Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chạy đua cứu hộ tại Nepal, 5.057 người đã thiệt mạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chạy đua cứu hộ tại Nepal, 5.057 người đã thiệt mạng

Phúc Minh

Chạy đua cứu hộ tại Nepal, 5.057 người đã thiệt mạng
Tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát sau trận động đất ở Kathmandu. Ảnh: AFP

(TBKTSG Online) – Cục quản lý thiên tai quốc gia Nepal cho biết tính đến hết ngày 28-4, có 5.057 người thiệt mạng, 10.915 người bị thương và hơn 8 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,8 độ richter ngày 25-4. Các nước láng giềng Trung Quốc, Ấn Đô… cũng báo cáo hơn 100 người thiệt mạng bởi động đất.

Thủ tướng Nepal Koirala lo ngại số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 10.000 người. Ngày 28-4, chính phủ Nepal đã thông báo quốc tang 3 ngày nhằm tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ động đất tồi tệ nhất 81 năm qua tại quốc gia Nam Á này.

Trận động đất nói trên cũng phá hủy nhiều ngôi nhà khiến gần 500.000 người dân Nepal phải sống trong cảnh "màn trời chiếu đất".

Chính phủ Nepal và cộng đồng quốc tế đang chạy đua với thời gian để cứu hộ những nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, đại diện Chương trình lương thực thế giới, bà Elisabeth Byrs, cho biết hiện nay, các đội cứu hộ đang đối mặt với thách thức về hậu cần, tình trạng tắc nghẽn tại sân bay và các tuyến đường bởi nguy cơ sạt lở lớn. Hiện, một máy bay của Chương trình lương thực thế giới, mang theo nhiều tấn thiết bị, vẫn chưa thể hạ cánh.

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ khẩn cấp sau trận động đất. UNICEF cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh tật khi hàng ngàn trẻ em phải sống tạm trong những khu đất trống ở thủ đô Kathmandu sau khi nhiều nhà cửa bị phá hủy, khiến khả năng tiếp cận nguồn nước sạch và hệ thống vệ sinh hạn chế. UNICEF đã huy động nhân viên và triển khai hai máy bay chở 120 tấn hàng cứu trợ, trong đó có thuốc men, trang thiết bị y tế, chăn màn và lều bạt, đến Nepal.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã triển khai bệnh viện dã chiến ở Nepal với 60-80 giường bệnh.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến Nepal giúp chính phủ nước này đánh giá tác động của trận động đất đến tình hình kinh tế và xác định các nhu cầu tài chính.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết hai máy bay Nga chở đội cứu hộ gồm hơn 90 chuyên gia, thiết bị và hàng hóa cứu trợ đã đến Nepal. Các nước Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Algeria, Singapore, Israel đều đã cử lực lượng cứu hộ giúp Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất.

Trước đó vào ngày 26-4, Ủy ban châu Âu (EU) đã giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu euro (3,25 triệu đô la Mỹ) cho Nepal. Bộ trưởng phát triển quốc tế Anh Justine Greening thông báo Anh đã chi 5 triệu bảng (7,6 triệu đô la Mỹ) hỗ trợ giải quyết hậu quả trận động đất ở Nepal. Các nước Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy cũng cam kết viện trợ cho Nepal.

Thêm vụ lở tuyết nghiêm trọng, 250 người mất tích

Thêm một vụ lở tuyết nghiêm trọng khiến 250 người mất tích. Ảnh: Reuters

Sau trận động đất 7,8 độ richter, nhiều khu vực trên dãy Himalaya hứng chịu những vụ lở đất và tuyết lớn. Ngày 28-4, nhà chức trách Nepal thông báo thêm vụ lở tuyết nghiêm trọng nữa tại một ngôi làng gần khu vực leo núi nổi tiếng ở phía bắc thủ đô Kathmandu khiến 250 người mất tích, trong đó có nhiều du khách quốc tế.

Giới chức quận Uda cho biết địa điểm bị sạt lở là một công viên tự nhiên, nơi có nhiều du khách nước ngoài. Hiện, lực lượng cứu hộ đang cố gắng đào bới các lớp tuyết dày để giải cứu những người mắc kẹt nhưng mưa lớn và thời tiết xấu đang cản trở nỗ lực cứu nạn.

Cách đây hai ngày, một vụ sạt lở tuyết đã làm 18 người leo núi nước ngoài ở trại Everest thiệt mạng.

Đọc thêm:

>> Động đất Nepal: hơn 4.400 người thiệt mạng, 8 triệu người bị ảnh hưởng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới