Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu khuyến khích đi xe đạp sau khi tái ‘mở cửa’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu khuyến khích đi xe đạp sau khi tái ‘mở cửa’

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Mở thêm các làn đường dành cho xe đạp, mở rộng không gian vỉa hè, bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng… là các biện pháp mà các thành phố châu Âu đang cân nhắc thực hiện khi họ sốt sắng nới lỏng lệnh phong tỏa để giảm tổn thương kinh tế dù dịch Covid-19 chưa được chặn đứng hoàn toàn.

Châu Âu khuyến khích đi xe đạp sau khi tái 'mở cửa'
Các nhân đang làm biển báo đường dành cho xe đạp trên một đường phố ở Berlin, Đức. Ảnh: Bloomberg

Triển khai làn đường xe đạp để giảm áp lực giao thông

Các chính quyền thành phố khắp châu Âu từ Paris cho đến Brussels đang đau đầu giải đáp câu hỏi: Làm thế nào cho phép người dân di chuyển một cách an toàn để họ có thể đi làm việc và mua sắm trở lại sau khi nới lỏng lệnh phong tỏa.

Giới chức trách ở các thành phố này đang cân nhắc nhiều biện pháp từ việc mở thêm các làn đường xe đạp, mở rộng vỉa hè cho đến tăng số lượng xe buýt.

Trước dịch Covid-19, đường phố Rue de Rivoli ở Paris (Pháp) rất sầm uất và thường mịt mù khói bởi dòng xe cộ đông đúc gồm xe hơi, xe buýt và xe đạp. Giờ đây, khi chính phủ Pháp chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tuần sau, các nhà quy hoạch ở Paris muốn chuyển đổi trục đường này thành làn đường dành cho xe đạp, cấm xe hơi nhưng xe buýt và taxi vẫn được phép hoạt động.

Rue de Rivoli chỉ là một trong nhiều đường phố ở Paris được tạm thời quy hoạch dành riêng cho xe đạp bắt đầu từ ngày 11-5.

Ngoài ra, 30 tuyến đường khác ở Paris sẽ chuyển sang dành cho người đi bộ.

Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, người từ lâu ủng hộ đi lại bằng xe đạp, đang cố gắng ngăn người dân quay trở lại sử dụng xe cá nhân khi họ lo sợ rủi ro nhiễm Covid-19 nếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Chính phủ Pháp và chính quyền Paris dự định chi 20 triệu euro để khuyến khích người dân đi xe đạp, bao gồm xây dựng các làn đường xe đạp tạm thời với tổng chiều dài 50km nằm dọc theo các tuyến đường lớn, phát 50 euro để giúp người dân sửa chữa xe đạp cũ và mở các lớp tập đi xe đạp miễn phí cho những người yếu kỹ năng hoặc sợ đi xe đạp.

Trước khi dịch Covid-19 ập đến, chính quyền Paris đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đi xe đạp lên 20% trong số những người đi làm. Giờ đây, các lãnh đạo thành phố Paris hy vọng dịch Covid-19 sẽ giúp thúc đẩy nhanh mục tiêu này.

“Nếu mọi người sử dụng xe hơi trở lại, đó sẽ là cơn ác mộng. Giấc mơ thầm kín của chúng tôi là các làn đường xe đạp tạm thời sẽ trở thành vĩnh viễn”, Jean-Louis Missika, Phó thị trưởng Paris phụ trách mảng quy hoạch thành phố, nói.

Bộ trưởng Môi trường Pháp, Elisabeth Borne, cho biết chính phủ đang đốc thúc một chương trình buộc chủ sở hữu lao động chi trả 400 euro chi phí đi lại mỗi năm cho những nhân viên đi làm bằng xe đạp.

Nếu được thực hiện, dự án chỉnh trang giao thông ở phố Rue de Rivoli tại Paris sẽ là một ví dụ tiêu biểu ở châu Âu cho thấy nỗ lực tái sắp đặt giao thông để đáp ứng những đòi hỏi mới trong thời kỳ dịch bệnh.

Các dự án khác của Paris bao gồm cho phép các quán cà phê và nhà hàng sử dụng không gian vỉa hè nhiều hơn để giảm tải lượng khách bên trong hoặc đóng cửa các đường phố xung quanh các trường học để tránh tình trạng tập trung đông người vào thời điểm đưa đón học sinh.

Các thành phố khác ở châu Âu cũng đang khuyến khích người dân đi xe đạp để giảm áp lực giao thông công cộng. Chẳng hạn, Milan (Ý) đang thiết kế các làn đường xe đạp mới dài 35km, trong khi đó, Brussels (Bỉ) muốn xây dựng các làn đường xe đạp dài 40km. Berlin (Đức) đang bổ sung làn đường xe đạp rộng ở một số tuyến đường lớn để giúp người đi xe đạp dễ dàng giữ khoảng cách với nhau.

Thị trưởng London (Anh), Sadiq Khan và Sở Giao thông London (TfL), cũng vừa công bố chương trình cải tạo không gian đường phố London với mục tiêu mở rộng chiều dài các làn đường xe đạp lên gấp 10 lần và tăng không gian vỉa hè lên gấp 5 lần sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. TfL cho rằng mở rộng vỉa hè cho phép người dân có không gian rộng rãi để xếp hàng mua sắm trước các cửa hiệu và giữ khoảng cách an toàn khi đi bộ.

Bắt buộc mang khẩu trang và giãn cách khi đi tàu, xe buýt

Khách chen chúc đặc kên trên các tàu điện ngầm, xe buýt, tàu lửa tạo các điều kiện thuận lợi cho virus Covid-19 lây lan nhưng các tuyến đường nơi mà chúng đi qua là các huyết mạch giao thông quan trọng, đưa người lao động từ các vùng ngoại ô đến các công sở, cửa hiệu ở nội đô.

Để bảo đảm không gian giao thông công cộng dành riêng cho những người thực sự cần nó, giới chức trách ở các thành phố châu Âu đang yêu cầu các công ty cho phép người lao động làm việc từ xa tại nhà nếu có thể và phân chia giờ làm việc so le nhau đối với từng nhóm doanh nghiệp để tránh tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm.

Chính quyền Paris cho biết sẽ bắt buộc người dân mang khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội trên phương tiện giao thông cộng khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào tuần tới. Trong tuần này, các ô tròn màu trắng với khoảng cách 1 mét xuất hiện tại các nhà ga ở Paris, trong khi đó, các sticker màu xanh da trời có dòng chữ: “Vì sức khỏe người, xin vui lòng để trống ghế này”  được dán trên các ghế ngồi trên tàu.

Chính sách này gây tranh cãi và bị các công ty vận hành xe buýt và các tuyến tàu phản đối vì họ cho rằng nó sẽ khiến công suất vận chuyển hành khách giảm chỉ còn 1/3 so với mức bình thường. Chẳng hạn, một chiếc xe buýt thường chở 60 người nhưng giờ đây chỉ có thể chở 20 người. Tương tự, một tàu điện ngầm sẽ chở 180 khách thay vì 700 khách theo công suất thiết kế.

Trong thư gửi cho Thủ tướng Pháp, Edouard Philippe, Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (RATP) và Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) đề xuất hành khách chỉ cần mang khẩu trang thay vì giữ khoảng cách trên các phương tiện giao thông công cộng.

“Chúng tôi cho rằng mang khẩu trang và tránh thực thi các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội là cách tốt nhất để thoát ra khỏi tình trạng phong tỏa. Nếu làm khác đi, chúng tôi lo ngại tình hình có thể hỗn loạn”, bức thư viết.

Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Île-de-France, quản lý 8 tỉnh bao gồm Paris, thừa nhận nhà chức trách đang căng thẳng với RATP và SNCF vì họ dọa sẽ dừng hoạt động một số tuyến tàu và nhà ga nếu họ không thể quản lý giãn cách xã hội.

Bà cho biết chính quyền cần đến 5.000 nhân sự để giám sát các quy định giãn cách xã hội trên các phương tiện giao thông công cộng. Bà nói: “Đó là sẽ một thách thức khổng lồ”.

Các ô màu trắng phân định khoảng cách giữa các khách hàng ở phòng chờ của nhà ga xe lửa Gare du Nord ở Paris, Pháp. Ảnh: Bloomberg.

Mohamed Mezghani, Tổng Thư ký Hiệp hội giao thông công cộng quốc tế (UITP) cho biết phần lớn nhà chức trách ở châu Á đều không bắt buộc thực hiện giãn cách trên phương tiện giao thông công cộng. Thay vào đó, các công ty vận hành xe buýt sẽ bổ sung thêm xe buýt và yêu cầu hành khách mang khẩu trang để hạn chế nguy cơ lây lan virus Covid-19.

Ông nói: “Tại châu Á, người dân đã quen với việc mang khẩu trang nhưng chuyện này ở châu Âu là điều hoàn toàn mới. Khác biệt lớn ở châu Á là họ không cố thực hiện biện pháp giãn cách trên các phương tiện giao thông công cộng”.

Ý cũng đang có cách tiếp cận tương tự như Pháp khi yêu cầu mang khẩu trang và thực hiện giãn cách trên phương tiện giao thông công cộng.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez, cho biết việc mang khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng là điều được khuyến nghị cao độ và nên duy trì sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Tại Đức, chính sách mỗi vùng mỗi khác nhưng ở Berlin, mang khẩu trang trên tất cả phương tiện giao thông công cộng là quy định bắt buộc nhưng hành khách không bị đòi hỏi thực hiện biện pháp giãn cách.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới