Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc: Ba mô hình chiến lược trí thông minh nhân tạo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc: Ba mô hình chiến lược trí thông minh nhân tạo

TS. Lê Thiên Hương

(KTSG) – Bài viết này chỉ ra sự khác biệt trong cách tiếp cận của các nước EU với hai quốc gia hàng đầu khác trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (AI : Artificial Intelligence), đó là Mỹ và Trung Quốc.

Bài viết Trí thông minh nhân tạo – thấy gì từ dự thảo luật của EU? đăng trên Kinh tế Sài Gòn số 26 ra ngày 24-6-2021 đã chỉ ra những điểm chủ chốt trong dự thảo luật về AI của Liên minh châu Âu (EU). Như nhiều người đã biết, đây sẽ là khuôn khổ pháp lý chung đầu tiên về AI của các nước EU, với mục đích đảm bảo an ninh cũng như bảo vệ các quyền căn bản của cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sáng tạo và đầu tư phát triển công nghệ AI ở khu vực này.

Có thể nói, cách tiếp cận của EU là một “đường lối thứ ba”, rất đặc trưng cho giá trị chung châu Âu, và dựa trên nguyên tắc chính là bảo vệ một cách hiệu quả an ninh an toàn và quyền lợi cho công dân EU. Cách tiếp cận của EU, tuy có một số điểm giao thoa, nhưng về căn bản, lại rất khác cách tiếp cận của Mỹ, hay Trung Quốc.

Mỹ và “đường lối thứ nhất”

EU đang có tham vọng xây dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và chi tiết, cũng đồng nghĩa với việc dành rất ít chỗ cho sự tự điều chỉnh của thị trường, vốn khá phổ biến ở Mỹ; so với Mỹ thì EU nhấn mạnh hơn vào việc sử dụng AI trong các dịch vụ công cộng và vì lợi ích chung của người dân.

Còn Trung Quốc tập trung vào sự can thiệp, điều chỉnh của nhà nước, nhằm biến công nghệ AI thành một công cụ phát triển kinh tế cũng như đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội.

Sắc lệnh 13859 liên quan tới việc duy trì vị trí hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI, ký ngày 11-2-2019 của Tổng thống Mỹ Donald Trump (Executive Order 13859 on Maintaining Leadership in Artificial Intelligence), đã đánh dấu sự khởi đầu của Chương trình AI Mỹ (American AI Initiative).

Chiến lược AI của quốc gia hàng đầu thế giới này nhấn mạnh vào mục tiêu căn bản là giữ vị trí đứng đầu thế giới của Mỹ cả về khoa học, công nghệ lẫn kinh tế trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển AI.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Mỹ tập trung vào chính sách đào tạo nhân lực, cũng như nâng cao sự tin tưởng của người dân qua việc đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền về đời tư cũng như giá trị Mỹ.

Dưới chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mục tiêu này không thay đổi. Ngày 1-3-2021, Ủy ban An ninh quốc gia về AI Mỹ (NSCAI: National Security Commission on Artificial Intelligence) đã đưa ra báo cáo gửi cho tổng thống mỹ và quốc hội về vấn đề này.

Đầu tiên, báo cáo nhấn mạnh sự tác động sâu rộng của trí thông minh nhân tạo đối với cuộc sống: “AI là một lĩnh vực bao gồm nhiều lĩnh vực… Nó là chìa khóa để tái cấu trúc lại cuộc sống của toàn thế giới”. Báo cáo này cũng chỉ ra những nguy cơ mà nước Mỹ có thể phải đối mặt: “Lần đầu tiên kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, vị trí đứng đầu thế giới của nước Mỹ trong lĩnh vực công nghệ – xương sống của quyền lực kinh tế và quân sự Mỹ – đang bị đe dọa. Trung Quốc đang sở hữu những sức mạnh, khả năng và tham vọng để có thể vượt lên Mỹ để giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực AI vào thập kỷ tới, nếu như (nước Mỹ) không có sự thay đổi”.

Báo cáo còn chỉ ra nguy cơ tấn công an ninh mạng đến từ Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác, nhằm ăn cắp dữ liệu và gây bất ổn. Vì thế, NSCAI đề xuất một chiến lược “tái cấu trúc chính phủ, định hướng lại quốc gia, và tìm kiếm đồng minh thân cận trong việc bảo vệ nước Mỹ cũng như cạnh tranh trong kỷ nguyên mà AI đang là nhân tố thúc đẩy mọi cạnh tranh và xung đột”.

Báo cáo tập trung vào tìm cách giải quyết các nguy cơ mà AI đặt ra, đồng thời thúc đẩy công nghệ AI để gia tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của nước Mỹ cũng như bảo vệ các lợi ích căn bản khác. Ví dụ, NSCAI nhấn mạnh sự cần thiết thu hút nhân tài trong lĩnh vực AI ở trong nước và ngoài nước, sửa đổi hệ thống luật về sở hữu trí tuệ hiện tại (coi đây là một “ưu tiên an ninh hàng đầu”), duy trì những lợi thế công nghệ kinh tế của nước Mỹ, thúc đẩy sản xuất nội địa vi mạch điện tử…

Ngày 10-6-2021, chính phủ Mỹ  thông báo việc thành lập Lực lượng nghiên cứu nguồn lực về AI quốc gia (National Artificial Intelligence (AI) Research Resource Task Force), có nhiệm vụ chuẩn bị lộ trình phát triển các công cụ giáo dục để thúc đẩy sự phát triển công nghệ AI cũng như ứng dụng của nó ở nước Mỹ.

“Đường lối thứ hai” của Trung Quốc

Nếu như chính sách của Mỹ được coi là “đường lối thứ nhất”, thì ta có thể nói đến chính sách của Trung Quốc như “đường lối thứ hai”.

Đây là một quốc gia có nhiều tiềm lực trong AI, cũng như nhiều tham vọng. Năm 2017, Trung Quốc đã chính thức xây dựng chiến lược về AI, mang tên “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” (New Generation Artificial Intelligence Development Plan) với mục đích trở thành cường quốc công nghệ về AI cũng như đặt ra giá trị tiêu chuẩn đạo đức “kiểu Trung Quốc” về AI.

Quốc gia này rõ ràng là có cách tiếp cận khác so với Mỹ và EU, như tập trung vào sự can thiệp, điều chỉnh của nhà nước, nhằm biến công nghệ AI thành một công cụ phát triển kinh tế cũng như đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội ở đất nước này (việc dùng công nghệ AI “social scoring” (chấm điểm xã hội) ở Trung Quốc vốn không được mấy ủng hộ ở các nước phương Tây).

Một số công ty hàng đầu, được gọi là “vô địch quốc gia về AI”, được chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện để bứt phá, như Baidu trong lĩnh vực ô tô không người lái, Alibaba trong việc phát triển các “smart city” (thành phố thông minh) hay Tencent trong lĩnh vực chẩn đoán y học. AI cũng được khuyến khích sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, xét xử của tòa án… ở Trung Quốc.

Về an ninh an toàn cũng như tính đạo đức trong việc sử dụng AI, tuy không được như ở các quốc gia EU, nhưng một số trao đổi về vấn đề này trong dư luận cũng đang nổi lên ở Trung Quốc, ví dụ Viện nghiên cứu Tencent cũng có xuất bản sách kêu gọi, cảnh báo những nguy cơ về an ninh an toàn cá nhân do AI đặt ra.

Quay lại “đường lối thứ ba” của EU, có thể thấy rằng EU đang có tham vọng xây dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và chi tiết, cũng đồng nghĩa với việc dành rất ít chỗ cho sự tự điều chỉnh của thị trường, vốn khá phổ biến ở Mỹ (thể hiện qua các bộ ứng xử, label hay giấy chứng nhận do các doanh nghiệp tư nhân tự xây dựng).

Cũng xin bổ sung là, đối với những lĩnh vực chứa đựng nhiều “nguy cơ”, dự án luật của EU cũng có đề cập tới giải pháp “sand-box” – cho phép thử nghiệm công nghệ mới dưới sự kiểm soát của cơ quan chính phủ, trước khi được phép đưa ra thị trường. Ngoài ra, so với Mỹ thì EU nhấn mạnh hơn vào việc sử dụng AI trong các dịch vụ công cộng và vì lợi ích chung của người dân, vốn luôn là nguyên tắc nền tảng của EU.

Hướng tới sự “vượt trội” và “niềm tin” của người dân EU, EU đặt ra những mục tiêu rất thuyết phục, nhưng đối đầu với Mỹ và Trung Quốc vốn cạnh tranh rất quyết liệt, mô hình này liệu có thể thành công và trở thành hình mẫu của thế giới?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới