Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu kỳ vọng mua sắm mùa lễ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu kỳ vọng mua sắm mùa lễ

Ngọc Ý

(TBKTSG) – Từ tuần trước, đại lộ Champs Elysées, con đường mua sắm nổi tiếng ở Paris, đã làm lễ thắp đèn cho mùa Giáng sinh, rất sớm so với thường lệ. Lần cũng thắp sáng đại lộ sớm như thế gần nhất là năm 2008, cũng nhằm kéo dài thêm những tuần lễ trước Giáng sinh, với cùng lý do, là niềm hy vọng thu hút người dân mở hầu bao mua sắm nhằm cứu vãn nền kinh tế. Pháp giờ đã trở thành một trong những nền kinh tế yếu nhất khu vực đồng euro.

Châu Âu kỳ vọng mua sắm mùa lễ
Mùa lễ Tạ ơn hàng năm là thời gian tất bật của các nhà kinh doanh Âu-Mỹ. ảnh Internet

Mặc dù Lễ tạ ơn (ThanksGiving) và ngày mua sắm Thứ Sáu đen tối (Black Friday) ngay sau đó là một nét văn hóa rất Mỹ, nước Anh cũng không ngại du nhập văn hóa này mấy năm trở lại đây cũng nhằm vực dậy cầu mua sắm. Các nhà bán lẻ của Amazon đưa các chương trình Black Friday vào Anh từ năm 2011, rồi được nhiều nhà bán lẻ hưởng ứng sau đó. Đến năm 2013 thì mua sắm Black Friday đã là thành nếp không những ở Anh, mà cả Pháp và Đức.

Một khảo sát mới đây của Ngân hàng Barclays về mua sắm trực tuyến lẫn cửa hàng cho thấy 65% các nhà bán lẻ ở Anh đưa ra chương trình khuyến mãi cho Black Friday, và 69% kỳ vọng doanh số tăng mạnh so với các năm trước. Theo một khảo sát của Verdict với 10.000 người mua sắm Anh, đến 47% sẽ tham gia ngày mua sắm này, và 67% phụ nữ cho biết sẽ mua gì đó.

Đây là một thay đổi khá lớn trong thói quen mua sắm vào mùa lễ, bởi trước đây ở Anh chỉ giảm giá sau mùa Giáng sinh, với quan niệm ai mà mặc cả giá cao thấp khi mua quà cho người thân vào ngày lễ lớn nhất năm?

Tuy nhiên, Anh, Pháp, hay khối đồng tiền chung châu Âu có lẽ đã “nếm mùi” suy giảm kinh tế sau những năm thắt lưng buộc bụng, và không ngại ngần thay đổi những thói quen cố hữu nhất.

Ngày 25-11, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong hội nghị kinh tế thường niên của mình, đã cảnh báo sự trì trệ của khối đồng euro là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và gây sức ép buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế. OECD nhận định, khu vực đồng euro có nguy cơ giảm phát nếu đình trệ tăng hoặc lạm phát kỳ vọng xuống thấp hơn, và “có thể rơi vào bẫy đình trệ lâu dài”. Mức lạm phát dự báo 0,6% cho khu vực này năm tới và 1% năm 2016 là khá bi quan so mức dự báo của chính Liên hiệp châu Âu và thấp hơn xa mức sát dưới 2% mà ECB đưa ra.
OECD cũng kêu gọi các chính phủ khối đồng tiền châu Âu tìm các biện pháp linh hoạt để kích thích kinh tế. Tổ chức này cho rằng Pháp và Ý đã đưa ra đề xuất “phù hợp” trong dự thảo ngân sách 2015, theo đó hai nước sẽ phải giảm bớt nhịp độ điều chỉnh cấu trúc tài chính hiện nay. Cả Pháp và Ý đều không đạt các chỉ tiêu của Liên hiệp châu Âu về thâm hụt ngân sách và nợ công (Pháp thâm hụt chiếm 4,3% GDP so với mức trần 3% EU đưa ra, còn Ý mức nợ công đang là 133,4%GDP, cao hơn gấp hai lần mức trần của EU).

Để tránh nguy cơ giảm phát, cũng đầu tuần này, Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố sẽ “làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng nhanh nhất có thể”. Vị chủ tịch ECB cũng khẳng định, nếu các biện pháp kích thích hiện tại không giúp cải thiện tình hình lạm phát và kinh tế của khối đồng euro trong những tháng tới thì ECB sẽ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính thông qua việc mở rộng quy mô, tốc độ và thành phần của chương trình mua tài sản.

Ông Draghi cho biết, ngân hàng đang xem xét khả năng triển khai chương trình mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn – chính sách nới lỏng định lượng mà Mỹ, Nhật Bản và Anh từng áp dụng.

Theo WSJ, Reuters, Forbes, AP

Kinh tế toàn cầu hồi phục

Kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trong hai năm tới, nhưng Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm hơn dự báo, trong khi khối đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt với kinh tế đình trệ và gia tăng nguy cơ giảm phát, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD vừa tuyên bố vào thứ Ba tuần này.
Mỹ và Anh sẽ tăng trưởng mạnh hơn khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật. Còn với nhóm các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi sẽ hồi phục vững chắc. Kinh tế Nga sẽ đình đốn (Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga vừa cho biết giá dầu sụt giảm cộng với tác động của cấm vận kinh tế với Nga khiến đất nước này thiệt hại 140 tỉ đô la Mỹ trong năm nay). Kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong năm tới, theo các chuyên gia OECD.

OECD dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm nay, 3,7% năm 2015 và 3,9% năm 2016, khẳng định lại những dự báo đã được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 đầu tháng này, duy chỉ có dự báo phát triển của Nhật trong năm tới đã hạ xuống 0,8 điểm phần trăm sau những suy thoái bất ngờ của quí 3. Tuy nhiên, OECD vẫn kỳ vọng Nhật sẽ hồi phục khi lợi nhuận khối doanh nghiệp vẫn cao và đồng yen yếu sẽ giúp nước này xuất khẩu tốt hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới