Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Âu và Mỹ tiến gần đến cuộc chiến tranh thương mại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Âu và Mỹ tiến gần đến cuộc chiến tranh thương mại

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Trong khi nỗ lực thương lượng tháo gỡ kế hoạch áp thuế của Mỹ đối với các mặt hàng thép và nhôm từ Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bế tắc thì Mỹ lại tung ra lời đe dọa mới về việc tăng thuế nhập khẩu ô tô. Tình thế này đang đẩy hai bên tiến đến gần đến một cuộc chiến tranh thương mại, theo hãng tin Reuters.

Châu Âu và Mỹ tiến gần đến cuộc chiến tranh thương mại
Thép tấm cán nóng được sản xuất tại nhà máy thép của tập đoàn thép ArcelorMittal ở TP. Ghent, Bỉ. Ảnh: Reuters

Giữa lúc giá dầu ở mức cao, EU bất an trước một chính phủ mới của Ý có xu hướng dân túy và hoài nghi EU, căng thẳng về vấn đề Triều Tiên quay trở lại khi Tổng thống Trump dọa hủy hội nghị cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điều tồi tệ nhất đối với triển vọng kinh tế toàn cầu lúc này là một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra giữa Mỹ và EU.

Song đó chính xác là những gì mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải đối mặt nếu nước này không kéo dài thời hạn miễn trừ áp thuế nhập khẩu 25% và 15% lần lượt cho các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU sẽ hết hạn vào ngày 1-6 tới.

Cơ hội ngoại giao cuối cùng

Các nước EU và Mỹ có cơ hội ngoại giao cuối cùng để hóa giải nguy cơ chiến tranh thương mại khi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tố chức hội nghị bộ trưởng thường niên ở Paris vào ngày 30-5 tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang kêu gọi tạo luồng sinh khí mới cho trật tự kinh tế toàn cầu trong khi Mỹ phát động chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg ở TP. St Petersburg (Nga) hôm 26-5, ông Macron nhấn mạnh: “Chúng ta phải hợp tác để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới cũng như để tạo sự độc lập tài chính cho châu Âu”.

Tuy nhiên, trước thềm cuộc gặp giữa Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Cao ủy Thương mại EU Ceclia Malmstrom bên lề hội nghị bộ trưởng OECD sắp tới, có rất ít có dấu hiệu cho thấy Mỹ quan tâm đến nỗ lực tháo gỡ các bất đồng thương mại với EU.

“Vấn đề là làm sao chúng ta có thể chấp nhận một tình huống khi mà người Mỹ dàn xếp đối thoại với các đồng minh giống như cách mà họ đối thoại với một đối thủ như Trung Quốc chứ không hề có sự đối xử đặc biệt nào”, một nhà ngoại giao cấp cao Pháp nói.

Trước khi Tổng thống Trump đưa ra những mối đe dọa áp thuế hàng hóa nước ngoài, dòng chảy thương mại toàn cầu đã đối mặt với số lượng rào cản thương mại ngày càng gia tăng khi các nền kinh tế trên thế giới tìm cách gượng đứng dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Các số liệu thống kê của OECD cho thấy trong thập kỷ vừa qua, các nền kinh tế của khối G20 đã dựng lên 1.400 hàng rào thương mại trong khi đó, chỉ tạo ra 200 biện pháp tự do hóa thương mại.

Tổng Thư ký OECD Angel Gurria nói rằng một số chính phủ chỉ trích toàn cầu hóa và cho rằng việc mở rộng hệ thống thương mại đa phương đã không giải quyết được các lo ngại của cử tri về việc làm trong nước của họ “di cư” ra nước ngoài.

Có rất ít triển vọng để giải quyết nhanh căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và EU sau khi Mỹ mở một mặt trận thương mại mới bằng quyết định điều tra ô tô nhập khẩu, dọn đường cho kế hoạch tăng thuế ô tô nhập khẩu.

EU sẵn sàng cho kịch bản đáp trả Mỹ

Nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại là điều đặc biệt đáng lo ngại ở châu  u, nơi động lực tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu hụt hơi.

Phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng thương mại EU ở Brussels (Bỉ) hôm 22-5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cảnh báo rằng đà phục hồi kinh tế của EU và mối quan hệ với Mỹ đang ở tình thế nguy ngập khi các chính phủ EU vẫn còn tranh cãi về cách phản ứng trước mối đe dọa áp thuế thép và nhôm của Mỹ.

Ông Peter Altmaier nói rằng một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, khởi đầu với sắt và nhôm, có thể lan ra các mặt hàng khác gồm ô tô, dệt may, thực phẩm. Ông ủng hộ EU theo đuổi một giải pháp mang tính xây dựng với Mỹ.
“Đà hồi phục kinh tế ở châu  u là câu chuyện thực sự mong manh và chúng ta phải củng cố nó, chứ không nên làm yếu nó”, ông Altmaier nói.

Song Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tái khẳng định lập trường của Paris là EU không được lùi bước trước các đe dọa của Trump. Ông nói rằng các chính phủ EU có chung quyết tâm “không đàm phán dưới sự đe dọa” của Mỹ và sẽ đoàn kết dù Mỹ có thể có những động thái can thiệp nhằm gây chia rẽ EU.

Quyết định tạm miễn áp thuế sắt và nhôm mà Mỹ dành cho EU sẽ hết hạn vào ngày 1-6. Washington vẫn chưa nói điều gì sẽ xảy ra sau ngày này nhưng nhấn mạnh rằng EU chỉ được miễn trừ áp thuế vĩnh viễn nếu như giải quyết được những hạn chế bất công đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào EU.

Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom nói rằng có những tín hiệu từ chính quyền Mỹ cho thấy nước này sẽ không kéo dài thời gian miễn trừ áp thuế thép và nhôm của EU.

Giới ngoại giao châu Âu nhận định cơ hội để EU được Mỹ miễn trừ áp thuế thép và nhôm vĩnh viễn rất mong manh. Họ cho biết chính quyền Trump đã để xuất với bà Malmstrom rằng hoặc EU phải cắt giảm 10% lượng thép xuất khẩu sang Mỹ hoặc Mỹ sẽ áp đặt hạn ngạch nhập khẩu thép từ EU, có nghĩa là bất cứ lượng xuất khẩu nào vượt hạn ngạch đều bị áp các mức thuế mới.

EU đã bác bỏ bất kỳ phương án tự nguyện hạn chế sản lượng xuất khẩu nào và có khả năng kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu Mỹ áp đặt hạn ngạch. Bà Malmstrom cho biết EU đã chuẩn bị cho nhiều kịch bản có thể xảy ra vào ngày 1-6, bao gồm kịch bản áp thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới