Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Châu Phi ‘yếu ớt’ chống đỡ dịch bệnh nCoV

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Châu Phi ‘yếu ớt’ chống đỡ dịch bệnh nCoV

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Trong khi nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, đang vất vả chống dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra thì hiện châu Phi chưa có ca nhiễm nào xuất hiện.

Các chuyên gia đang lo ngại đại dịch nCoV, nếu xảy ra ở lục địa đen, sẽ gây quá tải cho các hệ thống y tế vốn còn yếu kém và thiếu thốn trong khu vực.

Châu Phi 'yếu ớt' chống đỡ dịch bệnh nCoV
Hành khách ở sân bay quốc tế Addis Ababa, Ethiopia, một trung tâm vận chuyển hành khách đi lại giữa châu Phi và Trung Quốc. Ảnh: Getty

Tác động sẽ rất khủng khiếp nếu dịch xuất hiện

Một chuyến bay từ TP. Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) vừa đáp xuống sân bay quốc tế ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hôm 5-2, bốn chuyên gia y tế của chính phủ, được trang bị kính bảo hộ và khẩu trang y tế, ngay lập tức tiếp cận hành khách để kiểm tra hộ chiếu. Họ phát hiện 2 hành khách có đến Trung Quốc.

Hai người này lập tức bị tách ra để kiểm tra thân nhiệt xem có bị sốt (một trong những triệu chứng của bệnh gây viêm phổi cấp do virus nCoV) hay không.

Họ được phép tiếp tục di chuyển sau khi kết quả kiểm tra cho thấy thân nhiệt bình thường. Chính sách kiểm tra y tế này bỏ qua một rủi ro: đó là không tính đến thời gian ủ bệnh kéo dài 14 ngày trước khi phát ra các triệu chứng rõ ràng.

Khi dịch nCoV đang hoành hành ở Trung Quốc và lan sang hàng chục nước trên thế giới, các chuyên gia ngày càng lo ngại về tình trạng đặc biệt bị tổn thương của châu Phi.

Hệ thống chăm sóc y tế của châu Phi vốn yếu kém và có rất ít các cơ sở đủ năng lực xét nghiệm virus nCoV. Các bác sĩ ở đây cũng đang căng mình khống chế đủ loại dịch bệnh khác từ sốt rét, sởi cho đến Ebola.

Ngoài ra, châu Phi cũng là nơi có lực lượng công nhân Trung Quốc đông đảo và nhiều người trong số đó đang quay trở lại châu Phi sau kỳ nghỉ về nước ăn Tết. Trong khi đó, nhiều người trong số 81.000 du học sinh châu Phi ở Trung Quốc cũng đang về nước.

Ngày càng có nhiều nước siết chặt kiểm soát đi lại với Trung Quốc thì Ethiopia vẫn cho phép các chuyến bay đến và đi từ nước này.

Tiến sĩ John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi (ACDC) ở Addis Ababa, cảnh báo: “Nếu dịch nCoV lan đến châu Phi, tác động của nó sẽ rất khủng khiếp”.

Theo ACDC, cho đến nay, có tổng cộng 32 ca nghi nhiễm nCoV ở châu Phi nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính.
Cho đến tuần trước, chỉ có hai nước ở châu Phi, Nam Phi và Senegal, có các phòng thí nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm virus nCoV. Trong tuần qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có thêm 4 nước châu Phi khác, gồm Ghana, Madagascar, Nigeria và Sierra Leone, được trang bị các thiết bị xét nghiệm virus nCoV.

Các chuyên gia cho biết hầu hết bệnh viện ở châu Phi, ngoại trừ các bệnh viện lớn ở các thủ đô và trung tâm khu vực, không có phòng chăm sóc đặc biệt để sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân nhiễm bệnh.

Châu Phi tránh được ảnh hưởng của dịch SARS (gây hội chứng suy hô hấp cấp), khiến gần 800 người tử vong vào năm 2002 và 2003. Chỉ có duy nhất một ca nhiễm SARS ở châu Phi vào giai đoạn đó.

Nhưng các chuyên gia cho rằng rủi ro hiện nay đã lớn hơn nhiều. Trung Quốc và châu Phi ngày càng bện chặt trong hai thập qua khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự với lục địa đen đồng thời tài trợ cho hàng loạt dự án hạ tầng lớn, cam kết đầu tư và cho vay hàng chục tỉ đô la Mỹ đối với khu vực này.

Trong những năm gần đây, người Trung Quốc đổ xô đến châu Phi để làm việc trong các ngành sản xuất, công nghệ, y tế, xây dựng. Không có số liệu chính thức về số liệu lao động Trung Quốc ở châu Phi nhưng một số báo cáo ước tính con số này dao động từ 200.000 đến 2 triệu người.

Đi lại hàng không giữa Trung Quốc và châu Phi cũng tăng bùng nổ trong thập kỷ qua từ 1 chuyến bay/ngày lên 8 chuyến bay trực tiếp/ngày hiện nay.

Rủi ro từ hành khách đi lại giữa Ethiopia và Trung Quốc

Các nhân viên y tế làm việc ở một phòng thí nghiệm tại Viện Pasteur ở Dakar, Senegal. Đây là một trong số ít các phòng thí nghiệm ở châu Phi có đủ năng lực xét nghiệm virus nCoV. Ảnh: AFP

Ethiopian Airlines, hãng hàng không lớn nhất châu Phi, là cầu nối chính giữa Trung Quốc và châu Phi. Hãng này đang vận chuyển 1.500 hành khách/ngày đi lại giữa Addis Ababa và Trung Quốc trên hàng chục chuyến bay mỗi tuần.

Sân bay quốc tế Addis Ababa được xây dựng nhờ một phần vốn tài trợ của Trung Quốc. Sân bay này có một trung tâm giúp du khách Trung Quốc dễ dàng xử lý thị thực nhập cảnh vào hàng chục quốc gia châu Phi khác.

Ethiopian Airlines vẫn tiếp tục duy trì các tuyến bay đến và đi từ các thành phố của Trung Quốc bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô và Hồng Kông dù nhiều hãng hàng không lớn khác ở châu Phi như Kenya Airways (Kenya), Egypt Air (Ai Cập) và Royal Air (Morocco) đã dừng bay đến nước này.

Giải thích cho quyết định trên, Ethiopian Airlines cho biết WHO đã khẳng định rằng dừng bay đến Trung Quốc sẽ không giúp khống chế dịch nCoV.

Hồi đầu tuần này, ông Uhuru Kenyatta, Tổng thống Kenya, đã phải kêu gọi Ethiopian Airlines cân nhắc dừng các chuyến bay trực tiếp đến và đi từ Trung Quốc để giúp ngăn chặn nguy cơ dịch nCoV lan đến châu Phi. Ông nói Kenya đang ở tình thế đặc biệt nguy hiểm vì hệ thống y tế trong nước yếu kém.

Ethiopian Airlines và chính phủ Ethiopia đang hứng chỉ trích của người dân ở các nước châu Phi vì có nhiều thông tin suy đoán Trung Quốc gây áp lực buộc chính phủ Ethiopia không được dừng bay đến nước này.

Du khách đi lại giữa Trung Quốc và châu Phi cũng có thể đến khu vực này thông qua trung tâm quá cảnh ở các lục địa khác, làm tăng thêm nguy cơ đưa virus nCoV đến châu Phi.

Bà Tadesse, Bộ trưởng Y tế Ethiopia, cho biết Ethiopia đã xây dựng khu vực cách ly ở sân bay quốc tế Addis Ababa và lắp đặt các phòng chăm sóc đặc biệt ở các bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi khác vẫn chưa được trang bị các thiết bị xét nghiệm virus nCoV.

“Nhiều hệ thống giám sát dịch bệnh ở khắp các nước châu Phi rất yếu kém và phần lớn lục địa này thiếu năng lực chẩn đoán. Việc xác định phần lớn các ca nhiễm và kiểm soát cơn bùng phát dịch nCoV có thể sẽ rất khó khăn, đặc biệt là ở những nước châu Phi nghèo và thiếu thốn các nguồn lực nhất”, Tiến sĩ Ngozi Erondu, học giả từ Chương trình Y tế toàn cầu của tổ chức phân tích tư vấn các vấn đề quốc tế Chatham House (Anh), nói.

WTO đang tăng cường hỗ trợ 13 nước châu Phi có các tuyến bay trực tiếp hoặc lượng người đi lại đến Trung Quốc cao, chẳng hạn giúp cải thiện năng lực phát hiện sớm các ca nhiễm và khẩn cấp gửi mẫu bệnh phẩm đến các phòng thí nghiệm đủ năng lực xét nghiệm virus nCoV.

Tính đến năm 2018, có hơn 81.000 du học sinh châu Phi đang theo học ở Trung Quốc, trong đó có khoảng 4.600 du học sinh và công dân châu Phi đang sinh sống ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch nCoV.

Người châu Phi đầu tiên được chẩn đoán nhiểm virus nCoV ở Trung Quốc là một sinh viên người Cameroon, 21 tuổi, đang theo học ở Đại học Dương Tử, tỉnh Hồ Bắc.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới