Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga với tốc độ nhanh không ngờ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tốc độ nhanh chưa từng thấy của quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Âu trong gần một năm qua kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine đã giúp khu vực gần như loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Với tốc độ này, châu Âu có thể kỳ vọng bắt kịp Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo.

Chỉ sau một năm kể từ cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu như gần như đã loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Ảnh: Financial Times

Một năm trước, Liên minh châu Âu (EU) chi khoảng 1 tỉ đô la mỗi ngày để trả tiền mua khí đốt, dầu mỏ và than đá nhập khẩu từ Nga. Hiện nay, EU chỉ  trả một phần nhỏ của số tiền đó. Ngay cả những đánh giá lạc quan nhất từ các nhà phân tích và các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) ngay từ đầu cuộc chiến cũng không dự đoán được châu Âu cắt sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga nhanh đến thế.

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết dù Nga gây sức ép bằng cách cắt giảm phần lớn nguồn năng lượng, bao gồm khí đốt, EU đã thoát khỏi khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Bà nói: “Điều này diễn ra nhanh hơn nhiều so với mong đợi của chúng tôi”.

Tất nhiên, để đạt được thành công này, châu Âu cũng phải chịu tổn thương tài chính với các chính phủ khu vực đã chi tổng cộng gần 1.000 tỉ đô la Mỹ cho các biện pháp trợ cấp năng lượng dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo

Cuộc khủng hoảng thiếu khí đốt ở khu vực có thể còn tồi tệ hơn nếu châu Âu không quyết liệt chuyển đổi sang năng lượng sạch từ nhiều năm trước. Bên cạnh đó, châu Âu cũng gặp “thiên thời” khi thời tiết trong mùa đông này ấm bất thường, do biến đổi khí hậu, làm giảm nhu cầu sưởi ấm của các hộ gia đình và từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm khi nhiều nhà máy quyết định đóng cửa.

Nhưng những gì diễn ra vào năm ngoái cho thấy châu Âu có thể triển khai các dự án điện mặt trời và pin lưu trữ điện nhanh chóng, giúp tăng công suất năng lượng sạch và hoán đổi vĩnh viễn các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Công suất năng lượng mặt trời lắp đặt trên khắp châu Âu đạt mức cao kỷ lục 40 GW vào năm ngoái, tăng 35% so với năm 2021. Bước nhảy vọt đó được thúc đẩy chủ yếu bởi những người tiêu thụ xem tấm pin mặt trời giá rẻ là cách để cắt giảm hóa đơn năng lượng của họ.

Jenny Chase, nhà phân tích của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), cho biết tốc độ triển khai nhanh chóng năng lượng mặt trời diễn ra trước khi EU đưa ra các ưu đãi mới cho năng lượng mặt trời.

Nhiều người dân trong khu vực đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà của họ cũng đã lắp thêm pin trữ điện. Theo dữ liệu từ BNEF, dung lượng lưu trữ pin ở châu Âu tăng kỷ lục 79% vào năm ngoái, dẫn đầu là lĩnh vực nhà ở với mức tăng 95%. Điều này diễn ra ngay cả khi giá pin mặt trời lần đầu tiên tăng sau nhiều năm, khiến một số nhà phát triển dự án trang trại mặt trời quy mô lớn tạm dừng đầu tư.

Công suất lắp đặt năng lượng gió ở châu Âu cũng tăng trong năm qua nhưng thấp hơn dự báo. Theo Oliver Metcalfe, nhà phân tích của BNEF, lạm phát cản trở tiến độ của nhiều dự án trang trại điện gió, thêm vào đó là sự chậm trễ trong việc cấp phép và các rào cản pháp lý khác.

Tăng cường nhập khẩu LNG

Tuy nhiên, công suất năng lượng tái tạo tăng thêm không đủ để thay thế dầu mỏ, khí đốt và than đá từ Nga một cách nhanh chóng như vậy. Trong nhiều năm, EU dựa vào nguồn khí đốt giá rẻ vận chuyển qua đường ống từ Nga. Nhưng chiến tranh đã làm thay đổi tất cả khi Moscow bóp nghẹt nguồn cung mặt hàng năng lượng này nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây nhằm vào Nga cũng như sự hỗ trợ của họ dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Đến cuối năm 2022, khí đốt của Nga được gửi trực tiếp đến châu Âu qua đường ống giảm 75% so với năm trước.

Vào mua thu năm ngoái, các dự báo đều chỉ ra rằng châu Âu sẽ không tránh khỏi cơn suy thoái trong năm nay do chi phí năng lượng tăng cao. Nhưng hiện tại, các nhà kinh tế EU hiện kỳ vọng nền kinh tế của khối sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2023 nhờ cuộc khủng hoảng năng lượng lắng dịu với giá khí đốt trong khu vực giảm về mức của năm 2021.

“Gần một năm sau khi Nga phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine, nền kinh tế EU đang trên đà phát triển tốt hơn dự kiến”, EC cho biết trong báo cáo kinh tế gần đây.

Một số khí đốt của Nga đã được thay thế bằng dòng chảy qua đường ống tăng lên từ Algeria và Na Uy. Tuy nhiên, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng đường biển là nguồn cung thay thế chủ yếu cho khí đốt tự nhiên của Nga.

Arun Toora, nhà phân tích tại BNEF, nói: “Ban đầu khi chiến tranh nổ ra, tôi rất bi quan và tôi không biết thị trường sẽ xoay xở thế nào nếu không có khí đốt của Nga. Nhưng châu Âu đã vượt qua bằng cách tận dụng mọi lô hàng LNG giao ngay trên thị trường”.

Năm ngoái, EU đã tăng mua LNG từ Mỹ và Qatar và đưa lượng nhập khẩu LNG tăng gấp đôi so với năm 2021. Nga cũng cung cấp LNG cho châu Âu dù giảm xuất khẩu khí đốt qua đường ống.

Cắt giảm nhu cầu khí đốt

Nhưng sự hỗ trợ lớn nhất đến từ nỗ lực giảm nhu cầu khí đốt của cả ngành công nghiệp lẫn các gia đình. Khi giá khí đốt tăng vọt, một số ngành công nghiệp trong khu vực như sản xuất phân bón cắt giảm công suất do không còn tính khả thi kinh tế. Trong khi các ngành công nghiệp khác tìm ra giải pháp thay thế khí đốt để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ. Điều đó giúp mức tiêu thụ khí đốt của các ngành công nghiệp ở châu Âu trong năm ngoái giảm 18% so với năm 2021. Mức giảm này ở các hộ gia đình là 15%, theo dữ liệu của BNEF.

Đồng thời, doanh số bán máy bơm nhiệt tăng nhanh ở hầu hết các nước châu Âu, từ Thụy Điển đến Ba Lan. Các ước tính ban đầu cho thấy doanh số bán máy bơm nhiệt trên toàn lục địa có thể đã tăng 38% so với năm 2021. Máy bơm nhiệt sẽ thu nhiệt lượng từ môi trường tự nhiên và nén lại để tăng nhiệt độ lên, rồi cung cấp cho các thiết bị sưởi. Máy bơm nhiệt có hiệu suất cao, nghĩa là chúng cần ít năng lượng hơn và vận hành rẻ hơn.

Nhập khẩu dầu mỏ từ Nga cũng giảm khoảng 300.000 thùng/ngày năm 2022, nhưng không giảm nhanh như than hay khí đốt. Nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này sẽ giảm nhanh sau khi EU triển khai các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm gồm cấm nhập khẩu bằng đường biển đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế như dầu diesel của Nga trong những tháng vừa qua.

Tốc độ chuyển đổi năng lượng trong thời kỳ chiến tranh đã giúp EU tự tin về những gì họ có thể làm để bắt kịp vị trí dẫn đầu của Trung Quốc về năng lượng xanh. Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhận xét: “Ở châu Âu, chúng ta đang chứng kiến ​​sự tăng tốc của quá trình khử carbon. Nga đang thua trận chiến năng lượng (với châu Âu)”.

Theo Bloomberg

3 BÌNH LUẬN

  1. Đáng nể! Trong khi Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo thì chỉ quan tâm đến điện than. Nguồn điện gió, mặt trời sản xuất ra không tiêu thụ được vì không có truyền dẫn, đấu nối. Trong tương lai, người dân châu Âu sẽ là những người được hưởng lợi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới