Châu Âu tích cực giảm thâm hụt ngân sách
Phúc Minh
![]() |
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát đối với chính sách ngân sách. Ảnh: TL |
(TBKTSG Online) – Các nước châu Âu nhận biết sâu sắc sự cần thiết phải giảm thâm hụt ngân sách để tránh khủng hoảng tài chính và đang tích cực thực hiện giảm thâm hụt.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet ngày 21-6 tham dự phiên điều trần hàng quí do Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ thuộc Nghị viện châu Âu tổ chức nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát đối với chính sách ngân sách.
Trong bài phát biểu của mình, ông Trichet cho biết kinh tế của khu vực đồng euro “tiếp tục phục hồi” trong nửa đầu năm nay, dự kiến sẽ tăng trưởng vừa phải trong nửa cuối năm. Bài phát biểu cũng khẳng định áp lực lạm phát trung hạn cần được “kiểm soát tốt”.
Đức thực hiện cam kết với G20
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết Đức đang thực hiện các chiến lược để thoát ra khỏi chính sách kích thích tài chính theo cam kết với G20 và sẽ không vi phạm yêu cầu của quốc tế về chiến lược phối hợp tăng trưởng bền vững.
Ông Schaeuble nói: “Không ai có thể phản bác nợ công quá cao là một trong những yếu tố chính dẫn đến khủng hoảng tài chính. Do đó, chính phủ cần cắt giảm nợ công”.
Hy Lạp: Biện pháp giảm thâm hụt loại bỏ lo ngại của các nhà đầu tư
Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou, ngày 21-6 nói các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ nước này sẽ loại bỏ những lo ngại của nhà đầu tư đối với Hy Lạp. Ông cũng cho biết giải quyết khủng hoảng tài chính là thách thức về chính trị và kinh tế mà ông phải vượt qua.
Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ thực hiện các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách từ 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xuống còn 3% GDP theo mức trần của Liên minh châu Âu (EU).
Anh tăng thuế, giảm chi
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ngày 22-6 công bố dự toán ngân sách khẩn cấp, giảm thâm hụt thông qua các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công.
Ông Osborne cho biết 80% của biện pháp thắt chặt tài chính là cắt giảm chi tiêu công, 20% tăng thu thuế.
Viện nghiên cứu tài chính Anh (IFS) ước tính muốn loại bỏ thâm hụt ngân sách vào năm 2015, chính phủ Anh cần cắt giảm ngân sách 85 tỉ bảng Anh, tương đương 5,7% GDP.
(theo VOA)