Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu: Lo sợ khủng hoảng lan rộng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu: Lo sợ khủng hoảng lan rộng

Thái Bình

Biểu tình rầm rộ ở Hy Lạp hôm qua làm cho cuộc khủng hoảng ở châu Âu thêm nghiêm trọng. Ảnh AFP

(TBKTSG Online) – Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, đẩy thị trường Wall Street vào phiên giao dịch tồi tệ nhất ba tháng qua vì lo ngại rằng bất chấp biện pháp cứu nguy Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu có thể lan rộng sang các nước yếu kém khác trong khu vực đồng euro.

Theo ghi nhận của hãng tin AP, một nỗi lo sợ đang bao trùm các thị trường tài chính khi các nhà đầu tư dự đoán cuộc khủng hoảng châu Âu có thể làm “trật đường ray” công cuộc hồi phục kinh tế toàn cầu.

Các công ty Mỹ chuyên bán hàng sang châu Âu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, bị thiệt hại nặng. Kết thúc phiên giao dịch thứ Ba ngày 4-5, tức sáng sớm hôm nay giờ Việt Nam, cổ phiếu của tập đoàn máy tính Hewlett-Packard (HP) giảm 3,9%, còn 50,64 đô la Mỹ/cổ phiếu, của tập đoàn thiết bị xây dựng Caterpillar giảm 4,6%, còn 66,7 đô la Mỹ/cổ phiếu.

Cổ phiếu của các hãng hàng không cũng sụt giảm, chỉ số chứng khoán Arca Airline Index – phản ánh giá cổ phiếu các công ty hàng không giao dịch tại thị trường chứng khoán New York – giảm 5,4% sau một đợt tăng giá gần đây. Các chỉ số cổ phiếu ngành nguyên vật liệu do Reuters lập giảm 2,3% và do S&P lập giảm 3,5%.

Tính chung lại, đợt bán tháo cổ phiếu do lo ngại khủng hoảng nơ ở châu Âu vào hôm qua đã làm chỉ số Dow Jones mất đi 225 điểm, hoặc 2,02%; chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 28,66 điểm (2,38%) và chỉ số Nasdaq giảm 74,49 điểm (2,98%).

Tại châu Á sáng nay thứ Tư 5-5 các thị trường Nhật, Thái Lan và Hàn Quốc đóng cửa nhưng chỉ số tổng hợp MSCI Asia-Pacific giảm 1,5%, chỉ số chứng khoán Úc giảm 1,8% và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2%.

Trên thị trường tiền tệ, hôm qua đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua, 1 euro chỉ còn ăn được 1,31 đô la Mỹ vào hôm qua và sáng nay chỉ còn 1,2936 đô la Mỹ tại thị trường châu Á. Joanthan Cavenagh, nhà phân tích tiền tệ ở công ty Westpac, Sydney, Úc dự báo trong ngắn hạn 1 euro chỉ còn ăn 1,25 đô la Mỹ. Đồng euro cũng giảm giá 1,6% so với yen Nhật, hiện dao động dưới mức 1 euro ăn 123 yen Nhật.

Ở Hy Lạp, cuộc đình công trên toàn quốc trong 48 giờ để phản đối những biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ đã làm cho đất nước gần như tê liệt, công sở, trường học, bệnh viện và các dịch vụ công cộng khác đều đóng cửa. Cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán người biểu tình tập trung phản đối trước trụ sở quốc hội nước này.

“Thị trường tài chính đang đánh cược vào sự phá sản của Hy Lạp, còn dân chúng Hy Lạp thì không chấp nhận những điều kiện của biện pháp giải cứu, do đó không ai tin vào tác động của gói giải cứu mà EU và IMF dành cho Hy Lạp”, ông Dean Popplewell, nhà phân tích chính về tiền tệ của công ty môi giới Oanda tại Toronto, Canada nhận xét.

Một nỗi lo ngại khác là chính phủ Hy Lạp có thể đang chuẩn bị “cơ cấu lại” nợ công – theo đó người nắm giữ trái phiếu nước này có thể bị mất vốn. Tin đồn cơ cấu nợ được loan đi khi chính phủ nước này yêu cầu công ty chuyên cơ cấu nợ Lazard cung cấp “sự tư vấn tài chính tổng quát”. (Gần đây Lazard đã tư vấn cho các chính phủ Argentina, Ecuador và Bờ biển Ngà cơ cấu lại nợ chính phủ để tránh phá sản). Tuy nhiên, bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou khẳng định với hãng tin Reuters rằng hiện không có vấn đề cơ cấu lại nợ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero cũng bác bỏ thẳng thừng tin đồn rằng nước ông sắp yêu cầu được EU hỗ trợ 280 tỉ euro để tránh khủng hoảng nợ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới