co.uk tháp tùng Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm Li-băng cho biết, có rất nhiều “phần tử cực đoan” thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIL đã thâm nhập vào châu Âu dưới vỏ bọc “người tị nạn Syria”.

Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục Li-băng Elias Bou Saab – người đi cùng Thủ tướng Cameron tới thăm các trại tị nạn của người Syria trên lãnh thổ Li-băng – nói với báo chí rằng có ít nhất 2% số người tị nạn Syria, tức là 1 trong 50 người – là “phần tử cực đoan” được ISIL cài cắm vào Âu châu qua ngả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để chuẩn bị “gây vấn đề” (cause problems).

Trong chuyến viếng thăm này, Thủ tướng Cameron cam kết Anh quốc sẽ dành khoảng 1 tỉ bảng Anh để hỗ trợ các trại tị nạn người Syria để những người này tiếp tục ở lại khu vực Trung Đông thay vì bất chấp nguy hiểm tìm đường sang Âu châu.

Thái Bình (theo Telegraph.co.uk)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới