Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu: Khủng hoảng nợ lan rộng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu: Khủng hoảng nợ lan rộng

Thái Bình

Nữ giáo viên ở Hy Lạp biểu tình ngày hôm qua 27-4 ở thủ đô Athens để phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Ảnh AP

(TBKTSG Online) – Hy Lạp đã bị đẩy tới miệng vực tài chính và bắt đầu kéo theo một nước châu Âu khác – Bồ Đào Nha – khiến cho nỗi sợ hãi về khủng hoảng nợ nần lan nhanh khắp châu Âu.

>> Hy Lạp thoát hiểm, EU chia rẽ

>> Hy Lạp – bài toán khó thách thức tham vọng lớn

>> Âm mưu… khắp nơi

Bóng ma phá sản

Hôm qua thứ Ba 27-4, thị trường chứng khoán khắp thế giới chao đảo sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s (S&P) hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của Hy Lạp xuống mức “rác” (junk) và giảm hai bậc đối với trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha. Sự hạ bậc tín nhiệm này làm cho chính phủ Hy Lạp và Bồ Đào Nha không thể vay mượn tiền trên thị trường tài chính, hoặc phải chịu lợi suất cao và phải cơ cấu lại các món nợ hiện hữu.

Hy Lạp đang vật vã với số nợ khổng lồ; và do triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu ớt, nước này có thể rơi vào tình trạng phá sản và không trả nổi tiền nợ. 15 quốc gia khác trong khối đồng tiền chung Âu châu (eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cố gắng trấn an thị trường bằng cam kết cho Hy Lạp vay 45 tỉ euro, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

S&P hôm qua cảnh báo rằng, những người nắm giữ trái phiếu do chính phủ Hy Lạp phát hành có thể sẽ bị lỗ nặng. Và điều đáng lo hơn nữa là vụ khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang lây lan nhanh sang các nước thành viên eurozone khác, cũng đang ngập trong nợ công; những nền kinh tế yếu kém có thể sẽ bị cuốn theo, kể cả nền kinh tế lớn thứ 5 của châu Âu là Tây Ban Nha. Italia chẳng hạn, có khối nợ công lớn hơn 5 lần so với Hy Lạp, cũng là một “ứng viên” của cuộc khủng hoảng này.

Thị trường đã phản ứng nhanh và quyết liệt trước nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu.

Hôm qua thứ Ba 27-4, các chỉ số chứng khoán chính của châu Âu giảm hơn 2,5%; tại Mỹ chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 200 điểm; chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm 2,6%, DAX của Đức giảm 2,7% và CAC-40 của Pháp giảm 3,8%. Các chỉ số chứng khoán của Hy Lạp và Bồ Đào Nha giảm lần lượt 6,7% và 5,4% trong khi chi phí vay vốn trên thị trường của các nước này tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu hai năm do Chính phủ Hy Lạp phát hành đã lên đến mức kỷ lục 18%/năm. Chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha và trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đã doãng ra thêm nửa điểm phần trăm vào hôm qua; hiện thời mức lãi suất trái phiếu chính phủ Bồ Đào Nha cao hơn trái phiếu Đức 5,86 điểm phần trăm – là mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu thông hơn một thập niên về trước.

Châu Âu chia rẽ

Khủng hoảng nợ đang xói mòn giá trị của đồng euro; hôm qua giá của đồng tiền này giảm thêm 1%, tới mức thấp nhất trong vòng tám tháng. Ngoài ra, khủng hoảng nợ cũng gây chia rẽ giữa các chính phủ châu Âu vào lúc CHLB Đức kiên quyết chống lại kế hoạch “cứu nguy” Hy Lạp trừ khi nước này đáp ứng những điều kiện khá khắc nghiệt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhiều lần nhắc lại lập trường của mình rằng, trước tiên Hy Lạp phải hoàn tất những cuộc thương lượng hiện hành với IMF và Liên hiệp châu Âu về những biện pháp thắt lưng buộc bụng trong những năm tới trước khi được nhận những gói tín dụng quốc tế. Theo hãng tin Đức DAPD, nói chuyện tại một buổi vận động tranh cử tối thứ Ba vừa qua, bà Merkel cho rằng, cần phải nói với người Hy Lạp” “Các bạn phải tiết kiệm, các bạn phải công bằng, các bạn phải thành thật vì nếu không, sẽ không ai giúp các bạn”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ngân hàng Morgan Stanley đang “đồn” rằng Đức có thể rút ra khỏi khối eurozone để tránh khả năng phải dốc ngân sách ra cứu nguy các nước láng giềng tiêu pha phóng túng của mình.

Tương lai mù mịt

Nhiều nhà đầu tư tin rằng Hy Lạp có đủ tiền để chi tiêu trong vài tuần tới nhưng tương lai thì khá mù mịt. Cả S&P và Bộ Tài chính Hy Lạp đều nhấn mạnh rằng, chính phủ nước này có đủ tiền để thanh toán khoản trái phiếu trị giá 8,5 tỉ euro đáo hạn vào ngày 19-5 sắp tới.

Ngay cả như vậy, người dân Hy Lạp cũng phải đối diện với nhiều năm tháng khổ hạnh, mức sống sẽ suy giảm trầm trọng. S&P cảnh báo rằng phải mất một thập niên nữa, kinh tế Hy Lạp mới khôi phục được quy mô của năm 2008.

Cả hai chính phủ Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều đã thực thi việc cắt giảm chi tiêu ngân sách bất chấp phản ứng mạnh mẽ của các nghiệp đoàn trong nước. Do sự chống đối chính trị này, thị trường tỏ vẻ hoài nghi khả năng của các chính phủ trong việc cắt giảm ngân sách nhiều hơn để lập lại trật tự trong lĩnh vực tài chính.

Cuộc khủng hoảng đang cho thấy rõ sự bất lực của khu vực đồng euro trong việc kiềm chế các chính phủ, không để cho họ lao vào nợ nần và thâm hụt ngân sách. Ngay từ đầu khu vực eurozone đã đặt ra luật hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước thành viên ở mức dưới 3% GDP, nhưng luật này hầu như không được tuân thủ; tại Hy Lạp chẳng hạn, thâm hụt ngân sách luôn ở mức 13% GDP trong nhiều năm liền. Mất bò mới lo dựng lại chuồng, bây giờ các quan chức EU mới bàn thảo các biện pháp tăng cường điều luận này song xem ra đã quá muộn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới